Nhận visa sang Mỹ, NutiFood bước chân vào quỹ đạo mới

Sau vài lần lao đao vì những cái bắt tay không đáng có với đối tác chiến lược trong và ngoài nước, 'viên ngọc thô' NutiFood lại miệt mài làm sáng mình, để tìm quỹ đạo mới.

nhan visa sang my nutifood buoc chan vao quy dao moi NutiFood và giấc mơ ngàn tỉ nâng giá cà phê Việt

Đường đến Mỹ

Sau hơn 1 năm đàm phán với Công ty Thực phẩm Delori (Mỹ) và làm việc với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được cấp giấy chứng nhận và đầu tư khoảng 1 triệu USD cho việc nâng cấp thiết bị, cuối cùng Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood đã “nhận visa” đến Mỹ.

Dự kiến đến tháng 4/2018, sản phẩm sữa bột pha sẵn dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus sẽ lên kệ tại hơn 300 siêu thị của Bang Califonia - địa bàn hoạt động mạnh nhất của Delori. Hai bên tính toán, doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên của NutiFood vào Mỹ khoảng 20 triệu USD và sau 5 năm tăng lên 100 triệu USD/năm.

nhan visa sang my nutifood buoc chan vao quy dao moi
Theo Nielsen Việt Nam, năm 2017, Growplus+ của NutiFood đang chiếm thị phần 39,3% trong phân khúc sản phẩm sữa đặc trị cho trẻ

Delori có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm và là một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu về các loại nước giải khát probiotic, sữa chua cho Mỹ. Trước đây, Delori đã đưa nước dừa đóng hộp của Việt Nam qua Mỹ. Delori đã có sự hợp tác với các nhà bán lẻ, kênh phân phối lớn ở Mỹ và khu vực Mỹ Latinh như Walmart, 99 cent, Superior, Vallarta, Northgate, El Super, Krogers...

“Mục tiêu chính hợp tác với NutiFood là tập trung ngân sách vào quản lý thương hiệu và sản phẩm, giúp tăng trưởng thị phần tuyệt đối tại các thị trường hiện diện”, ông Jaime Brown, Chủ tịch Delori nói.

Trong quá trình tìm kiếm các sản phẩm sữa, các dòng sản phẩm dinh dưỡng để đưa vào thị trường Mỹ, nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng và khác nhau của thị trường này, Delori đã gặp vợ chồng ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood và bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc. Họ đã tìm hiểu và NutiFood đã lọt vào tầm ngắm vì thị phần số 1 trong ngành sữa đặc trị trẻ em Việt Nam, như GrowPlus Suy dinh dưỡng, NutiFit cho trẻ béo phì, Pedia Plus cho trẻ biếng ăn.

Đặc biệt, NutiFood đã xây dựng và phát triển được dòng sữa đặc trị dành cho trẻ biếng ăn, dòng sản phẩm này được sản sinh và phát triển lớn mạnh tại thị trường Mỹ trong rất nhiều năm qua.

“Bất cứ công ty nào cũng muốn được xuất khẩu khi có cơ hội. NutiFood không ngoại lệ. Việc gặp gỡ Delori khiến chúng tôi có cơ hội đến Mỹ”, ông Lê Nguyên Hòa, Phó chủ tịch HĐQT NutiFood cho biết.

Theo ông Hoà, khó khăn lớn nhất của NutiFood trong quá trình đàm phán để được “cấp visa” sang Mỹ là việc thỏa mãn các tiêu chuẩn khắc khe của FDA. “Mới đầu chúng tôi nghĩ chắc là mọi chuyện sẽ dễ dàng. Vì nhà máy sản xuất Pedia Plus tại Bình Dương đã rất hiện đại. Nhưng, với việc Pedia Plus là sản phẩm đặc trị axit thấp, là loại sữa được người Mỹ kiểm soát chặt chẽ nhất, mọi thứ không như chúng tôi tiên đoán”, ông Hoà nói.

NutiFood đã mất 6 tháng và 1 triệu USD để kiện toàn nhà máy, dây chuyền sản xuất cũng như con người mới đạt những tiêu chuẩn mà FDA đề ra.

Mọi việc chỉ bắt đầu

Với NutiFood, mọi chuyện mới chỉ bắt đầu. Để mở rộng sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, công ty này đang đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng mở thêm 1 nhà máy mới rộng 20 ha ở Khu công nghiệp Sóng Thần 3 và mở rộng thêm 10 ha nhà máy ở Hưng Yên. Nếu mọi chuyện thuận lợi, 2 nhà máy này sẽ xong vào cuối năm 2018 (hiện NutiFood đang có 3 nhà máy ở Bình Dương, Hưng Yên, Gia Lai và 1 nhà máy đang xây dựng ở Hà Nam).

Trong khi đó, về dây chuyền sản xuất, nếu theo tiêu chuẩn của FDA, mỗi dây chuyền NutiFood sẽ phải cộng thêm 1 triệu USD. Về việc xuất khẩu đi Mỹ, Delori đã đàm phán với các siêu thị lớn khác như Walmart, 99 cent… để phân phối Pedia Plus toàn nước Mỹ. Thêm nữa, khách hàng mục tiêu mà Delori nhắm đến cho Pedia Plus là người dân gốc châu Mỹ - Latin, nên sản phẩm có thể hiện diện cả ở Nam Mỹ.

Sau Pedia Plus, NutiFood có thể mang đến thị trường Mỹ sản phẩm sữa chua ăn nha đam. Lúc đầu, Delori cực kỳ ấn tượng với hương vị và chất lượng của loại sữa chua này, nếu xuất khẩu qua Mỹ sẽ thắng chắc. Song, vì điều kiện bảo quản khó khăn khiến việc không thành. NutiFood không muốn bỏ cuộc và đang tính đến việc xây dựng nhà máy sản xuất sữa chua nha đam ngay trên đất Mỹ.

