PGS. TS. Trần Việt Thái: Việt Nam vững vàng trong biến động

PGS. TS. Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao, nhận định: năm 2019 đã qua và năm 2020 sắp tới ẩn chứa nhiều biến động song Việt

PGS. TS. Trần Việt Thái: Việt Nam vững vàng trong biến động - Ảnh 1.

PGS. TS. Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao.

Ông có thể chia sẻ một vài nét chính về cục diện thế giới năm 2019 và năm qua có gì khác biệt so với năm 2018?

Đây là câu hỏi rất hay, song cũng rất khó.

Năm 2019 là năm cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Do đó, đây là quãng thời gian phản ánh nhiều điểm then chốt trong quá trình chuyển đổi. Cục diện thế giới năm 2019 có 5 nét chính:

Thứ nhất, vể tổng thể, năm 2019 chứng kiến một thế giới bất định, khó lường; chiến lược và quan hệ nước lớn trở nên hết sức phức tạp. 

Cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc cực kỳ gay gắt, mặt đấu tranh ngày càng nổi trội, lấn át các mặt hợp tác và khác biệt rõ rệt so với các năm trước, phản ánh sự thay đổi trong tương quan so sánh lực lượng nước lớn. Thế giới đang chuyển đổi sang trật tự mới, được định hình rõ nét.

Thứ hai, về chính trị an ninh, tập hợp lực lượng đang diễn ra. Đặc biệt, châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến thay đổi về tương quan so sánh lực lượng và bố trí chiến lược của Mỹ, Trung Quốc ở khu vực đang định hình ngày một rõ, nhất là Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Thứ ba, về kinh tế thương mại, Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương vẫn là điểm sáng, trung tâm tăng trưởng toàn cầu, song cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động, tạo ra sự dịch chuyển lớn về sản xuất, thương mại, đầu tư từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và từ Trung Quốc sang Nam Á, nhất là Ấn Độ, định hình trật tự kinh tế khu vực mới.

Thứ tư, về vấn đề xã hội, chủ nghĩa dân túy vẫn phát triển và “lây lan”. Trong năm 2019, yếu tố xã hội nổi lên gay gắt ở nhiều nơi, đặc biệt là châu Âu, Mỹ Latinh và châu Phi.

 Ở một số nước Mỹ Latinh, chỉ một vấn đề xã hội nhỏ như tăng giá vé tàu điện ngầm hay mặt hàng năng lượng thiết yếu cũng có thể dẫn đến phản ứng gay gắt của xã hội, tác động tới nền chính trị và chiến lược đối ngoại. Đây là điểm mới và khác so với trước.

Thứ năm, các vấn đề an ninh phi truyền thống như môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, năng lượng, nguồn nước, tội phạm công nghệ cao, dịch tả lợn châu Phi… diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt đời sống chính trị xã hội của khu vực và thế giới. 

Trong khi đó, các thiết chế quản trị toàn cầu đang thay đổi, chưa định hình rõ nét. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia phải hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nhằm tìm kiếm giải pháp.

Năm nét chính này đã định hình nên cục diện thế giới năm 2019. So với năm 2018, cục diện thế giới năm 2019 vẫn tiếp nối xu hướng từ các năm trước. 

Bất chấp xáo trộn và lực cản từ tâm lý chống toàn cầu hóa, bảo hộ hay đơn phương, toàn cầu hóa tiếp tục là xu thế lớn, phát triển trong năm cuối cùng của thập kỷ. Cách mạng Công nghiệp 4.0 vẫn phát triển mạnh mẽ thời gian qua.

Tuy nhiên, yếu tố xã hội mới là điểm khác biệt nhất của thế giới năm 2019 với năm 2018, tác động tới từng quốc gia. Ví dụ, dịch tả lợn châu Phi đã tác động mạnh tới Việt Nam. 

Chỉ trong 11 tháng, dịch đã lan ra cả nước, điều chưa từng xảy ra từ khi Việt Nam cải cách mở cửa, tác động tới giá thịt lợn hơi và nguồn cung, cầu trong và ngoài nước; nước láng giềng Trung Quốc phải mở kho dự trữ đông lạnh để cung cấp thịt lợn.

Ngoài ra, vấn đề tưởng bế tắc lại đột ngột có giải pháp: Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung vốn chực chờ bùng nổ bỗng lại được hạ nhiệt ít nhiều bằng thỏa thuận sơ bộ giai đoạn 1, song ngay sau đó, hai bên lại bất đồng và chưa thể ký thỏa thuận trong năm 2019. Vì vậy, thế giới năm 2020 sẽ bất định, khó lường, khó dự báo hơn trước.

PGS. TS. Trần Việt Thái: Việt Nam vững vàng trong biến động - Ảnh 2.

Ông có thể đưa ra nhận định về cục diện thế giới năm 2020?

