Ông Mai Hữu Tín vào HĐQT, Cao su Phước Hòa có gì hấp dẫn?

Sở hữu quỹ đất lớn tại địa phương có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp lớn nhất cả nước, Cao su Phước Hoà cho thấy sức hút của doanh nghiệp đã sẵn sàng bàn giao đất cho hoạt động mở rộng các KCN tại tỉnh Bình Dương.

Cao su Phước Hòa có gì để lọt mắt xanh của ông Mai Hữu Tín? - Ảnh 1.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Gỗ Trường Thành tham gia vào HĐQT của Cao su Phước Hòa. (Đồ họa: Alex Chu).

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) mới đây đã thông qua việc bầu ông Mai Hữu TínChủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) làm Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2018 - 2023. 

Việc tham gia vào Cao su Phước Hòa của ông Mai Hữu Tín thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi thực tế Gỗ Trường Thành đang vật lộn với muôn vàn khó khăn về vốn và khoản lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2021. 

Quỹ đất rộng lớn và nguồn gỗ cao su 

Bình Dương đang là địa phương dẫn đầu cả nước về nhu cầu thuê đất công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy lên đến 99%. Vì vậy, các doanh nghiệp ở địa phương có quỹ đất dồi dào sẽ có cơ hội lớn để mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực này. 

Theo thống kê của công ty chứng khoán, Cao su Phước Hòa có quỹ đất cao su sẵn sàng chuyển đổi thành đất KCN lên đến 5.485 ha, chiếm 37% tổng diện tích đất KCN của tỉnh Bình Dương.

Cao su Phước Hòa có gì để lọt mắt xanh của ông Mai Hữu Tín? - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ Chứng khoán Công Thương.

Ban lãnh đạo Cao su Phước Hòa cho biết, định hướng phát triển trong năm nay là nắm bắt thời cơ và đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công năng sử dụng đất để phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đặc biệt là tận dụng nguồn lực sẵn có về đất đai để phát triển nhanh.

Về trung và dài hạn, Cao su Phước Hòa đang nuôi tham vọng từng bước tái cơ cấu lại lĩnh vực kinh doanh, đầu tư theo hướng tăng dần tỷ trọng hạ tầng KCN - Đô thị - Dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh doanh cao su và giảm dần sự phụ thuộc vào lĩnh vực thanh lý cao su, bồi thường do giao đất.

Đặc biệt trong giai đoạn đến năm 2025, Cao su Phước Hòa sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai mở rộng KCN Tân Bình 1.055 ha (giai đoạn 2), làm chủ đầu tư hai KCN - đô thị - dịch vụ (Hội Nghĩa 715 ha và Bình Mỹ 1.002 ha); KCN Tân Lập I 201 ha.

Nguồn tin của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), các dự án KCN tự phát triển khác của Cao su Phước Hòa, bao gồm KCN Tân Bình và KCN Hội Nghĩa dự kiến sẽ được đưa vào quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 và có thể được phê duyệt vào ngay năm 2021.

VCSC cũng đưa ra giả định các KCN Tân Lập I, Tân Bình Mở rộng và Hội Nghĩa sẽ mở bán đất lần lượt vào năm 2021, 2023 và 2024.

Thực tế trong khoảng ba năm trở lại đây, Cao su Phước Hòa có động thái đã chuyển dần vườn cây cao su tại Việt Nam sang Campuchia, đồng thời chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây cao su sang đất công nghiệp để cho thuê.

Theo thống kê của người viết, tỷ trọng doanh thu từ thuê đất và phí sử dụng hạ tầng KCN trong những năm qua của Cao su Phước Hòa đã tăng dần giai đoạn 2014 - 2019. Đến năm 2020, con số doanh thu của mảng này tuy có sụt giảm nhưng cũng chiếm gần 20% cơ cấu tổng doanh thu.

Cao su Phước Hòa lọt mắt xanh của ông Mai Hữu Tín? - Ảnh 1.

Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo thường niên các năm của Cao su Phước Hòa.

Không riêng gì Cao su Phước Hòa, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (Mã: GVR) và các công ty thành viên ngành cao su đều có định hướng tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt ngay trong năm nay.

Song song với hoạt động dịch chuyển đất sang khu công nghiệp. Các doanh nghiệp ngành cao su cũng cung cấp một nguồn nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ. 

Chẳng hạn trong thời điểm khó khăn năm 2018 - 2019, nguồn thu từ thanh lý vườn cây cao su đã giúp Phước Hoà thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm. Năm 2019, công ty cho biết dự kiến thanh lý 1.000 ha. Trước đó, trong năm 2018, Công ty đã thanh lý được khoảng 1.300 ha và ghi nhận lợi nhuận 250 triệu đồng/ha. 

Cho thuê khu công nghiệp góp đến 1/2 lợi nhuận gộp năm 2020

Về tình hình kinh doanh, sau giai đoạn sụt giảm doanh thu năm 2011 - 2016, doanh thu Cao su Phước Hòa những năm sau đó đã duy trì doanh thu trên 1.500 tỷ đồng, thậm chí còn đặt kế hoạch năm 2021 sát mốc 2.000 tỷ.

Cao su Phước Hòa có gì để lọt mắt xanh của ông Mai Hữu Tín? - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh của Cao su Phước Hòa qua các năm. (Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo tài chính của PHR).

Về doanh thu, mảng cao su vẫn đem về nguồn thu chủ yếu, nhưng lợi nhuận gộp không cao so với hoạt động giao đất và thanh lý cây cao su. 

Tính riêng năm 2020, doanh thu bán cao su là 1.345 tỷ đồng nhưng giá vốn lại chiếm đến 87%, khiến lợi nhuận gộp chỉ 178 tỷ đồng. Trong khi mảng cho thuê đất và phí hạ tầng KCN chỉ chiếm 17% tổng doanh thu nhưng lại đem về 200 tỷ đồng lợi nhuận gộp, đóng góp 1/2 lợi nhuận gộp của công ty.

Nhìn chung cho năm 2021, Phước Hòa vẫn đặt kế hoạch sản lượng khai thác, thu mua và tiêu thụ mủ cao su đều tăng. Trong đó, sản lượng khai thác và thu mua mủ cao su lần lượt tăng trưởng 81% và 16% so với năm trước. Sản lượng tiêu thụ mục tiêu tăng 7%.

Nhìn nhận về diễn biến thị trường cao su thời gian tới, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn dự báo trong giai đoạn trung hạn từ năm 2021 - 2024, giá cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung cao su đang giảm dần.

Nguyên nhân là, bên cạnh việc đóng cửa nhà máy do đại dịch và tình trạng thiếu chip, ngành công nghiệp sản xuất ô tô toàn cầu còn phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn cung cao su. Nguồn cung cao su toàn cầu bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container vận chuyển. Đồng thời việc Trung Quốc tăng cường dự trữ và dịch bệnh hoành hành cũng ảnh hưởng đến sản lượng cao su cung cấp ra thị trường.

Nắm giữ gần 2.000 tỷ đồng tiền mặt

Không những sở hữu hàng nghìn ha đất công nghiệp, Cao su Phước Hòa còn trữ lượng tiền lớn. Tính đến cuối quý I/2021, tổng tài sản của Cao su Phước Hòa đạt 5.990 tỷ đồng, trong đó tiền và tiền gửi ngắn hạn hạn lên đến 1.902 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng tài sản.

Nợ phải trả của công ty đã giảm 17% so với đầu năm, ghi nhận 2.672 tỷ đồng và chiếm 45% tổng nguồn vốn, phần lớn đến từ các khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn 1.471 tỷ và 550 tỷ đồng nợ vay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-mai-huu-tin-vao-hdqt-cao-su-phuoc-hoa-co-gi-hap-dan-20210616150833903.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/