Ngoài thị trường Mỹ, NutiFood đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Philippines, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc. Tại Philippines, ở phân khúc sữa dành cho người bệnh, Enplus của NutiFood đang đứng thứ ba thị trường, với doanh thu khoảng 1 triệu USD/năm.

NutiFood đang dần trở lại quỹ đạo?

Nhắc lại lịch sử đầu tư kinh doanh, NutiFood đã trải qua nhiều cái bắt tay, với không ít sai lầm.

Sai lầm lớn nhất của NutiFood trong quá khứ phải kể đến là lao vào “cuộc tình” với Kinh Đô năm 2007, với dự định sẽ tung ra mảng bánh dinh dưỡng. Song NutiFood lại dính vào lĩnh vực đầu tư tài chính và bất động sản cùng với Kinh Đô. Năm 2008, thị trường tài chính suy giảm, NutiFood lỗ 45 tỷ đồng. Đó là lúc họ bừng tỉnh nhận ra cần phải chia tách.

Nhưng, phải đến năm 2012, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh Đô (nay Kido Group) mới quyết định thoái hết vốn tại đây. Ông Trần Thanh Hải tiếp quản “chiếc ghế nóng”, trở thành Chủ tịch HĐQT NutiFood. Ông Hải cùng vợ là bà Trần Thị Lệ đã gắn bó với NutiFood từ ngày mới thành lập (năm 1999).

Ngoài ra, mối lương duyên chiến lược với Quỹ Đầu tư Công nghiệp DI châu Á (DI Asian Industrial Fund, DIAIF) nhằm phát triển thêm lĩnh vực nước giải khát và thực phẩm dinh dưỡng cũng bất thành, khi quỹ này thoái gần 25% cổ phần tại NuitFood chỉ sau 2 năm rót vốn (từ năm 2011 đến 2013)

Sự trở lại của ông Hải và bà Lệ sau nhiều biến cố tái cấu trúc NutiFood khiến các nhân viên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho công ty này. 5 năm trở lại đây, cặp đôi này có nhiều động thái cho thấy, họ đang làm mọi việc để đưa con thuyền NutiFood vào quỹ đạo mới. Trong đó, phải kể đến những canh bạc với Bầu Đức - ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Đầu tiên, vào tháng 10/2013, NutiFood bắt tay với Bầu Đức trong lĩnh vực bóng đá, với trị giá hợp tác trên 20 tỷ đồng, nhằm quảng bá thương hiệu NutiFood giai đoạn 2013-2017, đưa hình ảnh thương hiệu xuất hiện trong các hoạt động của HAGL và sử dụng hình ảnh của HAGL Arsenal JMG phục vụ quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Cũng đam mê bóng đá, nên ông Hải tâm đắc cho rằng, theo chân HAGL vào sân... bóng sẽ giúp NutiFood mở rộng sự cộng hưởng trên mặt trận đối ngoại.

Năm 2014, ông Hải cùng Bầu Đức làm dự án nuôi bò, xây dựng nhà máy sữa tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku, Gia Lai) và Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) của ông Văn Đức Mười. Lần này đánh vào mảng sữa tươi - thị trường vốn luôn là sân chơi của bộ ba Vinamilk, TH True Milk, Friesland Campina. Trong cuộc chơi đó, NutiFood chỉ như một “viên ngọc thô”.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm sữa, cộng với hệ thống phân phối trên cả nước, NutiFood muốn chi phối ngược lại thị trường sữa tươi, nếu sản lượng sữa tươi chiếm từ 20 đến 30% thị phần ngành sữa như hai bên dự kiến. Để thực hiện thương vụ trên, NutiFood đã đầu tư một nhà máy chế biến sữa riêng tại Gia Lai với kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng, dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Đức và Thụy Điển. Nhưng hơn 4 năm qua, NutiFood chưa có dấu ấn ở trận địa này, mà lại ghi điểm ở dòng sản phẩm đặc trị cho trẻ em trong ngành hàng sữa bột trên cả nước.

Theo Nielsen Việt Nam, ở cả kênh bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại (trừ siêu thị MM Mega Market Việt Nam) trong năm 2017, nhãn hàng Growplus+ của NutiFood là nhãn hiệu đứng đầu về thị phần sản lượng trong phân khúc đặc trị cho trẻ với thị phần 39,3%. Sữa này dùng trong trường hợp trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi, biếng ăn, chậm tăng cân…

Ông Hoà khẳng định, NutiFood là doanh nghiệp dân doanh đầu tiên trong lĩnh vực chế biến sữa của Việt Nam vượt qua thương hiệu quốc tế của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực sữa đặc trị.

Hồi tháng 5/2017, NutiFood dấn thân vào lĩnh vực cà phê khi chi khoảng 1.000 tỷ đồng mua 25% cổ phần của Công ty Cà phê Phước An - một doanh nghiệp nhà nước đầu tiên tại tỉnh Đắk Lắk thí điểm cổ phần hóa, dự tính sẽ mua tiếp để đạt 51% cổ phần. Trong thương vụ này, NutiFood tự tin với hệ thống phân phối chuyên nghiệp và sẽ khuếch trương thương hiệu cà phê gắn với chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột ra thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Vậy nên, cái bắt tay lần này với Delori khiến NutiFood như cá gặp nước, dù cần thời gian để xem họ bơi như thế nào và trụ được bao lâu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhan-visa-sang-my-nutifood-buoc-chan-vao-quy-dao-moi-44670.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/