Ông Tập tránh đề cập đến Evergrande trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn bám sát chủ đề "thịnh vượng chung" trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào 21/9 vừa qua mà không hề đề cập đến khủng hoảng nợ của Evergrande.

Trong bài phát biểu qua video trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã không đề cập đến việc tập đoàn bất động sản nối tiếng Trung Quốc - Evergrande, hay mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng hệ thống đang gây chấn động lên thị trường chứng khoán toàn cầu, theo Nikkei.

Thay vào đó, ông kêu gọi thế giới hướng tới mục tiêu "tăng trưởng cân bằng, phối hợp và bao trùm" cùng với đó là thành quả của sự phát triển được sẻ chia cho mọi người.

Thay vì nói về 'bom nợ' Evergrande, ông Tập Cận Bình lại kêu gọi tăng trưởng toàn diện tại Liên Hợp Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình trong bài phát biểu trực tuyến trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21/9. (Ảnh: AP).

Điều này lặp lại sự nhấn mạnh gần đây của ông về "thịnh vượng chung" và đồng thời cũng nhấn mạnh thêm sự im lặng của truyền thông Trung Quốc về phản ứng của chính phủ về "bom nợ" bất động sản Evergrande.

Trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo ra ngày 21/9 cũng không đề cập tới câu chuyện đang được quan tâm gần như là nhất nhì trên thị trường kinh doanh và tài chính Trung Quốc. Nhìn chung, họ chỉ nói về những lựa chọn khó khăn mà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt.

Với mục tiêu "lấy của nhà giàu để giúp đỡ người nghèo", ông Tập không thể sử dụng gói cứu trợ trong lĩnh vực bất động sản một các dễ dàng, một lĩnh vực mà chính phủ đã nhắm đến để hạn chế các loại giao dịch đầu cơ mà chỉ những người khá giả hay có mối quan hệ tốt mới có thể kiếm lời.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không thể mạo hiểm kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính giống như thời điểm Lehman Brothers, trước khi ông được đề cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là người đứng đầu đất nước vào năm tới.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang là điểm nóng của sự bất mãn đối với người dân thành thị đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao. Khi các nhà chức trách nới lỏng tín dụng vào năm ngoái để xoa dịu tác động của đại dịch COVID-19, họ đã thúc đẩy giá bất động sản tăng cao.

Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản E-House, giá bất động sản ở 50 thành phố lớn gấp 13 lần thu nhập hàng năm vào năm 2020, tăng từ 10 lần vào năm 2015.

Trong bối cảnh đó, bất kỳ gói cứu trợ nào của nhà nước dành cho Evergrande, một ông lớn trong lĩnh vực bất động sản đang mắc nợ, sẽ giống như một điểm tựa cho các nhà đầu tư bất động sản giàu có.

Tại bài phát biểu của Liên Hợp Quốc, ông Tập nói rằng thế giới nên tuân theo "cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm" khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ COVID-19.

“Chúng ta nên bảo vệ và cải thiện sinh kế của người dân", ông nói. Đồng thời cho rằng rằng thế giới cần đảm bảo “sự phát triển là vì người dân và do người dân, và thành quả của nó được chia sẻ cho mọi người ”.

Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, có hơn 300 tỷ USD nợ chưa thanh toán. Những khoản nợ từ người cho vay, nhà cung cấp, nhà xây dựng và nhà đầu tư trong các sản phẩm quản lý tài sản.

Với tầm quan trọng của ngành bất động sản ở Trung Quốc, "bom nợ" Evergrande sẽ gây tác động tới toàn bộ nền kinh tế. Dữ liệu của Cục Thống kê nước này cho thấy, lĩnh vực này chiếm 7% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.

Các cơ quan quản lý, lo ngại rằng việc đầu cơ sẽ làm thị trường nóng lên, đã hành động từ giữa năm 2020 để hạn chế việc vay mới của các nhà phát triển. Các ngân hàng cũng được yêu cầu giới hạn các khoản thế chấp để hạn chế giao dịch của người mua nhà.

Những biện pháp này đã hạn chế khả năng tiếp cận tài chính ngân hàng của các nhà phát triển và khả năng thu hồi vốn đầu tư của họ thông qua việc bán bất động sản, khiến Evergrande và những người khác rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền mặt.

Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã tăng vọt lên 4,29% vào cuối tháng 6, từ mức 1,41% một năm trước đó.

Cho vay bất động sản chiếm khoảng 1/5 tổng tài chính ngân hàng ở Trung Quốc. Nếu Evergrande không trả được nợ, sự bất ổn có thể gia tăng trong một phản ứng dây chuyền trên toàn hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Tuy nhiên, định hướng chính sách kinh tế hiện tại không cho phép Evergrande được cứu trợ nhanh chóng. Ngay cả khi hỗ trợ được cung cấp thông qua các kênh như các công ty nhà nước ở tỉnh Quảng Đông, nơi nhà phát triển đặt trụ sở, "sẽ chỉ sau khi Evergrande kết thúc việc bán bớt các tài sản không phải cốt lõi", một nguồn tin thị trường cho biết.

Các cơ quan tài chính có các lựa chọn khác, chẳng hạn như sử dụng chính sách "cửa sổ định hướng" để hỗ trợ dòng tiền tại các công ty xây dựng mà Evergrande nợ tiền. Nhưng các nhà chức trách vẫn sẽ không giải quyết được sự bất ổn đang leo thang trên các thị trường.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-tap-tranh-de-cap-den-evergrande-trong-bai-phat-bieu-truoc-dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-20210922094939635.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/