Những vướng mắc nghìn tỷ khiến FLC chưa thể công bố báo cáo tài chính dù đã làm việc với kiểm toán trong nhiều tháng

Tập đoàn FLC vừa được cổ đông phê duyệt phương án xử lý các vấn đề tồn tại, phát sinh trong hoạt động tài chính từ 2015 đến nay, xuất phát từ những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Giải quyết dứt điểm những vấn đề này có thể giúp FLC sớm hoàn tất báo cáo tài chính 2021.

Ban chủ tọa Đại hội đồng cổ đông bất thường Tập đoàn FLC ngày 4/3/2023, từ trái sang phải: Phó Tổng Giám đốc thường trực Trần Thị Hương, Thành viên HĐQT Bùi Hải Huyền, Chủ tịch HĐQT Lê Bá Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT Doãn Hữu Đoàn, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Chí Công. (Ảnh: FLC).

Ngày 4/3/2023 vừa qua, Đại hội cổ đông bất thường Tập đoàn FLC đã phê duyệt tờ trình của Hội đồng quản trị (HĐQT) về phương án xử lý các vấn đề tồn tại, phát sinh trong hoạt động tài chính của FLC từ năm 2015 đến nay.

Vấn đề tài chính – kế toán của Tập đoàn FLC đang được nhà đầu tư và nhiều bên liên quan chú ý vì liên quan tới khả năng giao dịch của cổ phiếu FLC. Hiện nay, tập đoàn chưa thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021, dù hạn chót 31/3/2022 đã qua được gần một năm. Tương tự, báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022 và quý IV/2022 cũng chưa xuất hiện, dù thời hạn đã hết từ lâu.

Vì Tập đoàn FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, 710 triệu cổ phiếu FLC đã bị hủy niêm yết khỏi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và bị đình chỉ giao dịch ở thị trường UPCoM.

Theo tờ trình của HĐQT tại đại hội ngày 4/3, ban lãnh đạo FLC đã nêu ra 5 vướng mắc liên quan tới báo cáo tài chính của tập đoàn.

Thứ nhất, vấn đề liên quan đến hàng tồn kho là hàng hóa thương mại

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 ghi nhận giá trị hàng hóa tồn kho 2.159 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin từ các đơn vị, một số hàng hóa đã xuất kho nhưng hiện chưa tiếp cận được các hồ sơ, chứng từ liên quan; một số hàng hóa bị thất lạc nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Do vậy, hồ sơ và chứng từ liên quan cần tra lục và xác định lại.

HĐQT đề nghị đại hội đồng cổ đông giao Ban Tổng Giám đốc rà soát tài sản hiện hữu, phê duyệt chủ trương ghi nhận hàng hóa tồn kho theo đúng thực tế kiểm kê.

 

Thứ hai, vấn đề liên quan đến phương án trả nợ trái phiếu dự án Quảng Bình 9

Tập đoàn FLC đã phát hành gói trái phiếu trị giá 1.150 tỷ đồng cho gần 400 nhà đầu tư để thực hiện dự án Quảng Bình 9, trong đó có các điều kiện mua lại trước hạn tại các kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng và 18 tháng. Theo tờ trình ngày 4/3 vừa qua, đến kỳ mua lại trước hạn, một số khách hàng có nhu cầu hoán đổi bằng bất động sản, gia hạn thời gian trả nợ trái phiếu.

HĐQT đề nghị đại hội cổ đông phê duyệt chủ trương giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp và hoán đổi tiền gốc, lãi trái phiếu với các bất động sản do FLC đang đầu tư và phát triển.

Đại hội cổ đông bất thường lần 1 ngày 5/2/2023 không thể tiến hành do thiếu cổ đông tham dự, đại hội bất thường lần 2 ngày 4/3 đã diễn ra thành công. (Ảnh: Đức Quyền). 

Thứ ba, vấn đề liên quan đến các khoản hợp tác đầu tư và sử dụng tài sản đảm bảo

Trong quá trình đầu tư kinh doanh và phân phối các sản phẩm bất động sản suốt những năm qua, FLC đã hợp tác với các đối tác thi công và phân phối, sử dụng tài sản bảo đảm để thu hút khoảng 3.500 tỷ đồng nhằm triển khai các dự án ở Quảng Bình, Kon Tum, Hạ Long.

Trên cơ sở rà soát lại tình hình triển khai hợp tác và đánh giá tính khả thi của việc tiếp tục hợp tác, Ban Tổng Giám đốc FLC cho rằng việc thực hiện tiếp các thỏa thuận hợp tác đã ký trong bối cảnh đối tác đang gặp khó khăn về tài chính, không có năng lực để tiếp tục triển khai hợp tác dự án sẽ không đảm bảo hiệu quả. Việc triển khai dự án khó có thể tiếp tục, gây thiệt hại cho cả hai bên nếu không có phương án xử lý dứt điểm.

