Nhà đầu tư cần biết: 'Bí kíp' loại bỏ cảm xúc khi giao dịch và qui tắc đầu tư thành công

Theo William O'Neil, cách tốt nhất để hạn chế giao dịch theo cảm tính là thiết lập nên các qui tắc giao dịch từ việc nghiên cứu thị trường trong quá khứ, không phải từ cảm xúc hay định kiến cá nhân.

Giao dịch theo cảm tính - sai lầm của đa số nhà đầu tư

Jesse Livermore, nhà đầu nổi tiếng từng kiếm được cũng như thua lỗ hàng triệu USD từ chứng khoán cho rằng, trên thị trường chỉ có hai loại cảm xúc là hy vọng và lo sợ, vấn đề là nhà đầu tư thường hy vọng khi nên lo sợ trong khi lại lo sợ khi nên hy vọng.

Việc không kiểm soát được cảm xúc khiến họ gặp khó khăn trong những quyết định, hệ quả là những khoản thua lỗ triền miên.

Đồng quan điểm, phù thủy phố Wall William O'Neil cũng đề cập đến sự ảnh hưởng của cảm xúc tới quá trình đầu tư qua cuốn sách "24 bài học sống còn để đầu tư thành công".

Theo William O'Neil, trên thị trường chứng khoán hay bất cứ lĩnh vực nào khác, nhà đầu tư thường có thiên hướng hành động theo cảm xúc cá nhân vì bản tính con người luôn gắn liền với thị trường. Những cảm xúc như cái tôi, lòng kiêu hãnh, sự cả tin, lo sợ và tham lam vẫn tồn tại từ trước cho đến nay.

WillimJOneil

William J. O'Neil - Ông chủ của tờ báo Investor's Business Daily danh tiếng

Tuy nhiên, thị trường không hề biết bạn là ai, không quan tâm bạn đang nghĩ gì, nói cách khác thị trường luôn đúng. Nếu một ai đó cố gắng chống lại thị trường dựa vào những cảm xúc hay quan điểm cá nhân, sớm hay muộn cũng sẽ phải gánh chịu những thua lỗ nặng nề.

Trên thực tế, số đông nhà đầu tư thường rất giỏi trong việc gồng lỗ, nhưng lại tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi cổ phiếu tăng giá. Nếu cổ phiếu ở xu hướng giảm, họ thường hi vọng giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại thay vì lo sợ sẽ mất nhiều tiền hơn. Lúc này, họ tìm kiếm mọi lí do để biện minh cho việc cổ phiếu giảm giá và chấp nhận gồng lỗ, thậm chí mua thêm trung bình giá cho đến khi quá muộn.

Ngược lại, khi cổ phiếu vừa mới tăng giá, họ lại lo sợ sẽ mất lợi nhuận nên vội vàng bán ra chốt lời quá sớm, để rồi sau đó cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh và phải đứng nhìn trong sự tiếc nuối.

Làm thế nào để hạn chế giao dịch theo cảm tính?

Theo kinh nghiệm của William O'Neil, cách tốt nhất để hạn chế giao dịch theo cảm tính là thiết lập nên các qui tắc giao dịch dựa trên việc nghiên cứu thị trường trong quá khứ, không phải từ cảm xúc hay định kiến cá nhân. Càng hiểu sâu về diễn biến thị trường trong quá khứ, nhà đầu tư sẽ càng dễ dàng nhận ra những cơ hội trong tương lai.

Thay vì nghe theo giả định của các "chuyên gia" diễn đàn, những lời khuyên không có cơ sở hay những tin đồn (đa số là sai), nhà đầu tư nên nghiên cứu đặc điểm của những cổ phiếu đã thành công trong quá khứ và tìm ra nguyên nhân tại sao chúng lại tăng.

Việc phân tích những cổ phiếu này giúp nhà đầu tư một cái nhìn tổng quát, giúp phát hiện được xu hướng thị trường, tạo cơ hội tìm kiếm những cổ phiếu hàng đầu trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ qui tắc giao dịch cũng quan trọng không kém, thậm chí khó khăn hơn rất nhiều lần. Để thực hiện được điều này đòi hỏi sự nghiêm túc, kiên trì và nỗ lực lớn của nhà đầu tư.

Thay đổi nhận thức trong việc đánh giá cổ phiếu

Một bộ phận lớn nhà đầu tư vẫn cho rằng các cổ phiếu có giá càng thấp thì càng rẻ và hấp dẫn. Do đó, họ sẵn sàng đổ tiền vào các cổ phiếu có giá "trà đá" và chờ đợi nó tăng bằng lần. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng trên thực tế nhóm cổ phiếu này thường được coi là những xác chết lâm sàng, tỉ lệ có thể hồi sinh là rất nhỏ.

Trong đó, một số mã có những con sóng đầu cơ rồi sớm vụt tắt, trong khi hầu hết những mã còn lại tiếp tục bào mòn tài khoản nhà đầu tư, thậm chí nhiều mã dẫn tới huỷ niêm yết.

Đặc biệt, khả năng làm giá tại những cổ phiếu này cũng nhiều hơn do vốn hoá thị trường nhỏ dễ bị thao túng.

Đơn cử, cổ phiếu DPS liên tục lao dốc kể từ mức quanh 20.000 đồng/cp cuối năm 2015, rơi về mức giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/cp. Với việc giá cổ phiếu chỉ ngang với cốc trà đá, cộng với những nhịp sóng đầu cơ vào giữa năm 2017 đã kích thích lòng tham khiến nhiều nhà đầu tư lao vào bắt đáy.

dps

Cổ phiếu DPS liên tục giảm giá trong thời gian dài, hiện chỉ có giá 500 đồng/cp.

Tuy nhiên, giai đoạn sau đó cổ phiếu này vẫn tiếp tục giao dịch lình xình, bào mòn tài khoản nhà đầu tư về tới mức giá hiện tại chỉ 500 đồng/cp. Thậm chí, cổ phiếu này còn bị làm giá gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Mới đây, UBCKNN xử phạt ông Nguyễn Quang Khải về hành vi mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu DPS. Kết quả này dựa vào việc giám sát, kiểm tra của UBCKNN và xác minh của cơ quan công an.

Theo thông tin từ UBCKNN đưa ra, ông Khải đã sử dụng 26 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Phát triển Sóc Sơn (Mã: DPS). Theo đó, ông Khải bị xử phạt hành chính 550 triệu đồng.

Ngoài DPS, nhiều trường hợp khác như CDO, VAT, MPT, MTM cũng gây ra thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư.

Từ trường hợp trên có thể thấy, việc không kiểm soát được cảm xúc, lòng tham đã khiến nhà đầu tư chịu những khoản thua lỗ nặng nề. Do vậy, để thành công trên thị trường, nhà đầu tư cần tuân thủ các qui tắc giao dịch, không để cảm xúc chi phối, luôn luôn phân tích các giao dịch trên thị trường chứng khoán và học hỏi từ những thành công và thất bại của chính mình.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nha-dau-tu-can-biet-bi-kip-loai-bo-cam-xuc-khi-giao-dich-va-qui-tac-dau-tu-thanh-cong-2019072717154489.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/