Nơi chính quyền ông Biden có thể kiếm 1.000 tỉ USD ngân sách

Nhiều năm qua, Sở Thuế vụ Mỹ thường chỉ điều tra người lao động thu nhập thấp và bỏ qua nhóm người giàu và siêu giàu. Nếu chính quyền ông Biden muốn bổ sung thêm 1.000 tỉ USD ngân sách, họ có thể bắt đầu từ việc truy thu thuế đối với các triệu phú và tỉ phú Mỹ.

Bê bối thuế của các tỉ phú

Cuối tháng 9, hãng tin New York Times bất ngờ đưa tin đương kim Tổng thống Trump chỉ đóng 750 USD thuế thu nhập cá nhân trong hai năm đầu nhiệm kì (2016 và 2017), trong khi 10/15 năm trước khi đắc cử, ông không đóng một đồng thuế nào, phần lớn là do ông liên tục báo cáo làm ăn thua lỗ.

Ngoài ra, ông Trump còn đang tranh chấp với Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) về khoản hoàn thuế gần 73 triệu USD, song vụ việc đến nay chưa ngã ngũ và có thể dây dưa lên tòa án liên bang.

Tuy nhiên, hóa ra ông Trump không phải người Mỹ giàu có duy nhất tìm cách khấu trừ các khoản thuế thu nhập cá nhân, Bloomberg nhấn mạnh.

Tỉ phú da màu Robert Smith, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của quĩ đầu tư nổi tiếng Vista Equity Partners, gần đây đã thừa nhận tội trốn thuế hàng trăm triệu USD trong 15 năm.

Trước khi thừa nhận trốn thuế, ông Smith còn tạo dựng cho bản thân hình ảnh một nhà hảo tâm tốt bụng. Năm 2019, ông Smith gây chú ý khi cam kết sẽ trả hết các khoản vay sinh viên cho sinh viên tốt nghiệp Đại học Morehouse. Sau bê bối trên, vị tỉ phú sẽ hoàn trả tiền thuế và đóng thêm tiền phạt nhưng sẽ không phải ngồi tù.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã truy tố ông Robert T. Brockman, CEO công ty phần mềm Reynolds & Reynolds. Bộ này khẳng định, với sự giúp đỡ của tỉ phú Robert Smith, ông Brockman đã che giấu khoản thu nhập khoảng 2 tỉ USD nhờ một kế hoạch tinh vi kéo dài 20 năm ở nước ngoài.

Theo Bloomberg, những bê bối thuế như trên gây chú ý không chỉ vì các khoản thuế lớn chưa thanh toán mà còn vì chúng rất hiếm khi bị phanh phui. Thông thường, các cá nhân có thu nhập cao hay trốn tránh nghĩa vụ thuế mà không phải chịu hậu quả gì.

Hiện nay, số lượng gian lận thuế hình sự tại Mỹ đang ở mức thấp nhất so với năm 2002. Năm ngoái, Mỹ chỉ khởi tố khoảng 700 vụ gian lận thuế, giảm 40% so với một thập kỉ trước. Tỉ lệ kiểm toán đối với người có thu nhập hàng năm từ 10 triệu USD trở lên giảm mạnh từ gần 30% hồi năm 2011 xuống 6,7% vào năm 2018.

Gần đây, Tổng thanh tra Bộ Tài chính Mỹ ước tính IRS đã hụt 40 tỉ USD doanh thu thuế do không theo đuổi các vụ kiện chống lại hàng nghìn cá nhân có thu nhập cao.


Tỉ lệ kiểm toán
(2011)
Tỉ lệ kiểm toán
(2018)
Biến động tỉ lệ
(2011 - 2018)

Toàn bộ (bao gồm doanh nghiệp)

0,9%

0,5%

-45,8 %

Cá nhân

1,1%

0,6%

-46,5 %

Người tham gia EITC

2,1%

1,4%

-34,2 %

Người có thu nhập từ 10 triệu USD trở lên

29,9%

6,7%

-77,8 %

Nguồn: Sở Thuế vụ Mỹ

Người nghèo bị điều tra, người giàu lọt lưới

Người thu nhập thấp tại Mỹ lại không được các cơ quan thuế ưu ái như người giàu, Bloomberg nhấn mạnh.

Ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính phủ có một chương trình gọi là Tín thuế Lợi tức do Lao động (EITC) nhằm giúp người lao động thu nhập thấp thoát nghèo. Tỉ lệ kiểm toán đối với người tham gia EITC giảm chậm hơn nhiều so với của nhóm thu nhập cao.

Nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ việc các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa gây áp lực buộc IRS phải điều tra và thẳng tay xử lí các cáo buộc gian lận thuế. Tuy nhiên, các cáo buộc này thường liên quan đến một số sai sót không đáng có từ những người dân khai thuế lộn xộn và khoản thuế chênh lệch chẳng đáng là bao nên doanh thu thuế sau kiểm toán rất thấp.

Song, các cuộc điều tra từ cơ quan thuế lại tạo ra gánh nặng lớn cho các hộ gia đình vốn đã rất khó khăn. Top 1% người thu nhập cao nhất nước Mỹ có thể bị kiểm toán đã đành, nhưng người lao động nghèo tham gia chương trình EITC cũng không thoát khỏi cảnh này.

Hơn nữa, 5 hạt có tỉ lệ kiểm toán cao nhất ở Mỹ chính là các cộng đồng có thu nhập thấp, chủ yếu là người da màu. Thái độ soi mói của IRS cũng là một gánh nặng khác đối với người da màu và người nghèo.

Gần đây, Phó Giám đốc IRS Sunita Lough đã thực hiện một báo cáo. Theo phân tích của bà Sunita, trên thực tế người có thu nhập càng cao thì tỉ lệ kiểm toán cũng tăng theo.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2015, người nộp thuế có thu nhập từ 10 triệu USD trở lên có tỉ lệ kiểm toán cao hơn đáng kể so với các nhóm còn lại. Các cá nhân có thu nhập trên 1 triệu USD cũng có tỉ lệ kiểm toán cao hơn tất cả các nhóm có thu nhập thấp hơn mốc này.

Tuy nhiên, dù đúng ở tỉ lệ trung bình, báo cáo lại bỏ sót các xu hướng quan trọng trong quá trình thực thi. Bloomberg chỉ ra, tỉ lệ kiểm toán đối với hầu hết những người giàu nhất nước Mỹ lại giảm mạnh nhất, từ 12,06% xuống còn 8,16% (tương đương mức giảm 3,9 điểm %).

Nơi chính quyền ông Biden có thể kiếm 1.000 tỉ USD ngân sách - Ảnh 2.

Nguồn: Nghiên cứu của Phó Giám đốc IRS Sunita Lough; biểu đồ: Yên Khê

Tại sao IRS lại có cách tiếp cận không công bằng như thế? Theo nhận định của Bloomberg, lỗi không phải ở IRS. Kể từ năm 2011, Quốc hội Mỹ đã cắt 15% ngân sách của IRS, khiến cơ quan này phải giảm 20% nhân sự.

Theo Giám đốc Charles Rettig của IRS, các giám định viên giàu kinh nghiệm và có năng lực xử lí các cuộc kiểm toán phức tạp với nhóm thu nhập cao lại nằm trong số những nhân sự phải nghỉ việc.

Do đó, IRS không thể điều chuyển các giám định viên chuyên kiểm toán tờ khai thuế của người nghèo sang xử lí vấn đề thuế của người giàu. Cho nên, khi nhóm thu nhập cao không khai thuế, IRS cũng chỉ có thể gửi một loạt thông báo nhắc nhở, thậm chí trong một số trường hợp họ còn chẳng làm gì.

Giải pháp đơn giản

Khi nhậm chức vào ngày 20/1/2021, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải đối mặt với một tình huống khó khăn: làm thế nào để cải cách hệ thống thuế nhằm tăng nguồn thu mà chính phủ đang rất cần.

Bloomberg đưa ra một gợi ý đầy hứa hẹn là chính quyền ông Biden nên cung cấp cho ngân sách cần thiết và chỉ đạo cơ quan này tập trung vào các trường hợp có khả năng mang lại nhiều doanh thu thuế nhất.

Các cựu quan chức cũng như nhân viên hiện tại của IRS đều nhất trí và cơ quan liên quan cũng đã giới thiệu các dự luật theo chủ trương này. Tăng cường thực thi chính sách thuế đã là một phần trong kế hoạch thuế của ông Biden.

Bà Natasha Sarin - cây bút của Bloomberg kiêm phó giáo sư tại Đại học Pennsylvania và Trường Wharton, đã tiến hành một nghiên cứu cùng cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Larry Summers.

Nghiên cứu cho thấy việc khôi phục cơ chế thực thi chính sách thuế cũ có thể tạo ra hơn 1.000 tỉ USD trong thập kỉ tới, dư sức để tài trợ cho các sáng kiến chính sách quan trọng như phổ quát giáo dục mẫu giáo và nghỉ phép có lương cho phụ huynh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/noi-chinh-quyen-ong-biden-co-the-kiem-1000-ti-usd-ngan-sach-20201120142244864.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/