Ngành công nghiệp chip Trung Quốc đối mặt với 'cơn đau đầu mới'

Trong bối cảnh các thị trường như điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng đang lao dốc, nhu cầu sử dụng các loại chip cấp thấp ở Trung Quốc cũng đang giảm dần.

Theo South China Morning Post, tình trạng dư cung chất bán dẫn cấp thấp trong bối cảnh nhu cầu giảm đến từ các lĩnh vực hạ nguồn như điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng đang trở nên tồi tệ hơn trên thị trường chip lớn nhất thế giới.

Đối với các nhà cung cấp tại SEG Electronics Market ở Thượng Hải, một trung tâm tìm nguồn cung ứng linh kiện bán dẫn ở Đồng bằng sông Dương Tử, vấn đề đau đầu hiện nay không phải do các hạn chế thương mại mà Mỹ đưa ra đối với việc Trung Quốc tiếp cận các loại chip tiên tiến mà là nhu cầu suy yếu đối với các vi mạch tích hợp (IC) từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng.

Khu chợ vắng bóng khách hàng. (Ảnh: SCMP).

Trong một chuyến thăm tới khu chợ gần đây của các phóng viên, nhiều người đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh vắng lặng một cách kỳ lạ tại khu chợ này. Người mua thưa thớt trong khi nhiều chủ cửa hàng còn không có mặt tại các gian hàng. Chen Jiaxin, một nhà phân phối chip cho biết giá chip dùng trong điện tử tiêu dùng đã giảm trong hai tháng qua. “Về cơ bản, tất cả công ty điện tử tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tôi không thấy nhu cầu tăng trở lại, ngay cả sau khi giảm giá”, ông Chen chia sẻ.

Ngành công nghiệp sản xuất ở Đồng bằng sông Dương Tử đã bị ảnh hưởng nặng nề vào tháng 4 và tháng 5, thời điểm thành phố Thượng Hải và một số khu vực lân cận phải phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19, qua đó khiến nhu cầu đối với đầu vào của các ngành công nghiệp ngày càng giảm sâu.

Hàng hóa chất đống tại khu chợ. (Ảnh: SCMP).

Theo số liệu mới nhất của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc thuộc Bộ Công nghiệp Trung Quốc, sản lượng điện thoại thông minh từ các thương hiệu nội địa của Trung Quốc giảm 25% trong nửa đầu năm 2022. Trong khi đó, theo Cục Thống kê Trung Quốc, sản lượng IC ở nước này trong 7 tháng đầu năm đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Một thương gia nói rằng giá một số linh kiện bán dẫn cho hàng điện tử tiêu dùng đã giảm tới 80% so với mức đỉnh gần đây khi nhu cầu cạn kiệt. “Nhiều khách hàng của chúng tôi đã phải đóng cửa trong hai hoặc ba tháng và tiếp tục bị đình trệ sản xuất một lần nữa trong thời gian phong tỏa”, người này cho biết.

Người này nói thêm rằng các nhà cung cấp chip hàng hóa thường bán một khối lượng lớn với tỷ suất lợi nhuận thấp và họ không thể kiếm được tiền khi số lượng đơn đặt hàng giảm xuống.

Một người bán khác trên thị trường có tên Yao cho biết giá một số sản phẩm, đặc biệt là chip nói chung, đang hạ nhiệt. “Hầu hết sản phẩm tôi bán đều được nhập khẩu từ Mỹ và Đài Loan. Có một số sản phẩm nội địa nhưng rất khó tìm được sản phẩm thay thế trong nhiều trường hợp”, ông nói. Ông cũng chia sẻ thêm rằng không nhận thấy tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do kể cả khi căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Tình trạng đang trở nên tồi tệ, nhưng vẫn có một số điểm sáng

Tình trạng dư cung ngày càng trở nên tồi tệ khi các nhà sản xuất chip lớn tìm cách mở rộng năng lực sản xuất để giải quyết tình trạng thiếu chip toàn cầu bắt đầu từ năm 2020. Intel, Qualcomm và SK Hynix đều đã công bố kế hoạch tăng cường đầu tư vào các cơ sở sản xuất chip trong năm nay.

Sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc đã được mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây, một phần là nhờ sự hỗ trợ của nhà nước. Sản lượng vi mạch sản xuất của Trung Quốc vào năm 2021 gần như tăng gấp đôi so với năm 2019, theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc.

Liu Xingliang, một chuyên gia của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cho biết: “Hầu hết sản phẩm vi mạch Trung Quốc đã giảm giá hơn 20% trong hai tháng qua. Một số thậm chí đã giảm giá hơn 80%,”, Liu nói.

Tuy nhiên, một số chip vẫn có nhu cầu cao. Theo các thương gia, chip ô tô, đã tăng giá từ vài trăm nhân dân tệ lên tới 3.500 nhân dân tệ vào cuối năm 2021, vẫn thiếu nguồn cung. Ví dụ, STL9369, một loại vi mạch ô tô được sản xuất bởi nhà sản xuất chip STMicroelectronics đã bị thiếu hụt nguồn cung từ cuối năm 2021.

Wu Qi, Giám đốc điều hành tại Wuxi Digital Economy Research Institute, cho biết điều kiện thắt chặt trên thị trường chip ô tô phản ánh sự “không phù hợp giữa cung và cầu” trong ngành công nghiệp của Trung Quốc trong vài năm qua do nước này chưa có công nghệ chủ chốt để sản xuất.

“Về phía nhu cầu, mức tiêu thụ ô tô đã bắt đầu phục hồi, đặc biệt là khi các phương tiện năng lượng mới nhận được sự hỗ trợ từ chính sách của các quốc gia khác nhau, dẫn đến nhu cầu chip tăng lên”, Wu nói. Ví dụ, sản lượng xe năng lượng mới của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng 117,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, thị trường chip ô tô vẫn bị chi phối bởi các nhà cung cấp lớn nước ngoài bao gồm NXP Semiconductors có trụ sở tại Hà Lan, công ty Renesas Electronics Corp của Nhật Bản và Mobileye, một công ty con của Intel Corp.

Giá chip ô tô đang thay đổi hàng ngày, vì nhiều đại lý đang tích trữ chip nhập khẩu và cố gắng thổi phồng giá trị thị trường sau khi nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất ô tô, bao gồm Tesla.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nganh-cong-nghiep-chip-trung-quoc-doi-mat-voi-con-dau-dau-moi-202282415848712.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/