Hiện tổng số tài sản của FLC đang được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ của FLC và các công ty trong hệ sinh thái của FLC là khoảng 13.000 tỷ đồng.

(Đồ họa: Song Ngọc).

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường được dự đoán còn nhiều diễn biến bất lợi trong thời gian tới, nhiều khả năng các công ty trong hệ sinh thái FLC sẽ cần có phương án cơ cấu khoản nợ và có thể phát sinh rủi ro về xử lý tài sản bảo đảm, lãnh đạo FLC nhận định.

“Tính đến hiện tại, Tập đoàn FLC đã rất cố gắng cơ cấu lại các khoản vay, kết quả đạt được là trong năm 2022 đã thanh toán các nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng hơn 7.000 tỷ đồng (chưa bao gồm các khoản lãi, phí)”, tờ trình đại hội cổ đông ngày 4/3 có đoạn viết.

HĐQT đề xuất đại hội cổ đông phê duyệt phương án xử lý đối với các thỏa thuận/hợp đồng hợp tác với các đối tác để triển khai dự án Quảng Bình, Kon Tum, Hạ Long như sau:

Một là, thanh lý hợp đồng, thu hồi các khoản đặt cọc (nếu có), khấu trừ các nghĩa vụ công nợ (nếu có).

Hai là, trong quá trình thanh lý các hợp đồng, chấp nhận các trường hợp phát sinh rủi ro nghĩa vụ bảo lãnh.

Và ba là, cân đối phương án tự triển khai dự án hoặc lựa chọn đối tác khác có năng lực để hợp tác triển khai dự án.

Đối với các trường hợp khác, đại hội cổ đông giao cho HĐQT và Ban Điều hành tiếp tục rà soát các quan hệ giao dịch với các đối tác, khách hàng, nhà đầu tư (bao gồm cả đối tác, khách hàng và nhà đầu tư chiến lược) và áp dụng ba phương án xử lý tương tự như trên.

Đại hội cổ đông bất thường ngày 4/3 cũng phê duyệt chủ trương sử dụng tài sản để bảo lãnh, thanh toán cho các công ty con, công ty liên kết.

Thứ tư, vấn đề liên quan đến các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư

Tổng giá trị các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư tính đến 31/12/2022 là 10.602 tỷ đồng. Tập đoàn FLC cho biết đã nhiều lần gửi thư xác nhận công nợ, cử nhân sự chuyên trách liên hệ làm việc. Tuy nhiên, ngoại trừ một số trường hợp có xác nhận và có phương án để thu hồi, các trường hợp còn lại phát sinh nhiều vấn đề.

Một số trường hợp không có thông tin xác nhận, phản hồi cho Tập đoàn FLC. Một số trường hợp FLC không thể liên hệ được với người đại diện theo pháp luật, không có nhân sự và/hoặc hoạt động kinh doanh tại cơ sở đăng ký kinh doanh.

Nhiều trường hợp FLC đã liên hệ được nhưng các đơn vị này đề xuất FLC cho phép giãn nợ, tính toán lại phương án trả nợ do bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, các doanh nghiệp hiện đang mất khả năng thanh toán. Một số đơn vị/tổ chức cho biết họ đang phải đối mặt với nguy cơ giải thể, phá sản.

Bên cạnh những thách thức trong công tác thu hồi nợ, thực trạng quản lý hồ sơ công nợ của Tập đoàn FLC hiện cũng có những vấn đề.

Cụ thể, FLC năm 2019 chuyển trụ sở từ tòa nhà FLC LandMark số 5 Lê Đức Thọ về tòa nhà Bamboo Airways Tower số 265 Cầu Giấy, thay đổi về nhân sự quản lý hồ sơ, việc phát sinh nhiều yêu cầu về tiếp cận hồ sơ lưu trữ của tập đoàn (bao gồm yêu cầu từ phía cơ quan nhà nước), … các nhân tố này đã dẫn tới thất lạc hồ sơ, gây khó khăn cho việc theo dõi và xử lý công nợ.

FLC cho biết tập đoàn khó có khả năng thu hồi đối với một số khoản nợ, có thể phải điều chỉnh các khoản công nợ cho vay, hợp tác đầu tư và các khoản đầu tư vào các đơn vị khác theo quy định và ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có). 

Tổng giá trị các khoản phải thu của FLC tại ngày 30/9/2022 (ngày mới đây nhất có báo cáo tài chính) là 15.720 tỷ đồng, tăng hơn 2.100 tỷ đồng so với ngày đầu năm 2022.

