Nikkei: Bán mọi thứ, liệu Masan Group có thể trở thành 'Alibaba phiên bản mới' của Việt Nam?

Masan đang có những kế hoạc mở rộng rõ ràng, trong đó có khá nhiều nét tương đồng với gã khổng lồ Alibaba của Trung Quốc.

Mới đây, trang Asia Nikkei đã đưa ra nhận định rằng nếu một người muốn mua tất cả mọi thứ từ một doanh nghiệp, hãy nhìn vào cách mà CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN) đang làm.

Tiềm năng trở thành công ty "bán mọi thứ"

Mọi người thường nói đùa rằng Masan Group chỉ là một công ty sản xuất nước mắm. Trên thực tế, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có hàng chục công ty con và công ty liên kết, trải dài trên mọi lĩnh vực, từ khai thác khoáng sản đến ngân hàng. Công ty đã thu hút vốn đầu tư từ gã khổng lồ Alibaba của Trung Quốc và SK của Hàn Quốc cũng như đẩy mạnh phát triển công nghệ mới, bao gồm cả thương mại điện tử.

Tập đoàn Masan đã tìm hiểu hàng chục ngành nghề kinh doanh khi công ty xác định vị trí của doanh nghiệp trên thị trường. Một nhà sản xuất thực phẩm hay chuỗi cửa hàng tạp hóa? Một ứng dụng phong cách sống hay một doanh nghiệp am hiểu về logistics? Những câu hỏi tương tự đang góp phần định hình một Masan như hiện tại.

Có rất nhiều thứ xuất hiện trong một cửa hàng WinMart+. (Ảnh: Vietnamnet).

Sự đan xen giữa công nghệ và truyền thống sẽ là một bài test (kiểm tra) xem liệu việc kết hợp các lĩnh vực kinh doanh khác nhau như vậy có hợp lý hay không. Một nhà đầu tư đã hy vọng Masan Group có thể trở thành Amazon của Việt Nam, tức một cửa hàng bán mọi thứ theo cả hình thức trực tuyến và ngoại tuyến. Thông qua sự hợp tác với Alibaba, người mua có thể đặt hàng trên Lazada và nhận hàng tại WinMart, thương hiệu siêu thị mà Masan tiếp quản từ Tập đoàn Vingroup.

Tuy nhiên, doanh số thương mại điện tử của tập doàn vẫn rất nhỏ. Thay vào đó, công ty đang chuyển sự chú ý của mình sang các thị trường cửa hàng ngoại tuyến. "Alibaba sử dụng các giải pháp trực tuyến còn chúng tôi muốn sử dụng các giải pháp ngoại tuyến", CEO Masan Danny Le chia sẻ với Asia Nikkei.

Đặt cược vào công nghệ

Ông Danny Le cũng đặt ra sự hoài nghi về việc theo đuổi các xu hướng. “Cả thế giới đều yêu thích từ “công nghệ”. Bản thân chúng tôi không tin công nghệ là một mô hình kinh doanh", CEO Masan Group cho biết.

Một mặt, Masan đang thử nghiệm công nghệ với việc gần đây đang đầu tư vào một công ty khởi nghiệp có công nghệ máy học có thể tối ưu hóa hàng tồn kho hoặc nhắm mục tiêu giảm giá cho một khách hàng cụ thể. Mặt khác, các hoạt động kinh doanh cơ bản của Masan không quá phô trường, doanh nghiệp vẫn chỉ tập trung vào việc cung cấp các mặt hàng cơ bản.

Masan đặt cược vào công nghệ thông qua những việc như đầu tư vào Trusting Social. (Ảnh: Masan).

Năm ngoái, Masan đã huy động được 1,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư như TPG, SK và các quỹ có chủ quyền của Abu Dhabi và Singapore. Một vòng đầu tư, do Alibaba dẫn đầu, cũng là một cửa sổ trong chiến lược của công ty.

Thị trường internet Trung Quốc không chỉ đơn giản là “mua và bán”. Ông Danny Le cho biết tầm hoạt động của nó còn vươn xa hơn bằng cách "trao quyền" cho các thương gia bên thứ ba, những người sử dụng các giải pháp của Alibaba để tìm nguồn hàng, vận chuyển hoặc xử lý thanh toán cho hàng hóa.

Masan đặt mục tiêu hoạt động như một nền tảng tương tự, nhưng theo hình thức ngoại tuyến. Tập đoàn sẽ cố gắng nâng cao hiệu quả trước trong khâu logistics cho các cửa hàng của mình, tiếp theo dự báo nhu cầu để vận chuyển các sản phẩm trong các container một cách đầy đủ và nhanh hơn.

