Nhiều thương hiệu quốc tế khốn đốn khi dân Trung Quốc ở nhà do virus corona

Virus corona lây lan đang cho thế giới thấy thảm cảnh của các thương hiệu khi người dùng Trung Quốc tránh xa các cửa hàng để phòng bệnh.

Trên khắp Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh virus corona, các trung tâm thương mại đều đã đóng cửa. Trong những cửa hàng mỹ phẩm ở Seoul, những cửa hàng hào nhoáng ở Giza hay những khu phố hàng xa xỉ của Paris, khách du lịch Trung Quốc cũng thưa dần.

Thực trang đang diễn ra khiến nhiều công ty "khốn đốn", từ "ông lớn" đồ thể thao Nike (Mỹ), công ty mỹ phẩm Shiseido (Nhật Bản) tới thương hiệu thời trang Burberry (Anh).

"Phụ thuộc vào khách hàng Trung Quốc đang mang đến rủi ro lớn", Flavio Cereda, một nhà phân tích ở Jefferies, nói.

Nhiều thương hiệu quốc tế khốn đốn khi khách hàng Trung Quốc ở nhà do virus corona - Ảnh 1.

Cửa hàng Disney đóng cửa ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg)

Một trong số những thương hiệu chịu ảnh hưởng lớn là Burberry với tỉ trọng 40% doanh thu bán hàng đến từ nhóm khách hàng Trung Quốc ở thị trường nội địa hoặc quốc tế.

Cuối tuần trước, Burberry cảnh báo rằng virus corona đã cuốn bay 80% doanh thu của hãng tại các cửa hàng vẫn đang mở cửa tại Trung Quốc. Trong kho đó, 1/3 số lượng cửa hàng của thương hiệu này ở quốc gia tỉ dân đang tạm dừng hoạt động.

Canada Goose Holding Inc nhận định virus corona "đang để lại các tác động tiêu cực", sau khi Nike nêu quan điểm tương tự.

Shiseido tiết lộ bệnh dịch đã khiến doanh thu của 4 trong số những nhãn hàng hàng đầu của hãng ở Trung Quốc giảm một nửa trong kì nghỉ Tết Nguyên đán.

Cùng lúc, Walt Disney Co nói lợi nhuận của hãng có thể sẽ giảm tới 135 triệu USD trong trường hợp Disneyland Thượng Hải đóng cửa trong hai tháng tới.

Mặt hàng xa xỉ

Các thương hiệu đồ xa xỉ như Burberry, LVMH hay Kering SA cũng đang đối mặt nguy cơ lớn khi tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xu hướng tiêu dùng ở người Trung Quốc.

Trong khi đó, các thương hiệu hàng tiêu dùng đại trà như Starbucks hay Uniqlo cũng đặt niềm tin tại đây, bỏi người dân Trung Quốc vốn vẫn có những ưu ái nhất định cho thương hiệu nổi tiếng nước ngoài.

ĐIều tệ hại là virus corona bùng nổ đúng dịp Tết Nguyên đán, kì nghỉ lễ lớn nhất trong năm của người Trung Quốc. Năm ngoái, người tiêu dùng nước này tiêu dùng 1 nghìn tỉ nhân dân tệ trong kì nghỉ kéo dài một tuần.

Giá cổ phiếu của LVMH (công ty mẹ của Louis Vuitton), Kering (sở hữu thương hiệu Gucci) và nhiều thương hiệu xa xỉ Châu Âu trượt dốc trong phiên giao dịch thứ 6 tuần trước sau khi Burberry cảnh báo.

Dù vậy, giá cổ phiếu nhóm thương hiệu này vẫn ở mức cao nhất trong lịch sử sau nhiều năm tăng trưởng bán hàng liên tục ở Trung Quốc.

Nhiều thương hiệu quốc tế khốn đốn khi khách hàng Trung Quốc ở nhà do virus corona - Ảnh 2.

Tổ hợp khách sạn và casino ở Macau vắng lặng. (Ảnh: Bloomberg)

Trước đó, các thương hiệu xa xỉ cũng vượt qua ảnh hưởng của SARS (2003). Song vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc không áp dụng các biện pháp mạnh tay như phong tỏa nhiều tỉnh, thành hay hạn chế đi lại như lần này.

Ngay cả những người có thể đi lại tự do cũng không còn muốn đi mua sắm vì sợ nhiễm virus corona chủng mới.

"Điều chúng tôi thấy là khách hàng đang tự cách li", Julie Brown, Giám đốc Tài chính Burberry, nói. Cấm bán các gói tour du lịch nước ngoài cho khách Trung Quốc đang khiến mọi thứ tệ đi. "Nếu duy trì lệnh hạn chế, ảnh hưởng sẽ thêm trầm trọng".

Thương hiệu Nhật Bản

Với 1/5 doanh thu đến từ Trung Quốc, Shiseido và Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo), tăng gấp đôi so với 5 năm trước đó, sẽ chịu ảnh hưởng lớn vì virus corona.

Ở quê nhà, các thương hiệu Nhật Bản cũng phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc khi nhóm khách hàng này có xu hướng tiêu dùng cao gấp đôi các nhóm khác.

"Trong trung tâm thương mại, cửa hàng dược phẩm, cửa hàng miễn thuế, chúng tôi có thể thấy những ảnh hưởng từ việc lượng khách Trung Quốc giảm", Masahiko Uotani, giám đốc điều hành Shiseido, nói.

Cùng thời điểm, Muji và Uniqlo cũng đóng cửa một nửa số cửa hàng của họ ở Trung Quốc.

"Thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng thế giới", Jason Yu, giám đốc điều hành Kantar, nhận định. "Không ai có thể tránh trong môi trường toàn cầu hóa".

Giảm chi phí marketing

Một số thương hiệu đang chấp nhận đóng cửa hàng hơn là rủi ro phát hiện virus corona trong cửa hang của họ, Yu nói thêm. Một số thương hiệu như Carlsberg A/S và Shiseido đã giảm các hoạt động marketing ở Trung Quốc.

Trong bối cảnh hiện tại, các mặt hàng tiêu dùng đại trà sẽ có mức độ ảnh hưởng thấp hơn so với hàng xa xỉ bởi người dùng có xu hướng vẫn mua các sản phẩm như dầu gội đầu, kem dưỡng da hơn túi da đắt đỏ.

Với các thương hiệu như L'Oreal, các nhà đầu tự dự đoán tác động tiêu cực trong ngắn hạn song tăng trưởng nói chung sẽ tốt hơn kì vọng trong quý kinh doanh gần nhất.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-thuong-hieu-quoc-te-khon-don-khi-dan-trung-quoc-o-nha-do-virus-corona-20200211124319592.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/