OPEC khẳng định không gây ra lạm phát toàn cầu, vậy thủ phạm là ai?

Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais tuyên bố tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ này không có lỗi trong việc lạm phát trên toàn thế giới lên cao, đồng thời cho rằng tình trạng các nước thiếu đầu tư cho ngành dầu khí mới là nguyên nhân chính.

Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais tại thủ đô Vienna của Áo, ngày 17/8/2022. (Ảnh: Bloomberg).

"Thiếu đầu tư kinh niên"

“OPEC không gây ra đà tăng giá cả gần đây”, Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais phát biểu trên kênh CNBC ngày 17/8. “Có nhiều nhân tố vượt ra ngoài phạm vi của OPEC đang tạo nên đợt tăng sốc trong giá khí đốt và dầu mỏ. Tôi nghĩ nói một cách ngắn gọn thì nguyên nhân đó là thiếu đầu tư – thiếu đầu tư kinh niên”.

“Đây là thực tế phũ phàng mà mọi người phải nhìn thấy, trong đó có các nhà hoạch định chính sách. Khi tất cả đã nhận ra vấn đề, tôi nghĩ chúng ta có thể bắt đầu nghĩ về một giải pháp. Và giải pháp là rất rõ ràng. OPEC thấy rằng cần phải đầu tư, đầu tư, đầu tư”, Tổng Thư ký OPEC nhận định.

Đầu tư vào năng lượng toàn cầu năm 2022 có khả năng tăng trưởng 8% so với năm ngoái, nhưng gần một nửa mức tăng này đến từ việc giá cả cao hơn trước.

Ông Haitham Al Ghais là người Kuwait. Tháng 7 vừa qua, ông Al Ghais trở thành Tổng Thư ký của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sau khi người tiền nhiệm là ông Mohammad Barkindo (63 tuổi) qua đời khi chỉ còn vài ngày nữa là hết nhiệm kỳ.

Hồi tháng 6, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đầu tư vào năng lượng toàn cầu năm 2022 có khả năng tăng trưởng 8% so với năm ngoái, đạt khoảng 2.400 tỷ USD. IEA cho rằng những diễn biến này là “đáng khích lệ” nhưng cũng cảnh báo rằng mức đầu tư hiện nay vẫn còn kém xa quy mô cần thiết để giải quyết nhiều khía cạnh của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Cơ quan này cũng chỉ ra rằng gần một nửa của mức tăng 8% trong đầu tư cho năng lượng đến từ việc chi phí lên cao, chỉ một nửa còn lại là phần tăng thực tế.

Đối với dầu và khí đốt, IEA cho biết mức đầu tư năm nay tăng 10% so với năm ngoái nhưng vẫn còn “thấp hơn nhiều” mức của năm 2019. Cơ quan này cũng nhận định rằng giá nhiên liệu hóa thạch cao hiện nay tạo ra cơ hội “cả đời người mới có một lần” cho các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu khí thực hiện một cuộc chuyển đổi thiết yếu.

 Lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên cao, phần lớn là do chi phí nhiên liệu tăng chóng mặt.

IEA trước đây tuyên bố rằng các nhà đầu tư không nên tài trợ vốn cho các dự án khai thác dầu, khí và than mới nếu như thế giới muốn đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.

Vào tháng 4, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nói rằng việc tài trợ vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thách mới là “sự điên rồ về đạo đức và kinh tế”.

“OPEC đang làm hết trách nhiệm của mình”

Tổng Thư ký Al Ghais phát biểu chỉ hai tuần sau khi OPEC và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) khiến thị trường bất ngờ khi thông báo chỉ tăng sản lượng thêm 100.000 thùng dầu mỗi ngày tại cuộc họp hôm 3/8.

OPEC+ cho biết “việc năng lượng dư thừa cực kỳ hạn chế” khiến cho khối phải hành động “rất thận trọng”. Quyết định nâng sản lượng thêm chỉ 100.000 thùng dầu/ngày được coi là một đòn đau giáng vào nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hồi tháng 7, ông Biden đến Saudi Arabia – quốc gia quan trọng nhất của OPEC – nhằm cố thuyết phục khối này bơm thêm dầu, qua đó giúp làm giảm giá xăng tại Mỹ cũng như hỗ trợ nền kinh tế thế giới. Kết quả đã không như mong đợi của ông Biden. Các nước OPEC+ dự kiến sẽ họp phiên tiếp theo vào ngày 5/9.

OPEC sản xuất khoảng 40% lượng dầu toàn cầu. Khi được hỏi liệu OPEC có phải chịu trách nhiệm khi để giá nhiên liệu lên cao dẫn tới lạm phát phi mã hay không, Tổng Thư ký Al Ghais khẳng định: “Không, tuyệt đối không”.

“OPEC đang làm tròn phần việc của mình, chúng tôi đang tăng sản lượng tùy theo tình hình và phù hợp với một cơ chế từng bước rất minh bạch … Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để đưa thị trường quay về mức cân bằng, nhưng có nhiều nhân tố kinh tế thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC”, ông Al Ghais nói.

Trong những tuần gần đây, giá dầu thô liên tục lao dốc giữa lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế và triển vọng nhu cầu suy yếu. Hiện nay, giá dầu Brent đang dao động quanh 95 USD/thùng còn dầu WTI đang ở 89 USD/thùng.

Giá dầu thô hiện đã giảm nhiều so với đỉnh hồi cuối tháng 2 khi xung đột Nga - Ukraine mới nổ ra, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với cùng kỳ 2021.

Cảnh báo của UAE và Arab Saudi

Hồi tháng 5, các bộ trưởng dầu mỏ Arab Saudi và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cảnh báo việc công suất dự phòng đang giảm xuống trong tất cả lĩnh vực năng lượng, khiến cho giá từ dầu thô tới khí tự nhiên và diesel đều lên cao kỷ lục.

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi nói về việc giá các chế phẩm từ dầu mỏ tăng nóng: “Tôi già như một cong khủng long nhưng cũng chưa từng thấy chuyện gì như thế này”.

“Thế giới đang dần cạn kiện năng lực sản xuất năng lượng ở mọi cấp độ”, ông bin Salman nói thêm.

Bộ trưởng Dầu mỏ UAE Suhail al Mazrouei tuyên bố rằng nếu đầu tư toàn cầu không tăng lên, OPEC+ sẽ không thể đảm bảo đủ nguồn cung dầu khi nhu cầu phục hồi hoàn toàn hậu COVID.

“Từ lâu chúng tôi đã cảnh báo về việc thiếu đầu tư”, ông Mazrouei nói hồi tháng 5. “Tình trạng thiếu đầu tư đang tác động tới rất nhiều quốc gia.

Arab Saudi và UAE nằm trong số ít những nước đầu tư nâng sản lượng với mục tiêu tạo ra thêm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày vào cuối thập kỷ này. Đa số quốc gia khác gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn do các cổ đông và chính phủ khuyến khích từ bỏ năng lượng hóa thạch để chuyển sang năng lượng tái tạo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/opec-khang-dinh-khong-gay-ra-lam-phat-toan-cau-vay-thu-pham-la-ai-202281816462125.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/