Ông lớn ngành năng lượng Thái Lan gia tăng dấu ấn ở hai dự án điện gió Việt Nam và Đức

Trong vòng một tuần qua, tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan Gulf Energy Development đã mua lại một dự án điện gió ở Đức và hai dự án khác ở Việt Nam, theo đuổi xu hướng giảm khí thải nhà kính trên toàn thế giới.

Ông lớn ngành năng lượng Thái Lan gia tăng dấu ấn ở hai dự án điện gió Việt Nam và Đức - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Hôm 7/7, tập đoàn năng lượng Thái Lan Gulf Energy Development tuyên bố Gulf International Holding - công ty con thuộc toàn quyền sở hữu của tập đoàn, đã kí thỏa thuận mua cổ phần với nhà đầu tư cơ sở hạ tầng Global Infrastructure Partners (có trụ sở tại New York, Mỹ).

Thông qua thỏa thuận trên, hai công ty sẽ mua lại 100% Borkum Riffgrund 2 Investor Holding (có trụ sở tại Frankfurt, Đức) với giá hơn 548 triệu euro (tương đương 618 triệu USD). Thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 3/7.

Nikkei Asian Review cho biết Borkum Riffgrund 2 Investor Holding sở hữu 50% dự án điện gió Borkum Riffgrund 2 Offshore Wind Farm nằm ở khu vực Biển Bắc của Đức và có công suất lắp đặt tương đương 464,8 MW/giờ.

Dự án điện gió trên đã vận hành thương mại kể từ tháng 4/2019 theo thỏa thuận 20 năm vận hành và bảo trì với công ty điện gió Đan Mạch Orsted - đơn vị sở hữu 50% còn lại của dự án.

Chia sẻ với truyền thông địa phương hồi tháng 6 năm nay, CEO Sarath Ratanavadi của tập đoàn năng lượng Thái Lan Gulf Energy Development cho biết đây là thời điểm thích hợp để đàm phán thỏa thuận mới với các công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo châu Âu và châu Á vì lãi suất đang trong xu hướng giảm trong cả năm 2020.

"Chúng tôi đang tìm kiếm các dự án đã đi vào hoạt động vì nhanh thu hồi lợi nhuận từ khoản đầu tư hơn", ông Ratanavadi nói thêm. Do đó, dự án điện gió tại Đức phù hợp tất cả tiêu chí này.

Thỏa thuận mua lại Borkum Riffgrund 2 Investor Holding ban đầu sẽ được tài trợ bằng một khoản vay bắc cầu từ một ngân hàng Thái Lan. Tập đoàn năng lượng Gulf Energy Development có kế hoạch tái cấp vốn cho khoản vay này thông qua phát hành trái khoán tín dụng và/hoặc vay nợ dài hạn từ các tổ chức tài chính.

Nikkei dẫn lời CFO Yupapin Wangviwat của Gulf Energy Development cho biết ông lớn ngành năng lượng Thái Lan dự kiến chi 140 tỉ baht (tương đương 4,5 tỉ USD) để mở rộng kinh doanh trong giai đoạn 2020 - 2024.

Trong khi đó, khoản đầu tư mới tại Đức đến từ một khoản chi phí vốn trị giá 40 tỉ baht đã được dành riêng từ đầu năm nay.

Vào tháng 6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết công suất phát điện gió trên đất liền có thể tăng gần ba lần từ 1,3 PW/giờ (pegawatt/giờ) hồi năm 2019 lên 3,7 PW/giờ vào năm 2030, trong khi công suất điện gió ngoài khơi có thể tăng đến 9 lần từ 67 TW/giờ  (terawatt/giờ) năm 2018 lên 606 TW/giờ năm 2030.

Tiếp tục củng cố dấu ấn ở Việt Nam

Ngoài ra, vào ngày 2/7, Gulf Energy Development còn tuyên bố công ty con của tập đoàn sẽ mua lại hai dự án điện gió ở Việt Nam với giá xấp xỉ 200 triệu USD.

Hiện tại, ông lớn ngàn năng lượng xứ chùa vàng đang kí kết hợp đồng mua cổ phần với CTCP Đầu tư Năng lượng Điện Xanh Gia Lai - một nhà phát triển và trong tương lai sẽ là đơn vị điều hành các dự án điện gió Ia Pech 1 và Ia Pech 2.

Hai dự án này dự kiến bắt đầu khởi công vào năm 2021 và bắt đầu vận hành thương mại vào cuối năm 2020. Mỗi dự án có thể tạo ra công suất khoảng 50 MW/giờ, tổng cộng đạt 100 MW/giờ.

Gulf Energy Development thành lập năm 2011 và sau đó niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan vào năm 2017.

Tính đến tháng 1/2020, tập đoàn đã lắp đặt được công suất phát điện là 5,9 GW/giờ, trong đó 2% là từ năng lượng tái tạo và phần còn lại đến từ các nhà máy điện khí đốt. Gulf Energy Development đặt mục tiêu nâng tổng công suất phát điện lên 13,8 GW/giờ vào năm 2027, 3% đến từ năng lượng tái tạo.

Trước đó, ông lớn này đã từng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, gồm điện mặt trời và điện gió. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Gulf Energy Development đã thông báo giai đoạn đầu trong Dự án Điện gió Mekong gồm 8 giai đoạn sẽ bị trì hoãn.

Thời điểm bắt đầu vận hành thương mại cho dự án trên dự kiến lùi đến tháng 5/2021, còn ở kế hoạch cũ là trong năm 2020. Tập đoàn năng lượng Thái Lan này khẳng định phần còn lại của kế hoạch sẽ được giữ nguyên và Dự án Điện gió Mekong sẽ đi vào hoạt động 100% vào năm 2021.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-lon-nganh-nang-luong-thai-lan-gia-tang-dau-an-o-hai-du-an-dien-gio-viet-nam-va-duc-20200709111812385.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/