Ngành vận tải giữa dịch Covid 19: Kịch bản nào cũng 'mất mát'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thống kê, đánh giá các số liệu thiệt hại của 5 phương thức vận tải để có báo cáo tổng hợp lên Chính phủ và đề xuất giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ngành vận tải giữa dịch Covid 19: Kịch bản nào cũng 'mất mát' - Ảnh 1.

Sát khuẩn phương tiện vận tải - Ảnh minh họa

Hàng không “điêu đứng”

Báo cáo tại cuộc họp sáng 27/2, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ cuối tháng 1/2020, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến ngày 26/2, các hãng hàng không Việt Nam đã cắt toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, cắt giảm 34% số chuyến bay đến Đài Loan, 92% số chuyến bay đến Hong Kong.

Các chuyến bay đến Nhật Bản dù chưa cắt giảm, vẫn giữ 160 chuyến/tuần, nhưng các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới. Riêng đối với Hàn Quốc, các hãng Việt Nam cắt giảm 41% chuyến bay.

Đánh giá về các kịch bản có thể xảy ra, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so cùng kỳ).

Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so 2019 (79,1 triệu khách).

Ngoài ra, theo ông Thắng, việc dừng khai thác đến Trung Quốc của các hãng hàng không giữa hai nước cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), CTCP Đầu tư phát triển Vân Đồn và Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).

“Với việc dừng khai thác hơn 640 chuyến bay/tuần thường lệ và không thường lệ của các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của ACV, VDA và VATM đều sụt giảm so với kế hoạch”, ông Thắng khẳng định.

Để hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, Cục Hàng không cũng đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.

Cục Hàng không cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; xem xét nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam…

Ngành vận tải giữa dịch Covid 19: Kịch bản nào cũng 'mất mát' - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT kiểm tra công tác chống dịch ở sân bay Nội Bài. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Tính đúng thiệt hại, đưa ra giải pháp căn cơ

Không chỉ có ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, mà cả 4 lĩnh vực: hàng hải, đường thuỷ nội địa, đường bộ, đường sắt cũng đang đối mặt với tình trạng bị ảnh hưởng nặng nề.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, về hàng hải, sản lượng vận tải hàng hoá giảm 30% so với tháng 1/2020 và giảm 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách giảm tương ứng 17,8% và 3,4%. Các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung đầu vào (nguyên vật liệu) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Sản lượng vận tải hàng hoá đường bộ trong tháng 1 cũng giảm 6,4%, sản lượng hành khách giảm 16,3% so với tháng 01/2020 và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Về đường sắt, sản lượng hành khách giảm 45% so với tháng 1/2020 và giảm 47,4 % so với cùng kỳ năm 2019.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan, trực tiếp là Vụ Vận tải tập trung thống kê, đánh giá các số liệu thiệt hại của 5 phương thức vận tải để có báo cáo tổng hợp lên Chính phủ và đề xuất giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp.

“Diễn biến dịch bệnh liên tục thay đổi do đó số liệu thiệt hại cũng phải được cập nhật hằng ngày, hằng tuần. Tuyệt đối không đưa ra những số liệu chung chung, thổi phồng gây hoang mang cho dư luận. Các đồng chí cần đánh giá chính xác tác động của dịch bệnh đến ngành để đưa ra những kịch bản dự báo, đề xuất hợp lý, phù hợp quy định pháp luật”, Bộ trưởng yêu cầu.

Nhận định tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành phải có đầy đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn trên phương tiện vận tải để chuẩn bị cho hành khách cũng như bảo vệ chính lái xe.

Mặt khác, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành giao thông đoàn kết để vượt qua khó khăn chung, đảm bảo vận chuyển hàng hoá lưu thông bình thường, đáp ứng cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nganh-van-tai-giua-dich-covid-19-kich-ban-nao-cung-mat-mat-20200229111828544.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/