Nguy cơ nếu Mỹ và Trung Quốc không sớm đạt thỏa thuận

Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại kéo dài với việc đôi bên gia tăng áp thuế vào hàng hoá nhập khẩu của nhau, làm dấy lên lo ngại nó sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu.

Nguy cơ nếu Mỹ và Trung Quốc không sớm đạt thỏa thuận - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EFE-EPA/TTXVN

Sau khi vòng đàm phán thứ 11 thất bại, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng Trung Quốc nên tìm cách đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ ngay bây giờ, nếu không họ sẽ có một thỏa thuận tồi tệ hơn nhiều khi đàm phán trong trường hợp ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Tổng thống Trump cảnh báo rằng chắc chắn ông sẽ thắng cử và lúc đó để đạt được một thỏa thuận với Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt nhiều hơn. Như vậy, theo Tổng thống Mỹ, “khôn ngoan” hơn hết với Trung Quốc là nên nhân nhượng ngay từ bây giờ.

Tuy nhiên, phản ứng của phía Trung Quốc cũng cứng rắn không kém. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh “sẽ không bao giờ đầu hàng trước áp lực”.

Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày giữa các phái đoàn thương mại của Bắc Kinh và Washington kết thúc hôm 10/5 mà không đạt thỏa thuận. Nhà đàm phán cấp cao của Trung Quốc cho biết hai bên sẽ sớm gặp lại nhau tại Bắc Kinh, song không nêu rõ thời gian cụ thể, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ không nhượng bộ Mỹ về “những quy tắc quan trọng”.

Trong thông báo trên trang cá nhân Twitter ngày 11/5, Tổng thống Trump viết: “Tôi cho rằng Trung Quốc cảm thấy họ đang phải chịu một vố đau trong cuộc đàm phán gần đây và họ có thể chờ đợi đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo vào năm 2020 để xem liệu họ có được may mắn nếu đảng Dân chủ chiến thắng.

Trong trường hợp đó, họ sẽ tiếp tục tước đoạt của Mỹ 500 tỷ USD mỗi năm. Nhưng họ không biết rằng nếu tôi chiến thắng, thì họ sẽ có một thỏa thuận thương mại tồi tệ hơn nếu đàm phán trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi. Vì thế họ nên hành động ngay bây giờ nếu không muốn bị áp thuế nặng nề hơn”.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, các công ty có thể tránh được chi phí phát sinh bằng cách sản xuất hàng hoá tại Mỹ: “Để tránh thuế quan ư? Bạn chỉ cần chế tạo hoặc sản xuất sản phẩm tại Mỹ. Đây là cách đơn giản”.

Ông Trump cáo buộc Bắc Kinh đã từ bỏ các cam kết trong cuộc đàm phán thương mại, đồng thời áp dụng biện pháp trừng phạt mới khi nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định này có hiệu lực ngày 10/5.

Trên trang Twitter, Tổng thống Trump viết: “Hãy nhớ, họ đã phá vỡ thỏa thuận với chúng ta và đã cố gắng đàm phán lại. Chúng ta sẽ có hàng chục tỷ USD thuế quan từ Trung Quốc. Người mua các sản phẩm có thể tự sản xuất tại Mỹ  hoặc mua sản phẩm từ các quốc gia không phải chịu thuế quan”.

Ông cho biết thêm Mỹ sẽ sử dụng một phần nhỏ trong tổng số tiền từ việc áp thuế quan đối với Trung Quốc và phân phát thức ăn cho những người dân đang đói khát ở các quốc gia trên toàn thế giới.

Hãng tin AFP dẫn thông báo của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cho biết: “Tổng thống cũng đã lệnh cho chúng tôi bắt đầu quá trình tăng thuế đối với hầu hết số hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Số hàng này ước có tổng giá trị khoảng 300 tỷ USD”.

Hầu hết các phân tích gia đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu chiến tranh thương mại kéo dài. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ, theo ước đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong khi đó, Mỹ đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, thị trường lao động lành mạnh và Phố Wall ít lo sợ hơn. Những yếu tố này đã giúp cho chính quyền Trump có lập trường mạnh bạo hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác tin rằng lập trường của chính quyền Trump có lẽ không mạnh mẽ như tựa đề các bài báo thể hiện. “Cho đến nay, các công ty Mỹ đã hấp thụ phần lớn chi phí của thuế quan, nhất là đối với những hàng hóa đã bị đánh thuế ở mức chỉ 10%” - ông Andrew Coflan, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc ở Eurasia Group, nói với Al Jazeera.

“Tuy nhiên, 25% sẽ khó khăn hơn rất nhiều để xoay sở nếu tính đến mức lời trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Coflan nói thêm. “Những chi phí này sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng. Điều này sẽ dẫn đến vừa lạm phát vừa mất việc làm".

Trên thực tế, một trong các nạn nhân đầu tiên của việc chính quyền Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc là các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ, buộc phải gánh chịu mức giá tăng. Giới trung lưu Mỹ cũng có nguy cơ phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng tiêu thụ thông thường.

Theo tổ chức Trade Partnership, việc tăng thuế nhập khẩu đối với hơn 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25% sẽ khiến một gia đình Mỹ bốn người thiệt hại trung bình khoảng 767 USD/năm. Sau vòng đàm phán thất bại, Washington và Bắc Kinh đều tuyên bố sẽ nối lại thương lượng.

Tuy nhiên, hiện chưa biết đến khi nào các cuộc đàm phán được Tổng thống Mỹ đánh giá là “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng” sẽ tiếp tục.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguy-co-neu-my-va-trung-quoc-khong-som-dat-thoa-thuan-20190519074905625.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/