Nguyễn Thành Trung và Do Kwon: Cùng gặp rắc rối nhưng người được CEO Binance bơm tiền hỗ trợ, người lại trở thành 'kẻ bị ghét nhất Hàn Quốc'

Cách xử lý khi gặp khủng hoảng của Nguyễn Thành Trung và Do Kwon hoàn toàn trái ngược nhau, điều này dẫn đến việc hai dự án của họ đã rẽ sang một hướng mới sau khi gặp rắc rối.

Từ đầu năm 2022, thị trường tiền ảo đã đối mặt với nhiều biến cố lớn, qua đó khiến giá trị vốn hóa thị trường “bốc hơi” cả trăm tỷ USD, nhà đầu tư dần mất niềm tin vào các dự án tiền số. Giữa những cơn sóng dữ, có những vụ việc nổi bật hơn so với các biến cố khác, có thể kể đến như vụ Axie Infinity bị hack hay gần đây nhất là sự sụp đổ của đồng Terra.

Axie Infinity

Cuối tháng 3, tờ Bloomberg đưa tin các hacker đã trộm khoảng 600 triệu USD từ mạng blockchain kết nối với trò chơi ăn khách Axie Infinite. Đây là một trong những vụ tấn công tiền mã hoá lớn nhất tới thời điểm hiện tại.

Các máy tính (các điểm kết nối - node) do Sky Mavis, công ty sở hữu Axie Infinite, vận hành và Axie DAO) hỗ trợ các “cầu nối” (bridge) cho phép người dùng chuyển đổi từ token này sang token khác để sử dụng được trên các mạng khác đã bị tấn công.

Hacker đã tấn công vào Ronin Bridge với giá trị khoảng 173.600 Ether và 25,5 triệu giá trị token USDC bằng hai giao dịch. Vụ tấn công được thực hiện vào hôm 23/3 song mãi đến hôm 29/3 mới được phát hiện, theo Ronin, mạng blockchain vận hành Axie Infinity.

Vụ tấn công này cho thấy các “cầu nối” (bridge) có rất nhiều vấn đề. Các đoạn mã lập trình máy tính thường không được kiểm toán và từ đó dễ dàng cho phép hacker tấn công tận dụng các điểm yếu. Cơ chế vận hành của bridge cũng khôgn rõ ràng. Tính tới cuối tháng 3, có hàng nghìn bridge đang hoạt động và chúng thường hỗ trợ dòng chảy hàng trăm triệu USD giá trị tài sản mã hoá.

 Nguyễn Thành Trung, CEO Sky Mavis. (Ảnh: Dân Trí).

Sau vụ việc trên, trong chuỗi sự kiện Scale-up Forum do Endeavor Vietnam tổ chức vào nửa cuối tháng 4, Co-Founder, CEO Sky Mavis, Nguyễn Thành Trung đã xuất hiện trước công chúng sau sự cố Axie Infintity bị hacker chiếm đoạt số tiền ảo trị giá hơn 620 triệu USD.

Theo chia sẻ của Trung, khi chuẩn bị lên một chuyến bay sắp cất cánh, CEO Sky Mavis đã bất ngờ nhận hung tin. “Lúc đó rất nhiều cảm xúc hỗn loạn chạy trong đầu, tôi vừa muốn theo dõi diễn biến, cập nhật tin tức để xử lý vụ việc nhưng lại không thể làm gì", Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

"Tôi buồn bực, tức giận vì sao kẻ trộm lại tham lam thế. Đây không chỉ là câu chuyện của công ty mà còn là của biết bao nhiêu người. Hơn 600 triệu USD bị đánh cắp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, cuộc đời của rất nhiều người chơi, người đầu tư vào game. Nhiều người có thể từ đây mà có những suy nghĩ hoặc hành động tiêu cực", CEO Sky Mavis nói thêm.

Dù vậy, cách xử lý khủng hoảng của đội ngũ Axie Infinity lại được các chuyên gia đánh giá cao, đặc biệt là ông Changpeng Zhao, CEO sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance. CEO Binance cho biết ông Nguyễn Thành Trung cùng đội ngũ Axie Infinity đã chịu trách nhiệm giải trình, có kế hoạch và chủ động liên lạc với Binance để giải quyết vấn đề. Do đó, Binance đã giúp đỡ Axie Infinity để cả hai có thể vượt qua thời điểm đó.

Đó có thể là nguyên nhân giúp Axie Infinity nhận vốn khủng từ Binance để đề bù cho người chơi sau sự cố bị trộm tiền. Cụ thể, đầu tháng 4, tờ Asia Nikkei cho biết Sky Mavis đã kêu gọi thành công 150 triệu USD trong một vòng gọi vốn do sàn giao dịch Binance dẫn dắt.