Lãnh đạo FLC cho rằng việc tiếp tục ghi nhận các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư kể trên và theo dõi trên sổ sách kế toán sẽ không phản ánh được một cách chính xác về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, HĐQT đề nghị đại hội cổ đông xem xét phương án xử lý dứt điểm các vướng mắc trên báo cáo tài chính năm 2021 và 2022 như sau:

Đối với các khoản xác định chưa thể truy đòi 7.936 tỷ đồng, FLC sẽ đưa vào chi phí một lần và theo dõi ngoại bảng.

Đối với các khoản hiện đang cần tiếp tục xem xét, FLC sẽ đàm phán để thu nợ 2.666 tỷ đồng, trích lập dự phòng 100%.

Đại hội cổ đông đồng ý với đề xuất lập tổ công tác để tiếp tục thực hiện việc thu hồi công nợ. Nếu thu hồi được, FLC sẽ hạch toán vào thu nhập bất thường của kỳ thu hồi.

“Bản chất quyền thu hồi của FLC đối với các khoản này vẫn giữ nguyên, nhưng sẽ được theo dõi ngoại bảng. Hiện công ty cũng đã có kế hoạch thành lập tổ thu hồi công nợ để thực hiện các biện pháp thu hồi các khoản nợ này trong tương lai. Khi thu hồi về sẽ lại được ghi nhận trở lại trên báo cáo tài chính của Công ty với khoản thu nhập tương ứng”, ông Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Chí Công nói hôm 4/3.

Thứ năm, vấn đề liên quan đến các khoản đầu tư của FLC tại các công ty con, công ty liên kết

FLC cho biết số tiền tập đoàn đang đầu tư vào Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) là 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng của hãng hàng không này.

(Đồ họa: Song Ngọc). 

Theo quy định kế toán, khi Bamboo Airways hoạt động thua lỗ, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư theo tỷ lệ sở hữu. Số FLC đã trích lập năm 2021 giữ nguyên khoảng 373 tỷ đồng. Số FLC dự kiến trích lập cho năm 2022 có thể lên tới 3.642 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC còn đầu tư 567,57 tỷ đồng vào CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding (FCA), Công ty TNHH Một thành viên FLC Land (công ty con 100% vốn của Tập đoàn FLC) cũng góp 300 tỷ đồng vào FLC Holding.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch cùng nhiều sự kiện khác, toàn bộ hoạt động kinh doanh của FLC Holding đang bị đóng băng.

Lãnh đạo FLC đề nghị đại hội cổ đông phê duyệt phương án phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư vào Bamboo Airways và FLC Holding theo quy định pháp luật và ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có) để xử lý dứt điểm vấn đề trên báo cáo tài chính năm 2021 và 2022.

Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Dần dần, hãng hàng không với thương hiệu cây tre này tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng kể từ tháng 9/2021 và tỷ lệ sở hữu của FLC giảm còn 21,7%.

Sau khi cổ phiếu FLC bị nhắc nhở rồi hủy niêm yết vì chậm công bố thông tin, Tập đoàn FLC đã có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán và HOSE. Theo FLC, vụ việc Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt vào ngày 29/3/2022 đã ảnh hưởng tới hoạt động của tập đoàn, khiến FLC khó tìm được công ty kiểm toán đủ điều kiện, dẫn tới chậm công bố thông tin tài chính.

Tuy nhiên, lý do này không thực sự thuyết phục vì thực tế là FLC đã làm việc với hai công ty kiểm toán trong nhiều tháng.

Ngày 21/7/2022, FLC ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021, thay thế cho Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt đã bị Ủy ban Chứng khoán đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết vào ngày 30/3/2022.

Sau hai tháng làm việc, vào ngày 22/9, FLC thông báo chấm dứt hợp đồng với Công ty An Việt với lý do An Việt không bố trí được thời gian và nhân sự để cung cấp dịch vụ theo quy định của hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, FLC ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY để thay thế Công ty An Việt.

Từ 22/9/2022 đến ngày tổ chức đại hội cổ đông bất thường 4/3/2023, hơn 5 tháng đã trôi qua và FLC vẫn chưa thể hoàn tất báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. 

FLC cũng chưa công bố báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022, báo cáo tài chính quý IV/2022, chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 (FLC đã hai lần tổ chức thành công đại hội cổ đông bất thường vào các ngày 2/7/2022 và 4/3/2023). 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-vuong-mac-nghin-ty-khien-flc-chua-the-cong-bo-bao-cao-tai-chinh-du-da-lam-viec-voi-kiem-toan-trong-nhieu-thang-2023360109312.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/