|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

NutiFood và giấc mơ ngàn tỉ nâng giá cà phê Việt

07:29 | 18/05/2017
Chia sẻ
Vì sao một doanh nghiệp chuyên về sữa lại đổ vốn đầu tư vào cà phê?

NutiFood là cái tên mới nhất trong tham vọng nâng giá trị của hạt cà phê Việt Nam, hóa giải những nghịch lý đeo đẳng cây cà phê của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Lường trước khó khăn

Cà phê Việt Nam “DaLat Blend” nằm trang trọng tại hơn 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia của chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks. Đây là dòng sản phẩm cao cấp Reserve của Starbucks, một gói cà phê được đóng theo định lượng 250 gram và bán với giá 12,5 USD (tương đương hơn 280.000 đồng). Starbucks đã không quên giới thiệu chi tiết về nguồn gốc và phẩm chất thượng hạng của cà phê Đà Lạt.

Câu chuyện của Starbucks nâng giá trị hạt cà phê Việt Nam cũng đồng thời cho thấy nghịch lý đeo bám loại nông sản này. Dù có kim ngạch xuất khẩu cà phê lên tới 3 tỉ USD nhưng Việt Nam hiện chủ yếu chỉ bán cà phê nhân cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, đóng hộp dưới thương hiệu của họ và bán với giá gấp nhiều lần giá mua vào. Thực tế này được ông Michael H. Nguyen, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc Tài chính Masan Group, cho biết: “Khi bán 1kg cà phê nhân, Việt Nam thu về khoảng 2USD, tương đương giá trung bình 1 ly cà phê ở các nước nhập khẩu, trong khi mỗi kg cà phê nhân có thể pha được 50 ly cà phê. Về khối lượng, cà phê Việt chiếm 20% thị phần thế giới, nhưng giá trị chỉ đạt khoảng 2% thị phần. Vì thế, phần giá trị lợi nhuận còn lại thì doanh nghiệp nước ngoài hưởng hết”.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cà phê Việt Nam chỉ bán được 2 USD/kg trong khi xuất khẩu sang nước ngoài bán lại 200 USD/kg, tức Việt Nam chỉ được 1% trong giá trị đó mà công sức bỏ ra rất lớn.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch của Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood, cũng xem đây là lý do để đầu tư 1.000 tỉ đồng làm nông nghiệp công nghệ cao tại Đắk Lắk, đồng thời trở thành cổ đông chiến lược duy nhất của Công ty Cà phê Phước An.

Với khoản đầu tư ngàn tỉ đồng, NutiFood sẽ phát triển ngành cà phê tại Đắk Lắk từ cây giống, trồng trọt, thu hoạch, chế biến… để nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm sau cùng. Theo đó, Công ty sẽ tận dụng kênh phân phối để đẩy mạnh khai thác thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Công ty cũng sẽ xây dựng nhà máy chế biến cà phê cao cấp.

NutiFood được Đắk Lắk chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược duy nhất của Công ty Cà phê Phước An. Đây là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk thực hiện thí điểm cổ phần hóa. NutiFood đã mua 25% cổ phần của công ty này và thông qua những phiên đấu giá sẽ tiếp tục mua để đạt 51% cổ phần. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi khi một doanh nghiệp chuyên về sữa lại đổ vốn đầu tư vào cà phê. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NutiFood, cũng thừa nhận: “Đầu tư nông nghiệp là đầu tư lâu dài, phải kiên trì nên NutiFood lường trước những khó khăn trước mắt”.

Khi đầu tư vào Công ty Phước An, NutiFood còn muốn đầu tư rộng hơn cho tỉnh Đắk Lắk bởi Công ty có tầm nhìn về việc cho ra đời những sản phẩm phê sạch, hữu cơ. Từ nguồn nguyên liệu sạch đó, với thế mạnh về nghiên cứu và phát triển, công nghiệp chế biến thực phẩm và năng lực của các nhà máy, NutiFood sẽ tiến tới đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu cà phê thành phẩm chất lượng cao.

Dịch chuyển trong chuỗi giá trị

Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nói chung và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, nhưng giá trị mang về chưa tương xứng với tiềm năng. Để duy trì tăng trưởng và giá trị xuất khẩu, rõ ràng, ngành cà phê phải chuyển sang chế biến thay vì xuất khẩu thô như hiện nay.

nutifood va giac mo ngan ti nang gia ca phe viet

Theo đuổi chiến lược này đòi hỏi phải đầu tư xây dựng nhà máy bài bản, cần vốn lớn, khó tìm thị trường tiêu thụ và tốn công sức xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn, cấu thành của sản phẩm cà phê Việt hiện đang bán tại cửa hàng Starbucks gồm cà phê đã chế biến sâu và nguyên liệu là hạt cà phê Arabica. Cà phê Arabica đòi hỏi quy trình chế biến ướt để đảm bảo chất lượng của hạt cà phê, quan trọng hơn, để xuất khẩu được loại cà phê này, phải có sản lượng lớn, nguồn cung ổn định.

Vì vậy, thời gian qua, do xuất khẩu cà phê nhân chỉ cần đầu tư ít, vốn quay vòng nhanh và dễ bán sản phẩm, nên nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung xuất khẩu cà phê nhân xô. Bài toán liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mà vai trò nòng cốt là doanh nghiệp, sẽ là đáp án cho những câu hỏi này.

Như đã nói ở trên, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, trong đó đứng đầu về cà phê Robusta, nhưng lại rất khó tìm được một thương hiệu cà phê Việt Nam được thế giới biết đến. Theo thống kê sơ bộ, mặc dù là thủ phủ cà phê nhưng Đắk Lắk chỉ có 2 công ty chế biến cà phê tinh, 15 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê còn lại chọn con đường xuất khẩu cà phê nhân xô.

Ngoài ra, mặc dù đầu tư vào rang xay, chế biến cà phê đem lại lợi nhuận lớn, nhưng doanh nghiệp không đầu tư theo hướng này vì sẽ phải cạnh tranh với những công ty lớn trong và ngoài nước. Thực tế, thị trường cà phê Việt Nam đã khá chật chội với Trung Nguyên, Vinacafé, Nestlé và hàng chục thương hiệu cà phê lớn nhỏ khác, cạnh tranh rất khốc liệt. Do đó, NutiFood có thể thấy trước khó khăn là điều dễ hiểu dù đã đầu tư khá lớn.

Không có nhiều thông tin về Công ty Phước An trên thị trường, nhưng theo đại diện công ty này, Phước An hiện có kim ngạch xuất khẩu trung bình hằng năm 12-15 triệu USD. Với 1.400ha diện tích cà phê đạt chứng nhận UTZ, Phước An đang là một trong những công ty dẫn đầu thị trường thế giới về cà phê truy xuất nguồn gốc. Chắc chắn NutiFood sẽ tận dụng lợi thế này để phát triển thương hiệu và thị trường xuất khẩu.

Đức Tài