Nhu cầu thanh long của Trung Quốc và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất châu Á và xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới. Nguồn cung thanh long tươi cho Trung Quốc hiện nay chủ yếu từ nội địa và nhập khẩu từ Việt Nam.

Thanh long tại Trung Quốc chủ yếu được trồng ở một số địa phương phía Nam như Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam, Hải Nam... qui mô ngày càng được mở rộng. 

Thanh long đã được một số địa phương như Quảng Tây, Hải Nam đưa vào danh mục trái cây trọng điểm phát triển trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, dự kiến diện tích gieo trồng và sản lượng thanh long nội địa Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một số năm tới đây.

Thanh long tại Trung Quốc bắt đầu được thu hoạch từ khoảng tháng 5 đến tháng 11 hàng năm.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2016, nước này nhập thanh long tưới 523,3 nghìn tấn với tổng kim ngạch 381,1 triệu USD, đa phần nhập từ Việt Nam với kim ngạch và giá trị chiếm 99%.

Nguồn cung thanh long tươi cho Trung Quốc hiện nay chủ yếu từ nguồn nội địa và nhập khẩu từ Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất châu Á và xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới.

Diện tích trồng thanh long của nước tăng năm 2000 là 5.512 ha đã tăng lên 44,3 nghìn ha vào năm 2016 với sản lượng 819 nghìn tấn.

Thanh long trồng chủ yếu ở tỉnh Bình Thuận với 27 nghìn ha, chiếm 64% diện tích trồng thanh long cả nước; sản lượng tại đây cũng chiếm hơn 63% cả nước.

Nhu cầu thanh long của Trung Quốc và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ phủ thanh long Bình Thuận. (Nguồn: nld.vn)

Giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam tăng hàng năm từ 32,77 triệu USD (66.428 tấn) năm 2008 lên 57,15 triệu USD (160.008 tấn) năm 2010 và 895,7 triệu USD năm 2016 (chiếm đến 50,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm trái cây.

Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 15 – 20% sản lượng thanh long, còn lại 80 – 85% được xuất khẩu với 10% chính ngạch và 70 – 75% tiểu ngạch.

Hiện thanh long Việt Nam xuất khẩu khoảng 40 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó thị trường tiêu thụ chính là châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hong Kong, Malaysia, Singapore…) chiếm 98% về lượng và 91,1% về giá trị; châu Âu (Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Anh…) chiếm 0,9% về lượng và 4% về giá trị; châu Mỹ (Canada, Mỹ, Chile…) chiếm 1,1% về lượng và 4,8% về giá trị.

Tỉ trọng thị trường tiêu thụ thanh long Việt Nam

Nhu cầu thanh long của Trung Quốc và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 2.

(Biểu đồ TV)

Gần đây, một số doanh nghiệp ở Bình Thuận mở rộng xuất khẩu thanh long sang các thị trường mới như Myanmar, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Quatar.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực thanh long Việt Nam.

Tỉ trọng xuất khẩu thanh long Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015

Than Long - Ảnh 1.

(Biểu đồ: TV)

Chính sách xuất khẩu thanh long của Việt Nam

Chính sách xuất khẩu thanh long của Việt Nam ghi nhận thanh long là mặt hàng nông sản khi xuất khẩu thuộc đối tượng không phải chịu thuế VAT và được hưởng mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0%. 

Các doanh nghiệp khi xuất khẩu thanh long chỉ phải nộp lệ phí hải quan theo qui định và thực hiện các yêu cầu kỹ thuật của bên nhập khẩu. qui định này được áp dụng đối với cả hai trường hợp xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu tiểu ngạch, trong đó bao gồm cả hoạt động thương mại mậu biên của cư dân biên giới.

Bên cạnh đó, từ năm 2016, một số vùng trồng Thanh Long tại Bình Thuận, Long An đã được Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu vùng I – Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu đi Mỹ, Úc. Tại các vùng được cấp mã số này, doanh nghiệp và thương lái Trung Quốc ưu tiên thu mua để xuất khẩu đi Trung Quốc vì chất lượng tốt hơn và được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc, đơn vị xuất khẩu Việt Nam có thể lựa chọn hình thức xuất khẩu chính ngạch hoặc tiểu ngạch.

Các bước xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

Nhu cầu thanh long của Trung Quốc và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 4.

(Nguồn: Cẩm nang xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc)

Chính sách thương mại thanh long của Trung Quốc

Trung Quốc chỉ qui định về hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch mà không có qui định về hình thức xuất nhập khẩu tiểu ngạch như ở Việt Nam, tuy nhiên, họ cũng cho phép cư dân biên giới được mua bán hàng hóa của Việt Nam ở một mức nhất định mà không phải chịu thuế.

Đối với hình thức xuất khẩu chính ngạch: Thực hiện lộ trình giảm thuế trong Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, hiện nay thanh long xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc áp dụng mức thuế nhập khẩu là 0% (nếu hoàn tất thủ tục hồ sơ, trong đó có Giấy Chứng nhận xuất xứ theo mẫu qui định - C/O form E) và chịu thuế VAT 11%.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đây là cửa khẩu quốc gia của Trung Quốc, hàng hóa giao dịch qua thực hiện theo Luật Ngoại thương. Trước đây, thanh long xuất qua cửa khẩu này phải chịu thuế nhập khẩu và VAT, toàn bộ thuế nhập khẩu chuyển về Trung ương.

Đối với cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây) là cửa khẩu của địa phương tỉnh Quảng Tây, được áp dụng cơ chế riêng; thuế trái cây giảm 50% và để lại cho tỉnh. Do vậy Quảng Tây khuyến khích giao dịch ngoại thương biên giới qua cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài.

Tại cặp cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây), Trung Quốc có chủ trương khuyến khích buôn bán biên mậu và chỉ cho một số doanh nghiệp thuộc tỉnh biên giới (doanh nghiệp biên mậu) được nhập khẩu thanh long theo hình thức biên mậu tại cửa khẩu này theo kế hoạch cụ thể, thực chất là theo hạn ngạch nhất định.

Như vậy Trung Quốc vẫn kiểm soát số lượng doanh nghiệp, số lượng và giá cả thanh long nhập khẩu.

Thanh long Việt Nam xuất qua cửa khẩu Pò Chài (Quảng Tây) theo hình thức biên mậu được áp dụng thuế nhập khẩu của Trung Quốc là 0% và miễn giảm 50% thuế VAT.

Tại cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam), Chính quyền Vân Nam khuyến khích các doanh nghiệp buôn bán theo hình thức biên mậu. Theo đó, nếu thanh long xuất qua cửa khẩu Hà Khẩu với hình thức biên mậu thì ngoài việc áp dụng mức thuế nhập khẩu 0%, thuế VAT chỉ phải nộp là 3%; còn thực hiện bằng đường chính ngạch doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế VAT 11%.

Ngoài qui định về thuế nhập khẩu và thuế VAT, để bảo vệ người tiêu dùng trong nước, Trung Quốc áp dụng qui định về an toàn thực phẩm đối với trái cây nhập khẩu của Trung Quốc.

Sơ đồ chuỗi cung ứng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc

Nhu cầu thanh long của Trung Quốc và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 5.

(Nguồn: Cẩm nang xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc)

Hướng dẫn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cho quả thanh long là cẩm nang hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc với đơn vị thực hiện là Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).

Chi tiết Cẩm nang xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc (bản tiếng Việt)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhu-cau-thanh-long-cua-trung-quoc-va-tiem-nang-xuat-khau-cua-viet-nam-20200322184937757.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/