Ông Biden đối mặt với quyết định khó khăn trước các đề xuất truy tố ông Trump

Một trong những thách thức lớn nhất chờ đợi Tổng thống đắc cử Joe Biden sau khi nhậm chức là Bộ Tư pháp của ông sẽ xử trí thế nào đối với những lời kêu gọi điều tra và truy tố Tổng thống Trump.

Ông Biden đối mặt với quyết định khó khăn về các vụ truy tố ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Joe Biden và Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: The Hill).

Theo tờ The Hill, ông Trump sẽ mất các đặc quyền pháp lí tổng thống sau ngày 20/1/2021. Chính quyền mới sẽ phải quyết định họ nên theo đuổi các cuộc điều tra từ quốc hội và cơ quan hành pháp địa phương hay khép lại kỉ nguyên Trump và né tránh các rủi ro chính trị theo sau vụ xét xử lịch sử này.

Trước đây, không một tổng thống nào của Mỹ từng bị buộc tội sau khi rời Nhà Trắng, nhưng ông Trump hiện đã là đối tượng bị nhắm đến trong một số cuộc điều tra. Tại New York, Tổng chướng lí và văn phòng công tố quận Manhattan đang tiến hành các cuộc điều tra gian lận về hoạt động kinh doanh trong quá khứ của ông Trump.

Nhiều khả năng ông Biden sẽ chịu áp lực từ một số nhà lập pháp Đảng Dân chủ và cử tri nhằm trừng phạt ông Trump với lí do lạm dụng quyền lực.

Rất nhiều học giả pháp luật đồng tình với lập trường của Bộ Tư pháp năm 1974 rằng tổng thống Mỹ không thể ân xá cho chính mình.

Bộ Tư pháp Mỹ năm sau sẽ phải cân nhắc liệu các cuộc điều tra của địa phương và bang, cũng như các cáo buộc rằng ông Trump lạm quyền trong thời gian tại chức có xứng đáng được triển khai thành cuộc truy tố liên bang hay không.

Ông Biden đã bày tỏ sự nghi ngờ về viễn cảnh truy tố người tiền nhiệm của mình, nói rằng việc này sẽ là một "điều rất bất thường và có lẽ không... tốt cho nền dân chủ". Nhưng ông nói rằng sẽ để Bộ Tư pháp quyết định.  

"Bộ Tư pháp không phải công ty luật của riêng tổng thống... Bộ trưởng Tư pháp không phải luật sư riêng của tổng thống. Tôi sẽ không can thiệp vào phán đoán của Bộ Tư pháp về việc liệu có nên theo đuổi việc truy tố bất kì ai họ nghĩ rằng đã phạm pháp hay không", ông Biden nói với NPR hồi tháng 8.

Khi ông Biden là phó tổng thống, chính quyền ông Obama đã điều tra việc chính quyền tiền nhiệm tra tấn các nghi phạm khủng bố, nhưng cuối cùng lại từ chối truy tố bất kì quan chức nào tham gia chương trình "thẩm vấn tăng cường". Ông Obama chỉ trích các kĩ thuật tra tấn nhưng khăng khăng rằng ông muốn "nhìn về phía trước thay vì phía sau".

Ông Biden cũng đưa ra giọng điệu tương tự về việc đoàn kết.

Trong 4 năm qua, ông Trump đã được bảo vệ phần lớn nhờ vào một văn bản chính sách lâu đời của Bộ Tư pháp rằng tổng thống không thể bị truy tố trong thời gian tại chức. Nhưng lá chắn pháp lí này sẽ biến mất khi ông Trump rời Nhà Trắng, khiến ông phải đối mặt với rất nhiều cuộc điều tra.

Công tố Cy Vance của quận Manhattan đã ra trát đòi các bản khai thuế và hồ sơ tài chính của ông Trump trong 8 năm qua. Ông Vance đang dẫn đầu cuộc điều tra về các hành vi phạm tội "có thể đã xảy ra" tại các doanh nghiệp của ông Trump.

Tổng chưởng lí New York Letitia James cũng đang điều tra xem liệu tập đoàn Trump Organization có thổi phồng giá trị tài sản để được giảm thuế và được cho vay hay không.

Quyết định của Bộ Tư pháp sẽ không ảnh hưởng hoặc ngăn cản các công tố viên địa phương theo đuổi cuộc điều tra của họ.

Các chuyên gia pháp lí cho biết một mối nguy của ông Trump bao gồm Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông. Ông Cohen đang chịu án tù ba năm vì tham gia việc chuyển tiền cho hai người phụ nữ tuyên bố có quan hệ với ông Trump. Ông Cohen vẫn khẳng định rằng ông Trump đã chỉ đạo ông thực hiện kế hoạch trên.

Các công tố viên liên bang cũng có thể theo đuổi cuộc điều tra của cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng báo cáo Muller cho thấy Trump đã cố gắng cản trở cuộc điều tra về Nga.

Khó khăn chồng chất

Bà Kristy Parker, người đã từng làm việc trong Bộ Tư pháp gần 20 năm, nói rằng việc các công tố viên liên bang xem xét liệu có nên kết tội ông Trump hay không sẽ là quyết định cực kì phức tạp.

Bà Parker là một trong số hàng nghìn cựu quan chức Bộ Tư pháp kí một bức thư ngỏ vào năm 2018 nói rằng các hành vi của ông Trump được mô tả trong báo cáo Muller thường sẽ "dẫn đến nhiều tội danh cản trở công lí".

Nhưng bà thừa nhận chính quyền ông Biden sẽ phải cân nhắc hàng loạt yếu tố khi quyết định theo đuổi bất kì cáo buộc nào chống lại ông Trump. Ông Biden đã hứa sẽ khôi phục sự tách biệt giữa Bộ Tư pháp và chính trị, do vậy việc truy tố ông Trump có thể sẽ khiến ông mang tiếng xấu là thất hứa. Thêm nữa, việc chính quyền của tổng thống mới khởi tố người vừa rời nhiệm sở có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu. 

Và dù ông Biden đã nói rằng ông sẽ không tham gia vào việc ra quyết định của Bộ Tư pháp, vị tổng thống đắc cử có thể sẽ không muốn để chính quyền của mình theo đuổi một vụ việc gây chia rẽ chính trị lớn. 

Giáo sư luật hiến pháp Brian Kalt thuộc Đại học Bang Michigan nói rằng nếu các công tố viên liên bang muốn theo đuổi các cáo buộc chống lại ông Trump, họ cần phải tự tin rằng lập luận của họ không có sơ hở.

"Khi đối đầu với ai đó tầm cỡ như một cựu tổng thống, bạn thực sự không muốn khởi kiện trừ khi biết chắc rằng mình sẽ giành chiến thắng hoặc ít nhất là đạt được một thỏa thuận nhận tội", ông Kalt nói. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-biden-doi-mat-voi-quyet-dinh-kho-khan-truoc-cac-de-xuat-truy-to-ong-trump-20201123114836517.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/