Nhiều doanh nghiệp công bố thông tin như nhau, vì sao một mình Vietnam Airlines bị HOSE nhắc nhở?

HOSE cho rằng Vietnam Airlines công bố thông tin không đầy đủ và yêu cầu bổ sung. Tuy nhiên còn những doanh nghiệp khác cũng công bố thông tin tương tự như Vietnam Airlines nhưng HOSE không đả động đến.

Tàu bay Vietnam Airlines tại sân đỗ. (Ảnh: Song Ngọc).

Riêng Vietnam Airlines bị nhắc nhở

Ngày 31/5 năm nay, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) gửi công văn nhắc nhở Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) về việc công bố thông tin liên quan tới “tiền lương, thù lao của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 chưa đầy đủ các nội dung theo quy định tại Khoản 3 Điều 163 và Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2020”.

Theo quan sát của chúng tôi, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 do Vietnam Airlines công bố ngày 25/5 cho thấy tổng lương, thù lao của Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát trong năm ngoái là hơn 8 tỷ đồng, không tách bạch con số theo từng nhóm lãnh đạo hay từng cá nhân.

Sau khi HOSE ra công văn nhắc nhở, Vietnam Airlines đã công bố thông tin bổ sung gồm danh sách tất cả thành viên trong ban lãnh đạo kèm theo mức lương và thù lao cụ thể của mỗi người.

Sau khi HOSE nhắc nhở, Vietnam Airlines đã phải công bố bổ sung chi tiết tiền lương, thù lao của từng người trong ban lãnh đạo năm 2021. (Ảnh chụp màn hình).

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp khác niêm yết tại HOSE cũng công bố thông tin về tiền lương và thù lao một cách vắn tắt tương tự Vietnam Airlines đã làm trong báo cáo tài chính, tức là chỉ có số tổng và không phân tách cụ thể. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không bị HOSE nhắc nhở như trường hợp của Vietnam Airlines.

Ví dụ cụ thể: Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS – Mã: GAS) là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nằm trong rổ chỉ số VN30 của HOSE, do cổ đông Nhà nước sở hữu đại đa số cổ phần giống như Vietnam Airlines.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2021, PV GAS cho biết khoản mục “Lương và các quyền lợi gộp khác” cho các nhân sự chủ chốt trong năm ngoái là gần 19,7 tỷ đồng, không tách riêng giá trị thù lao cho HĐQT, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát.

PV GAS đăng tải báo cáo tài chính trước Vietnam Airlines gần hai tháng nhưng cho đến nay HOSE không có văn bản nhắc nhở về việc công bố thông tin không đầy đủ.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2021, PV GAS cũng công bố thông tin về lương và thù lao ban lãnh đạo tương tự như Vietnam Airlines. Tuy nhiên, PV GAS không bị HOSE nhắc nhở và yêu cầu bổ sung.

Một ví dụ khác là CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND). Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2021, VNDirect cho biết lương và thưởng của các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Tổng Giám đốc là gần 15,4 tỷ đồng, không có phân tách cụ thể. Công ty chứng khoán này cũng không bị HOSE yêu cầu bổ sung thông tin.

Chúng tôi đã liên hệ với HOSE về vấn đề này nhưng phía HOSE chưa đưa ra bình luận.

Chứng khoán VNDirect không công bố chi tiết tiền lương và thù lao của từng lãnh đạo trong năm 2021, nhưng cũng không bị yêu cầu bổ sung như Vietnam Airlines.

Quy định về công bố lương, thù lao ban lãnh đạo công ty cổ phần:

Khoản 3 Điều 163 Luật Doanh nghiệp 2020:

“Thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên”.

Khoản 3 Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2020:

“Tiền lương và chi phí hoạt động của Ban Kiểm soát được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định khác của pháp luật có liên quan và phải được lập thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty”. 

Mỗi người làm một kiểu

Luật Doanh nghiệp 2020 đã có quy định cụ thể về việc công bố thông tin liên quan tới lương và thù lao của HĐQT, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát. Tuy vậy, các doanh nghiệp đại chúng trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang công bố theo nhiều cách khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp cung cấp thông tin rất chi tiết, bao gồm tên, chức vụ và lương, thù lao của từng cá nhân lãnh đạo.

Tiền lương, thù lao của từng người trong ban lãnh đạo Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (Mã: DIG) theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp chỉ công bố tổng lương và thù lao của từng nhóm lãnh đạo (HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát) nhưng không có con số của từng người.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) không công bố chi tiết tiền lương và thù lao của từng cá nhân trong ban lãnh đạo.

Nhiều doanh nghiệp còn gộp tất cả thu nhập của các lãnh đạo lại và chỉ thông báo một con số tổng duy nhất, như trường hợp của PV GAS nói trên.

Cùng trên thị trường UPCoM và cùng trong ngành dầu khí, trong khi Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR) công bố chi tiết thu nhập của từng lãnh đạo thì Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL – Mã: OIL) lại không cung cấp thông tin cụ thể đến vậy.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) – một doanh nghiệp khác tại UPCoM – công bố riêng tổng thu nhập của Ban Kiểm soát, nhưng lại gộp chung tổng thu nhập của HĐQT và Ban Giám đốc.

Quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 lẽ ra phải được áp dụng chung cho mọi doanh nghiệp một cách bình đẳng. Tuy nhiên thực tế là hiện nay, có sở giao dịch nhắc nhở doanh nghiệp công bố bổ sung thông tin nhưng sở giao dịch khác lại không.

Thậm chí cùng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), có doanh nghiệp bị nhắc nhở và yêu cầu bổ sung nhưng doanh nghiệp khác lại không, dù cách công bố thông tin ban đầu tương tự nhau.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-doanh-nghiep-cong-bo-thong-tin-nhu-nhau-vi-sao-mot-minh-vietnam-airlines-bi-hose-nhac-nho-2022712162134141.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/