Rủi ro khi đầu tư mở rộng

Tuy nhiên, nhiệm vụ mở rộng phạm vi hoạt động của Masan cũng có nguy cơ khiến công ty gặp rủi ro khi đổ tiền vào các khoản đầu tư. “Có thể họ đang mở rộng quá mức. Tuy nhiên, Masan có đủ khả năng, bởi tập đoàn có các yếu tố khác đang tạo ra lợi nhuận”, theo Kok Seng Kiong, giảng viên của Đại học RMIT Việt Nam.

Ông Kok Seng Kiong cũng cho biết nhiều công ty đang có xu hướng chuyển sang các ngành kinh doanh khác nhau, chẳng hạn Microsoft sở hữu Xbox và LinkedIn hay Toshiba đã đưa tên tuổi của mình vào thị trường máy tính xách tay và nồi cơm điện.

Ở Việt Nam, có rất ít công ty giống như các tập đoàn Nhật Bản hay chaebol do gia đình tự quản của Hàn Quốc, mặc dù các tỷ phú Việt có thiên hướng biến các công ty thành một tập đoàn công nghiệp lớn. Vingroup kiếm tiền từ bất động sản nhưng đang thử nghiệm lĩnh vực xe điện và bệnh viện. Thaco sản xuất ô tô nhưng lại có một thương hiệu nhượng quyền cửa hàng tiện lợi, và dự định mở thêm cửa hàng bán lẻ cũng như địa điểm tổ chức tiệc cưới.

Khi Masan mở rộng quy mô, ông Nguyễn Tiến Đức, nhà phân tích cấp cao tại Mirae Asset đã đặt câu hỏi về kế hoạch thâm nhập vào hai lĩnh vực nữa là giải trí và giáo dục, có thể thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh.

Chiến lược kỹ thuật số khác xa với kiểu kinh doanh truyền thống có phần “nhàm chán”. Các chiến lược số hóa sẽ liên quan đến việc thuyết phục hàng triệu người sử dụng ứng dụng để xem nội dung, học bài, trả tiền mua hàng tạp hóa hoặc đặt hàng.

Tập trung vào sản phẩm lõi

Theo ông Đức, Masan nên tập trung tối ưu hóa sức mạnh cốt lõi của mình trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. "Nếu bạn muốn tham gia vào một lĩnh vực kinh doanh mới, bạn phải bỏ ra nhiều tiền và dành nhiều thời gian để hoạt động kinh doanh đó có lãi", ông Đức cho biết và nhận định rằng Masan “có rất nhiều nhiệm vụ phải làm mỗi ngày”.

Khi được hỏi về việc tầm ảnh hưởng ngày càng tăng liệu có khiến Masan bị vướng vào các vấn đề liên quan tới chống độc quyền hay không, ông Đức cho rằng các siêu thị WinMart của doanh nghiệp cạnh tranh để có được một nhóm khách hàng khác với các chợ truyền thống bán đồ tươi sống.

Tuy nhiên, quy mô của Masan đang đặt ra một câu hỏi về việc kết hợp nhiều mảng kinh doanh khác nhau về chung một mái nhà.

"Một số nhà đầu tư nước ngoài có thể đặt câu hỏi liệu các doanh nghiệp tiêu dùng và khai thác có phải là sự kết hợp hoàn hảo hay không và muốn tách biệt hai bên một cách rõ ràng", Nick Ainsworth, Giám đốc Tiếp thị của Dragon Capital chia sẻ trên Vietnam Investment Review.

Ngoài ra, ông cũng "không tin rằng việc niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài là một lựa chọn tốt hay tự nhiên để Masan huy động vốn vì bản sắc thương hiệu của họ bên ngoài Việt Nam phần lớn chưa được biết đến". Trước đó, doanh nghiệp Việt đã thống nhất với các nhà đầu tư về việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty con CrownX.

Trên thị trường thương mại điện tử, Masan muốn tránh "đốt tiền" vào việc "lạm dụng các chương trình khuyến mãi". Theo báo cáo thường niên của tập đoàn, đối với mặt hàng chủ lực là bán lẻ và tiêu dùng, các mối đe dọa như mức "định giá phi lý " của các đối thủ buộc họ phải chi nhiều hơn cho quảng cáo, chiết khấu hoặc phân phối. Công ty chứng khoán Vndirect cho biết Masan là công ty chi tiêu cho quảng cáo lớn thứ 4 tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Masan cũng phải đối mặt với các đối thủ ngoại như Tập đoàn Central Group của Thái Lan, đơn vị gần đây đã phân bổ 30 tỷ baht (848 triệu USD) để mở rộng các cửa hàng tạp hóa, điện tử và thể thao tại Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nikkei-ban-moi-thu-lieu-masan-group-co-the-tro-thanh-alibaba-phien-ban-moi-cua-viet-nam-2022824215658318.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/