Nhiều bộ ngành phản đối việc nhập khẩu 37 toa xe quá hạn sử dụng 40 năm của Nhật Bản

Bộ Giao thông Vận tải cho biết nhiều bộ, ngành không ủng hộ việc nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Sau khi tham vấn ý kiến các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải cho biết không ủng hộ phương án nhập 37 toa xe quá hạn sử dụng 40 năm của Nhật Bản, theo Thanh niên.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết các phương tiện giao thông đường sắt đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu theo quy định của Chính phủ. Do đó, việc phê duyệt đề xuất này vượt quá thẩm quyền của Bộ.

Cụ thể, 37 toa xe tự hành diesel DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản, được sản xuất từ năm 1979 - 1982 hiện có năm sản xuất quá 10 năm và không được phép vận hành khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm. Nếu vận hành những toa xe này sẽ ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển của ngành nghề này trong nước.

"Dù đề xuất việc cho phép nhập khẩu, khai thác sử dụng 37 có một số lợi ích nhất định tuy nhiên quy định của pháp luật đã rõ ràng. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải không ủng hộ việc nhập khẩu và khai thác sử dụng 37 toa xe đã qua sử dụng (từ 39 đến 42 năm) tại Việt Nam", Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Nhập khẩu 37 toa xe quá hạn sử dụng 40 năm của Nhật Bản là trái quy định của Chính phủ - Ảnh 1.

Hiện trạng 37 toa xe của Nhật Bản. (Ảnh: JR-EAST)

Trước khi đề xuất, VNR chưa đánh giá cụ thể về tình trạng kỹ thuật an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì, giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam...

Trước đó, ngày 18/11, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng đồng tình rằng việc nhập khẩu 37 toa xe là không phù hợp với quy định hiện hành. Song, cơ quan này mong muốn Việt Nam chấp thuận cho dự án của VNR hoạt động với ý nghĩa tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị Nhật Bản và Việt Nam.

Tổng công ty đường sắt Đông Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao miễn phí cho VNR nếu có nhu cầu và Việt Nam sẽ chịu các chi phí liên quan đến nhập khẩu, cải tạo toa xe phù hợp với quy định của Việt Nam (dự kiến 140 tỷ đồng).

Đây là loại toa xe tự hành diesel DMU, loại Kiha 40 và Kiha 48 đều được sản xuất từ năm 1979 - 1982. Theo VNR, sau khoảng 40 năm vận hành, cả hai loại toa xe nêu trên không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về an toàn và chất lượng.

Trong những năm gần đây, phía Nhật Bản đã chuyển giao hàng trăm toa xe DMU và EMU đã qua sử dụng cho đường sắt các nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Myanma, Indonesia và Philippines để sử dụng, khai thác phục vụ vận tải hành khách.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-bo-nganh-phan-doi-viec-nhap-khau-37-toa-xe-qua-han-su-dung-40-nam-cua-nhat-ban-20211127205630227.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/