Về cơ bản, cục diện thế giới năm 2020 sẽ tiếp nối xu hướng của năm 2019.

Thứ nhất, trật tự thế giới vẫn trong quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại do tương quan lực lượng đang thay đổi và theo dự báo, mặt cạnh tranh trong quan hệ nước lớn sẽ gay gắt hơn trước, đặc biệt là trong năm Mỹ tiến hành bầu cử Tổng thống. 

Quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung sẽ được đưa lên bàn nghị sự, tác động tới cục diện khu vực và thế giới.

Thứ hai, cục diện chính trị an ninh tiếp tục điều chỉnh theo hướng hình thành rõ rệt hơn thế chiến lược của nước lớn ở khu vực trọng điểm, trong đó Mỹ, Trung Quốc, châu Âu tập trung nhiều hơn vào châu Á – Thái Bình Dương. 

Mỹ sẽ tiếp tục giảm và rút dần các cam kết tại Trung Đông, một phần ở châu Phi để tập trung vào nội bộ và châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, năm 2020 sẽ chứng kiến một thế chiến lược mới hình thành ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thứ ba, về kinh tế, khả năng diễn ra khủng hoảng là không cao, song bức tranh kinh tế thế giới có thể sẽ ảm đạm kéo dài, tác động tương đối tới tăng trưởng và phát triển của đất nước. 

Đáng chú ý, xu hướng dịch chuyển sản xuất, thương mại, đầu tư từ nơi có chính sách bảo hộ cao sang thị trường tự do, với môi trường đầu tư tốt hơn sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ, quy mô ngày càng lớn. Chưa bao giờ kết nối của Việt Nam với thế giới lại nhiều như hiện nay và năm 2020, tốc độ và quy mô của nó sẽ ngày một tăng.

Thứ tư, các vấn đề về xã hội như chủ nghĩa dân túy sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2020, đơn cử như ngày 31/1, nước Anh sẽ tiến hành rời Liên minh châu Âu (EU).

Thứ năm, các quốc gia sẽ phải chứng kiến, nỗ lực hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu và nhanh chóng ổn định cơ chế quản trị toàn cầu.

Vậy Việt Nam cần chuẩn bị gì trước các biến động này?

Trong một thế giới như vậy, Việt Nam cần chủ động, tích cực tìm kiếm giải pháp nhằm thích nghi với tình hình mới. May mắn, Việt Nam đã có “đà” rất tốt từ năm 2019: Tình hình chính trị xã hội về cơ bản ổn định, kinh tế tăng trưởng và phát triển tốt, uy tín, vị thế đất nước ở khu vực và thế giới ngày càng cao.

Từ góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng công tác dự báo đóng vai trò then chốt trong xây dựng chính sách, giúp Việt Nam thích nghi với tình hình mới. Những dự báo vốn chỉ được thảo luận nội bộ trong giới học giả giờ cần được thảo luận công khai, tạo tính lan tỏa xã hội tới Chính phủ, địa phương, tăng cường nhận thức của chủ thể để thích nghi tốt hơn với tình hình.

Hội nhập quốc tế đang tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội tại Việt Nam, từ cá nhân tới tập thể, từ chiếc điện thoại, đồng hồ tới bộ quần áo, đôi giày… 

Chỉ cần một nhân tố trong tiến trình hội nhập quốc tế thay đổi sẽ kéo theo sự biến chuyển của hàng loạt nhân tố khác. Thực tế này cho thấy khâu dự báo và phổ biến thông tin về tình hình quan hệ quốc tế là vô cùng quan trọng.

Đến nay, Việt Nam đã chuẩn bị tương đối tốt, chủ động, linh hoạt và nhạy bén trước thay đổi của thời cuộc. Điều hành vĩ mô và quản lý xã hội đã được cải cách, song quá trình này cần được thúc đẩy hơn nữa. 

Địa phương, doanh nghiệp và người dân cần chủ động nắm thông tin, thích nghi với xu thế lớn hiện nay, đặc biệt là xu thế dịch chuyển sản xuất, đầu tư, thương mại, trong bối cảnh Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để khai thác mặt tích cực của xu thế này. 

Quan trọng hơn, Chính phủ cần xây dựng đồng thuận xã hội để xử lý các vấn đề và hệ quả phát sinh trong quá trình hội nhập như ô nhiễm môi trường, đào tạo và chuyển đổi nghề thích ứng với bối cảnh số, khởi nghiệp.

Năm 2020 và 2021, Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn khi đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Ngành Ngoại giao đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, song chúng ta vẫn cần phải linh hoạt và nhạy bén, nhằm phản ứng trước biến động mới của tình hình thế giới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/pgs-ts-tran-viet-thai-viet-nam-vung-vang-trong-bien-dong-20200124130723707.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/