OPEC trước canh bạc lớn: Thời kì hoàng kim của cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ đã kết thúc

Trong nhiều năm qua, OPEC đã phớt lờ sự phát triển của ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ và phải hối tiếc vì sai lầm đó. Giờ đây, OPEC đang thực hiện một canh bạc táo bạo khác khi nhận định thời kì hoàng kim của cuộc cách mạng dầu mỏ Mỹ đã kết thúc.

OPEC và ngành dầu mỏ tin sản lượng dầu thô Mỹ sẽ giảm

Khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhóm họp trong tuần này, hội đồng bộ trưởng sẽ thảo luận về việc có nên tăng mục tiêu sản lượng hiện tại thay vì giảm nó hay không.

Theo Bloomberg, nguyên nhân của cuộc thảo luận trên xuất phát từ việc OPEC tin sản lượng dầu thô tăng không ngừng của nền kinh tế Mỹ sẽ chững lại nhanh chóng vào năm 2020.

Hôm 1/12, Iraq cho biết OPEC và các đồng minh sẽ cân nhắc giảm sản lượng sâu hơn, mặc dù ý kiến này được đưa ra sau khi liên minh dầu mỏ phát tín hiệu cho thấy họ đang ngần ngại thực hiện một động thái như vậy.

OPEC không hề đơn độc. Trên toàn ngành dầu mỏ, nhiều thương nhân và giám đốc cũng nhận định sản lượng dầu thô Mỹ sẽ giảm tốc trong năm 2020 so với năm nay, và chững lại với tốc độ đáng kể so với năm 2018. 

Trên lí thuyết, liên minh OPEC và đồng minh hiện đã kiểm soát được thị trường dầu mỏ.

20170520_FNP001_0

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

"Arab Saudi đang thực hiện tốt việc cân bằng thị trường dầu mỏ", theo ông Macro Dunand, Giám đốc công ty thương mại Mercuria Energy Group. Tuy nhiên, ông Dunand cũng không quên cảnh báo: "OPEC sẽ cần phải theo dõi sát sao sản lượng dầu thô Mỹ".

Dù vậy, Arab Saudi và các đồng minh nên cảnh giác với việc giảm giá cạnh tranh từ các nhà cung ứng dầu đá phiến Mỹ cũng như những nhà cung ứng không thuộc nhóm OPEC.

Hồi tháng 9, sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là xấp xỉ 17,5 triệu thùng/ngày, tăng 1,3 triệu thùng/ngày so với cùng kì năm ngoái. Mức độ tăng trưởng này có khả năng sẽ duy trì ít nhất là đến đầu năm 2020 trước khi nó thực sự chững lại.

Tuy nhiên, tăng trưởng chậm không có nghĩa là không tăng trưởng. Trong khi các công ty khai thác dầu mỏ độc lập, vốn đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ, gặp khó khăn và đã tuyên bố cắt giảm chi tiêu mạnh tay, hãng Big Oil đang ngày càng chiếm ưu thế ở nhiều mỏ dầu quan trọng như Permian (nằm ở phía tây nam nước Mỹ).

Các công ty "rủng rỉnh" tài chính như Exxon Mobil và Royal Dutch Shell có khả năng tiếp tục đầu tư, tăng sản lượng khai thác ở Texas, New Mexico và một số nơi khác.

Vitol Group, công ty giao dịch dầu mỏ độc lập lớn nhất thế giới, dự đoán sản lượng dầu mỏ Mỹ sẽ tăng khoảng 700.000 thùng/ngày trong giai đoạn tháng 12/2019 - 12/2020, trong khi sản lượng trong giai đoạn cuối năm 2018 - cuối năm 2019 đạt 1,1 triệu thùng/ngày.

Sản lượng từ Mỹ giảm, nguồn cung từ Brazil, Guyana, Na Uy tràn vào thị trường

Bloomberg nhận định vấn đề lớn nhất đối với OPEC không đến từ sản lượng dầu đá phiến Mỹ mà đến từ các nước khác. Sản lượng khai thác của Brazil và Na Uy đang tăng lên và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020.

Sau nhiều năm giá dầu liên tục thấp, các kĩ sư đã phát triển nhiều dự án có giá thành rẻ hơn và kết quả đã rõ ràng.

Mỏ dầu Johan Sverdrup của Na Uy, dự án lớn nhất trong nhiều thập kỉ ở Biển Bắc, đã bắt đầu đi vào hoạt động hồi đầu năm nay, trước kế hoạch vài tháng và còn dư vài tỉ USD trong ngân sách ban đầu.

Trong khi đó, Guyana, một quốc gia nhỏ bé giáp ranh Venezuela ở khu vực Mỹ Latin, cũng sắp sửa bơm dầu lần đầu tiên.

"Đối với OPEC, nửa đầu năm 2020 vẫn sẽ là một giai đoạn khó khăn", ông Russell Hardy, Giám đốc điều hành của Vitol, cho hay trong một cuộc phỏng vấn. 

"Sản lượng dầu thô của Mỹ đang tăng trưởng mạnh trong quí IV và trong nửa đầu năm tới, sản lượng từ các nước không thuộc OPEC như Na Uy, Brazil và Guyana sẽ tăng lên".

OPEC và đồng minh hiểu rõ họ đang đánh một canh bạc rủi ro. Ước tính riêng của liên minh cho thấy nếu họ tiếp tục bơm thêm dầu như trong vài tháng qua (khoảng 29,9 triệu thùng/ngày), nguồn cung sẽ vượt nhu cầu trung bình của thị trường khoảng 200.000 thùng/ngày vào năm tới.

Nguồn cung dư thừa sẽ tập trung trong nửa đầu năm, khi OPEC ước tính họ chỉ cần bơm khoảng 29 triệu thùng/ngày để ngăn dự trữ dầu tăng cao.

Tuy nhiên, các quan chức OPEC vẫn tin cân bằng cung - cầu của thế giới có thể bị siết chặt hơn so với dự đoán. Đây là một sự thay đổi lớn so với ba năm trước.

Các quan chức nhận thấy mức tăng trưởng sản lượng từ các nước không thuộc OPEC sẽ chững lại so với dự đoán, trong khi nhu cầu trên toàn thế giới tăng cao hơn dự kiến.

Thị trường dầu mỏ đang tương đối cân bằng, tạo niềm tin cho OPEC rằng họ sẽ vượt qua vài tháng đầu năm 2020 "bình an vô sự" kể cả khi họ nới lỏng sản lượng một chút.

Vấn đề là thị trường dầu mỏ không chỉ xoay quanh dầu thô mà còn liên quan đến các loại khí đốt hóa lỏng, vốn là sản phẩm phụ của hoạt động khoan dầu và khí đốt và thường rất dư thừa.

Khí đốt hóa lỏng thường được xử lí tại nhà máy lọc dầu và pha trộn với các loại nhiên liệu hóa thạch khác như xăng cũng như được sử dụng để sản xuất nguyên liệu hóa dầu naphtha.

"Cán cân cung - cầu trên thị trường dầu mỏ năm 2020 cho thấy thị trường đang tương đối ổn định", ông Amrita Sen, nhà phân tích trưởng tại công ty tư vấn Energy Aspect, cho hay. 

"Tuy nhiên, khi bạn bổ sung thêm các loại khí đốt hóa lỏng khác, cán cân sẽ trở nên lỏng lẻo hơn".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/opec-truoc-canh-bac-lon-thoi-ki-hoang-kim-cua-cuoc-cach-mang-dau-da-phien-my-da-ket-thuc-20191202174041189.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/