Số tiền mới kêu gọi được sẽ được dùng để đền bù cho người dùng chịu ảnh hưởng bới vụ tấn công. “Vòng đầu tư mới, cùng với quỹ của Sky Mavis và Axie Infinity, sẽ đảm bảo tất cả người dùng có thể rút và nộp tài sản thoải mái”, Sky Mavis chia sẻ trong một thông cáo báo chí.

Bên cạnh việc gọi vốn, Sky Mavis cũng khẳng định sẽ hợp tác sâu với Binance trong các dự án khác. “Chúng tôi tin rằng Sky Mavis sẽ mang đến nhiều giá trị và tăng trưởng cho toàn ngành và chúng tôi tin rằng viẹc hỗ trợ họ trong việc xử lý vụ việc gần đây là cần thiết”, ông Changpeng Zhao, CEO Binance, chia sẻ.

Luna và UST

Cũng rơi vào một vụ việc gây ảnh hưởng lớn tới thị trường tiền điện tử, song CEO Do Kwon, người đứng sau hai đồng tiền số Terra (Luna) và TerraUSD (UST) lại có những cách xử lý truyền thông không được đánh giá cao.

Trước khi sụp đổ, Luna từng lọt top những đồng tiền số có giá trị vốn hóa cao nhất thị trường. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng đồng tiền kỹ thuật số này “quá lớn để có thể sụp đổ”.

Tuy nhiên, khi giá trị đồng tiền “chị em” với Luna là UST lao dốc, trượt xuống mốc dưới 1 USD, đội ngũ đứng đằng sau dư án tiền ổn định giá này là Terraform Labs đã cố gắng đưa ra những hành động cụ thể, chẳng hạn như “đốt” đồng stablecoin này.

Dù vậy, khi tác dụng của việc này chưa thấy đâu thì hệ lụy đã xảy ra. Giá trị của đồng tiền kỹ thuật số Luna đồng tiền được coi là “chị em” với UST cũng lao dốc bởi càng nhiều UST đốt thì số lượng Luna được sinh ra càng tăng. Có thời điểm giá trị đồng Luna đạt mức đỉnh gần 120 USD, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, giá trị đồng tiền này cũng tuột khỏi mốc 1 USD.

"Một lượng Luna mới đã được tạo ra theo cấp số nhân do những sai sót trong thiết kế giao thức Terra", CEO Binance cho biết. Chỉ sau hơn một ngày, hàng chục tỷ đồng Luna được đúc, khiến giá giảm hàng nghìn lần.

Chính điều này đã khiến Binance phải tạm đóng giao dịch Luna và UST trong một thời gian ngắn, trước khi cho phép giao dịch trở lại với hai đồng tiền kỹ thuật số này kèm theo lời cảnh báo với các nhà đầu tư.

Do Kwon, người đứng sau hai đồng Luna và UST. (Ảnh: Coindesk).

Ông Changpeng Zhao cũng phải lên tiếng bày tỏ sự thất vọng với cách xử lý tình huống của Terraform Labs và CEO Do Kwon. Ông tiết lộ rằng nhóm Terraform Labs hầu như không phản hồi yêu cầu từ phía Binance để giúp sàn giao dịch tiền điện tử này không phục mạng lưới của họ.

“Chúng tôi đã yêu cầu phía Terraform Labs khôi phục mạng lưới, “đốt” các đồng Luna được đúc thêm và khôi phục mốc 1 USD của UST. Cho đến thời điểm ngày 14/5, chúng tôi chưa nhận bất kỳ phản hồi nào từ họ”, ông Changpeng Zhao chia sẻ trên trang Twitter cá nhân. Thậm chí, ông không ngần ngại chia sẻ rằng phản ứng của Terraform Labs hoàn toàn trái ngược với Axie Infinity dù cả hai đều rơi vào những tình huống khó khăn.

Trước khi Luna và UST sụp đổ, Do Kwon từng được ca tụng vì hứa sẽ trả lãi 20% cho các nhà đầu tư, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã trở thành “một trong những kẻ bị ghét nhất Hàn Quốc”, đối mặt với nhiều cáo buộc và điều tra. Thậm chí, nhà riêng của anh còn bị một số kẻ lạ mặt đến bấm chuông và hỏi thăm.

 

Ngoài ra, ngay cả những người từng ủng hộ đặc biệt với Do Kwon và Luna, trong đó có CEO quỹ đầu tư Galaxy Digital, tỷ phú Michael Novogratz (người từng xăm hình Luna trên cánh tay) cũng phải cay đắng thừa nhận sự thât bại của dự án.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguyen-thanh-trung-va-do-kwon-cung-gap-rac-roi-nhung-nguoi-duoc-ceo-binance-bom-tien-ho-tro-nguoi-lai-tro-thanh-ke-bi-ghet-nhat-han-quoc--2022526115231923.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/