Những diễn biến đáng lo ngại về khủng hoảng kinh tế tại Liban

Các ngân hàng tại Liban cho biết họ sẽ đóng cửa trong ba ngày vào tuần tới, sau khi những người gửi tiền xông vào một số chi nhánh, bắt giữ nhân viên làm con tin và yêu cầu được rút tiền tiết kiệm của họ tại ngân hàng.

Làn sóng tấn công ngân hàng tại Liban vào ngày 16/9 bắt đầu khi một người đàn ông với một khẩu súng đồ chơi đột nhập vào chi nhánh của Ngân hàng Byblos ở thành phố Ghazieh, miền Nam Liban và từ chối thả con tin cho đến khi người này rút được khoản tiền tiết kiệm 20.000 USD của mình đang bị mắc kẹt trong ngân hàng.

Vài giờ sau, một người đàn ông khác với sự hỗ trợ của một nhóm đồng lõa cũng xông vào một ngân hàng ở Beirut. Ít nhất 5 vụ "cướp ngân hàng" như vậy đã được thực hiện bởi những người gửi tiền trên khắp đất nước Liban. Những người gửi tiền đã liều mình hành động với nỗ lực tuyệt vọng nhằm lấy lại số tiền tiết kiệm bị mắc kẹt tại các ngân hàng thương mại ở nước này.

Các tổ chức tài chính ở Liban đã áp đặt hạn mức rút tiền trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang ngày chìm sâu hơn trong cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội. Các vụ tấn công ngân hàng ngày 16/9 diễn ra chỉ một ngày sau khi một nhóm vận động hành lang kêu gọi những người gửi tiền tự giải quyết vấn đề để lấy lại tiền tiết kiệm của họ đang bị đóng băng trong ngân hàng.

Hiệp hội Ngân hàng Liban (ABL) ngày 16/9 thông báo sẽ tổ chức cuộc đình công kéo dài ba ngày bắt đầu vào tuần tới để phản đối hành động của những người gửi tiền.

ABL, tổ chức đại diện cho đại đa số các ngân hàng ở Liban, đã lên án các vụ tấn công ngân hàng, đồng thời kêu gọi chính phủ thông qua luật để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay càng sớm càng tốt.

Một đại diện của ABL cho hay, tổ chức này cùng với các ngân hàng đang thương thuyết với Bộ Nội vụ Liban để hằm thuyết phục chính phủ thực hiện các bước nhằm bảo vệ các nhân viên ngân hàng.

Trước đó ngày 12/9, hàng nghìn người Liban đã xuống đường biểu tình, chặn các con đường ở thủ đô Beirut và thành phố Tripoli để phản đối tình trạng mất điện và quyết định của Ngân hàng Trung ương Liban bãi bỏ vĩnh viễn chính sách trợ cấp nhiên liệu.

Những người biểu tình cho biết họ đang trải qua cuộc sống tồi tệ vì không có điện, không nước sinh hoạt và không thuốc men, trong khi họ cũng không có đủ tiền để chi trả cho các dịch vụ y tế. Tình trạng thiếu các loại thuốc men quan trọng cho bệnh nhân ung thư ở Liban đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng y tế ở nước nay.

Trong bối cảnh Liban đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và chưa thể thành lập được chính phủ mới gần bốn tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội, nước này đã ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức ba con số trong tháng thứ 25 liên tiếp. Lạm phát tại Liban trong tháng 7/2022 đã ở mức 168% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 7,4% so với tháng 6/2022.

Nền kinh tế Liban đã sụp đổ sau khi nước này không thể thanh toán được khoản trái phiếu Eurobonds đến kỳ hạn trị gía khoảng 31 tỷ USD vào tháng 3/2020. Giá trị đồng nội tệ của Liban giảm hơn 90% so với đồng USD trên thị trường chợ đen. Trong khi đó, nợ công của Liban trong năm 2021 đã tăng lên hơn 100 tỷ USD.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Liban đã giảm khoảng 58% trong giai đoạn từ năm 2019-2021, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ khoảng 52 tỷ USD năm 2019 xuống còn 21,8 tỷ USD vào năm 2021. Theo WB, Liban có tỷ lệ nợ trên GDP cao thứ tư thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này là một trong ba cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ giữa thế kỷ 19.

Việc các chính trị gia tại Liban không đạt được đồng thuận về việc thành lập chính phủ mới sẽ khiến cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Điều đó có thể làm trì hoãn chương trình cứu trợ trị giá 3 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho quốc gia Trung Đông này. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-dien-bien-dang-lo-ngai-ve-khung-hoang-kinh-te-tai-liban-2022917153026453.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/