Nhu cầu hàng hàng hoá cứng có thể phục hồi mạnh sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Theo Financial Times, Việc Trung Quốc tái mở cửa trở lại sau ba năm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chính sách Zero COVID làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi kinh tế trên diện rộng.

Nhưng sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại không chắc chắn do tốc độ tăng trưởng kinh toàn cầu được dự báo sẽ chững lại, đặc biệt là tại Châu Âu và Mỹ, xuất khẩu được dự báo giảm sau thời kỳ bùng nổ. 

Thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào số liệu kinh tế tháng 2 của Trung Quốc cho thấy sự phục hồi, tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm chưa chắc chắn”, ông Ken Cheung, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối khu vực châu Á tại ngân hàng Mizuho Bank cho biết.

Một cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản và nhiều năm đóng cửa đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng Trung Quốc. 

“Nên nhớ rằng, Trung Quốc đã áp dụng chính sách Zero COVID trong 3 năm qua và hành vi tiêu dùng của người dân cũng thay đỏi nhiều”, ông Cheung nói thêm.

Dưới đây là một số tài sản và lĩnh vực được giới đầu tư và các chiến lược gia theo dõi sát sau khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. 

Nhu cầu hàng hoá cứng sẽ tăng mạnh

Hàng hóa cứng (hard commodity), bao gồm khoáng sản (đồng, bạc, vàng,..) và năng lượng khái thác (dầu thô, khí tự nhiên, và các sản phẩm tinh chế từ chúng). Hàng hóa cứng có sẵn trong đất để khai thác, còn hàng hóa mềm cần trồng và nuôi dưỡng đến khi trưởng thành. Cho đến nay Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia tiêu thụ hàng hoá cứng lớn nhất thế giới.

 Diễn biến giá quặng sắt, đồng và dầu từ 31/10/2022 đến 25/1

Ông He Tianyu, một chuyên gia phân tích hàng hoá tại công ty tư vấn CRU, cho biết “Lĩnh vực bất động sản phục hồi và các công ty cũng đẩy mạnh việc hoàn thành các dự án nhà ở còn đang dang dở, xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và xe điện sẽ là những nhân tố quan trọng thúc đẩy nhu cầu đồng trong thời gian tới”. 

Chuyên gia phân tích tại ngân hàng Citi ông Shreyas Madabushi đã chỉ ra rằng “Thị trường đang xuất hiện một loạt diễn biến tích cực bao gồm việc đẩy mạnh mở cửa kinh tế, các nhà máy thép cũng được kỳ vọng sẽ tăng lượng hàng tồn kho và các biện pháp tăng cường cung - cầu trong lĩnh vực bất động sản cũng được đưa ra”.

Giá dầu sẽ quay trở lại “đường đua”

Giá dầu Brent giảm kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng chính sách phòng chống COVID-19, một phần vì lo ngại nhu cầu của Trung Quốc sẽ chỉ tăng với tốc độ chậm. 

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu dầu mỏ tăng lên mức cao kỷ lục 101,7 triệu thùng/ngày trong năm nay nhờ việc mở cửa kinh tế của Trung Quốc. Đây là một trong hai yếu tố quan trọng tác động đến thị trường dầu mỏ trong năm 2023 bên cạnh tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine. 

Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong năm 2022 lần đầu tiên giảm kể từ năm 1990. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực xuất hiện khi tháng 11, nhu cầu tăng 470.000 thùng/ngày so với tháng 10, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế. 

Jeff Currie, giám đốc bộ phân nghiên cứu tại ngân hàng Goldman Sachs, ước tính với việc nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi, giá dầu thô có thể tăng 5 USD/thùng. 

Tiền tệ của châu Á được hưởng lợi

Đồng Nhân Dân Tệ (RMB) tăng kể từ khi mở cửa trở lại, tuy nhiên, các quan chức cấp cao tại Bắc Kinh đã cảnh báo không nên đặt cược “một chiều” vào sự tăng giá của đồng tiền này. 

Ông Cheung cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị kịch bản đối với tác động hai chiều của việc đồng RMB tăng”. Đồng thời, ông dự đoán, tỷ giá RMB/USD là 6,7 RMB. 

 Tỷ giá của một số đồng tiền châu Á so với USD kể từ 31/10/2022 tới nay

Đồng Baht của Thái Lan cũng được hưởng lợi nhờ lượng khách du lịch từ Trung Quốc tăng trở lại. Giới chuyên gia dự báo đồng tiền này sẽ tăng khoảng 4% trong năm nay. 

Đồng Won của Hàn Quốc thậm chí tăng mạnh hơn, khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, triển vọng kinh tế không tích cực kèm theo căng thẳng địa chính trị có tác động đến hoạt động xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc.

Các thị trường chứng khoán liên kết với Trung Quốc đang tăng

Giới phân tích của ngân hàng Goldman Sách mới đây nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của chứng khoán Trung Quốc có thể đạt 17% năm 2023, tăng so với dự báo trước đó là 13%.

Ngân hàng này cũng nâng dự báo đối với các cổ phiếu có công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông lên 34%, tăng từ mức 28% ở dự báo trứơc đó.

Thị trường chứng khoán ở các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Singapore cũng sẽ được hưởng lợi khi có nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh gắn kết với thị trường Trung Quốc.

 Diễn biến một số chỉ số chứng khoán kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa

Thị trường trái phiếu phục hồi, lãi suất tăng

Động thái hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy thị trường trái phiếu do các công ty lĩnh vực này phát hành. 

Trái phiếu phát hành bằng đồng USD từ các doanh nghiệp bất động sản như Country Garden và Dalian Wanda đang dần quay trở lại mức giá hợp lý hơn sau giai đoạn khủng hoảng. 

“Động lực đã quay trở lại. Chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh đang khuyến khích các ngân hàng tư nhân và quỹ phòng hộ bơm tiền trở lại vào trái phiếu của các công ty bất động sản”, một nhà giao dịch trái phiếu có trụ sở tại Hồng Kông nhận định.

Nhu cầu thị heo sụt giảm

Một nghịch lý lớn khi Trung Quốc mở cửa trở lại là giá thịt heo giảm 25%. Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới nhưng nhiều hộ gia đình đã chuyển sang ăn thịt gà trong thời kỳ đại dịch vì giá rẻ hơn. Điều này khiên giá thịt heo giảm mạnh kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các lệnh hạn chế.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhu-cau-hang-hang-hoa-cung-co-the-phuc-hoi-manh-sau-khi-trung-quoc-mo-cua-tro-lai-20232283551882.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/