Nới lỏng chính sách tiền tệ vì dịch corona: Chưa cần phải làm ngay

Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ nên ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh trước khi cân nhắc nới lỏng chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại.

Dịch virus corona đang tạo ra động lực nới lỏng chính sách tiền tệ?

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này mà còn tác động tới cả các quốc gia khác, đặc biệt là các nước có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc tại khu vực châu Á.

Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, một số nước trong khu vực đã quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Ngay trong cuộc họp lần đầu tiên trong năm 2020, Ngân hàng trung ương (NHTW) Philippines đã quyết định giảm lãi suất 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế. Cơ quan này cho biết virus corona (covid-19) có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế và tâm lí thị trường trong những tháng tới.

Cùng với Phillipines, một quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan cũng đã có động thái tương tự. NHTW nước này hồi tuần trước đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỉ lục 1%, với nhận định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2020 sẽ thấp hơn nhiều so với dự kiến trước đó do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh một loạt lĩnh vực đã phải chịu tác động tiêu cực như nông nghiệp, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu… gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. 

Chính từ đó, xuất hiện nhiều nhận định cho rằng Chính phủ có thể thực hiện các chính sách vĩ mô để hỗ trợ nền kinh tế bao gồm cả nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế năm 2020, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng dịch cúm corona có tác động giảm phát lên phần lớn giá hàng hoá và dịch vụ do nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Đồng thời, hệ quả của việc hoạt động kinh tế suy yếu hơn trong nửa cuối quí I do dịch bệnh có thể là động lực cho chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ NHTW Việt Nam.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam, để vực dậy và chống đỡ lại những tác động tiêu cực từ khủng hoảng, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines … Tương tự, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động kinh tế từ dịch bệnh, nhiều khả năng cũng có thể nới tăng trưởng tín dụng vượt mức đề ra nếu mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% của Chính phủ gặp khó khăn.

Nới lỏng chính sách tiền tệ: Chưa cần phải làm ngay

Theo Chuyên gia Tài chính TS. Cấn Văn Lực, việc nới lỏng chính sách tiền tệ là cần thiết nhưng chưa cần phải làm ngay. Đồng thời, trong năm nay cũng không nên nới lỏng nhiều quá do áp lực lạm phát vẫn còn tương đối cao.

Nới lỏng chính sách tiền tệ vì dịch virus corona: Chưa cần phải làm ngay - Ảnh 1.

Ông Lực cho rằng Chính phủ cần phải tính toán đến phương án nới lỏng cả về chính sách tiền tệ và tài khoá. Trong đó, vị chuyên gia này đưa ra những gợi ý như phương án như hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, qua đó giúp giảm mặt bằng lãi suất, có thể tính tới phương án giảm lãi suất điều hành.

Về chính sách tài khoá, vừa qua Bộ Tài Chính đã quyết định miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất thiết bị y tế. Cùng với đó, chuyên gia cũng cho rằng trong năm 2020 cũng cần phải thực hiện triệt để việc giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Hiện nay, các cơ quan đã và đang đề xuất mức điều chỉnh giảm từ 20% về 15 – 17%.

Trong khi đó, chuyên gia Kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng Việt Nam chưa cần sử dụng chính sánh nới lỏng tiền tệ để đối phó ngắn hạn với dịch nCoV.

Theo ông Hiển, lạm phát đang có xu hướng gia tăng trở lại do sự đi lên của giá nhiên liệu và hàng hóa cơ bản cùng với lượng tín dụng được tích lũy từ các năm trước khiến NHNN phải thận trọng trong việc nới lỏng chính sách. Hơn nữa, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện đang khá dồi dào và nhu cầu vốn của các chủ thể vấn được đáp ứng tốt nên việc nới lỏng là chưa cần phải làm ngay.

Nới lỏng chính sách tiền tệ vì dịch virus corona: Chưa cần phải làm ngay - Ảnh 2.

"Nếu lượng tiền đưa vào lưu thông quá lớn mà nền kinh tế không kịp hấp thụ sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát và rò rỉ vốn sang các lĩnh vực rủi ro", ông Hiển nhận định.

Theo vị chuyên gia này, Chính phủ nên ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh hơn là nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)  TS. Nguyễn Đức Thành cũng nhận định các biện pháp điều chỉnh tỷ giá và lãi suất đều cần thận trọng trong lúc này do có thể tác động đến nhiều ngành khác thay vì ngành bị tổn thương nặng nề hơn như du lịch hay nông sản.

Nới lỏng chính sách tiền tệ vì dịch virus corona: Chưa cần phải làm ngay - Ảnh 3.

Theo ông Thành, việc sử dụng công cụ tỷ giá có thể không có giá trị cụ thể trong bối cảnh hiện tại và gây ra tác động đến toàn nền kinh tế.

Sử dụng công cụ tín dụng cần có sự chọn lọc nhất định, vốn cần được bơm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cụ thể vì dịch virus corona (doanh nghiệp du lịch, xuất khẩu nông sản...). Nhưng vẫn có nguy cơ vốn rò rỉ sang lĩnh vực khác hoặc ngành khác. Do đó, cơ quan nhà nước nên đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô như vậy.

"Trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng các giải pháp vi mô là hiệu quả và cần thiết hơn… Trong 15 năm quan sát những cuộc khủng hoảng tại Việt Nam, tôi khẳng định rằng lạm dụng chính sách vĩ mô có thể giải quyết được các vấn đề tâm lí nhất thời như trấn an người dân nhưng không có nhiều hiệu quả cụ thể trong ngành", ông Thành cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/noi-long-chinh-sach-tien-te-vi-dich-corona-chua-can-phai-lam-ngay-20200212172416157.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/