Ngành công nghệ toát mồ hôi hột vì giá đất hiếm nhảy múa, đến iPhone 13 cũng có thể chịu ảnh hưởng

Các hãng linh kiện điện tử lẫn những ông lớn công nghệ như Apple, Samsung, Amazon đang toát mồ hôi hột khi giá đất hiếm và một số kim loại quan trọng khác như đồng, nhôm tăng đột biến vì nhu cầu nhảy vọt và căng thẳng âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giá đất hiếm tăng đột biến

Theo Nikkei Asia, các nhà sản xuất phần cứng điện tử đang đứng ngồi không yên khi giá đất hiếm tăng nóng.

Đối với ông Max Hsiao, quản lý cấp cao của một công ty sản xuất linh kiện âm thanh có trụ sở tại thành phố Đông Hoản (Trung Quốc), nút thắt cổ chai đang xuất hiện ở một hợp kim từ tính có tên praseodymium neodymium.

Kể từ tháng 6 năm ngoái, giá của hợp kim trên đã tăng gấp đôi lên khoảng 760.000 nhân dân tệ (tương đương 117.300 USD)/tấn vào tháng 8 năm nay. Công ty của ông Hsiao dùng praseodymium neodymium để lắp ráp loa cho Amazon và hãng máy tính xách tay Lenovo.

Chia sẻ với Nikkei, ông Hsiao nói: "Giá của vật liệu từ tính praseodymium neodymium tăng khủng khiếp, biên lợi nhuận gộp của chúng tôi đã giảm ít nhất 20 điểm %. Thiệt hại là vô cùng lớn và tôi tin giá đất hiếm chưa thể đảo chiều trong nay mai".

Dữ liệu từ hãng tư vấn Shanghai Metals Market cho thấy, giá của neodymium oxit - một nguyên liệu đầu vào quan trọng cho động cơ và tuabin gió, đã tăng 21,1% kể từ đầu năm nay. Còn holmium, một loại đất hiếm dùng để chế tạo nam châm và hợp kim từ tính trong các thiết bị cảm biến và thiết bị truyền động, nhảy vọt gần 50%.

Ngành công nghệ toát mồ hôi hột vì giá đất hiếm nhảy múa, đến iPhone 13 cũng có thể chịu ảnh hưởng - Ảnh 1.

Ở diễn biến khác, giá của các kim loại phổ biến hơn như thiếc, đồng, nhôm và thép cũng leo thang từ cuối năm ngoái. Trung Quốc cũng lại có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thị trường này.

Dựa trên số liệu mua hàng của công ty, ông Hsiao cho biết giá thiếc hiện đã tăng gần hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Vấn đề của nhà quản lý Hsiao đang là chướng ngại chung cho nhiều nhà sản xuất phần cứng khác trên toàn cầu. Nhu cầu đất hiếm và kim loại công nghiệp như đồng, nhôm,.. liên tục nhảy mua vì chúng được sử dụng ngày càng nhiều trong những công nghệ tiên tiến như xe điện.

Hơn nữa, nền kinh tế thế giới đang dần vực dậy từ đại dịch COVID-19, khiến nhu cầu của các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng,…cũng phục hồi theo. Doanh nghiệp rất cần nguồn cung hàng hóa để phục vụ sản xuất.

Căng thẳng âm ỉ giữa hai siêu cường

Địa chính trị càng làm khó khăn của các nhà máy phần cứng thêm tồi tệ hơn, Nikkei nhấn mạnh.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất có chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn chỉnh từ khâu khai thác, tinh chế đến chế biến. Theo hãng tư vấn Roskill, tính đến năm ngoái, Trung Quốc đã kiểm soát khoảng 55% công suất khai thác đất hiếm và 85% sản lượng đất hiếm tinh chế trên toàn cầu.

Hồi tháng 1 năm nay, Bắc Kinh từng hàm ý rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động xuất khẩu đất hiếm. Giá của các vật liệu thô này do đó cũng tăng cao hơn.

Ngành công nghệ toát mồ hôi hột vì giá đất hiếm nhảy múa, đến iPhone 13 cũng có thể chịu ảnh hưởng - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: VCG).

Trước đây, Washington từng cáo buộc Bắc Kinh sử dụng quyền kiểm soát đất hiếm để giành lợi thế trên mặt trận chính trị. Đơn cử, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong giai đoạn 2010 - 2011 do tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Trong một báo cáo hồi tháng 6, Nhà Trắng viết: "Chính sách thất thường của hải quan Trung Quốc đã khiến giá đất hiếm tăng theo cấp số nhân".

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh hai siêu cường Mỹ - Trung đang bị khóa chặt trong một cuộc chiến giành ưu thế về công nghệ, thế kiểm soát của Bắc Kinh đối với nguồn cung đất hiếm và các kim loại khác có thể giúp nước này đẩy lùi sức ép từ phía Washington.

Chuyên gia Angela Chang của Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp nhận định: "Trung Quốc đang thống trị hoạt động sản xuất và tinh chế các loại đất hiếm quan trọng cũng như các kim loại trọng yếu khác. Đây là những vật liệu không chỉ cần để sản xuất các thiết bị dân dụng mà còn là thiết bị quân sự và hàng không vũ trụ".

"Lợi thế đó trở thành một con bài mặc cả quan trọng để Bắc Kinh đàm phán với Washington. Căng thẳng giữa hai bên sẽ chỉ đẩy giá các nguyên liệu chủ chốt leo thang hơn nữa trong dài hạn", bà Chang cảnh báo.

Những ai chịu thiệt hại?

Theo Nikkei, những đối tượng đầu tiên cảm nhận được tác động của việc đất hiếm tăng giá có thể chính là các nhà sản xuất linh kiện vừa và nhỏ. Họ không có khả năng sang tay chi phí cho đối tác - những ông lớn công nghệ toàn cầu như HP, Dell, Apple, Samsung hay các hãng ô tô.

Giám đốc của một nhà cung ứng phụ tùng cơ khí bày tỏ: "Giá đồng, nhôm, thiếc và nickel đều tăng rất nhanh, chúng tôi không thể đẩy phí tổn sang cho khách hàng. Tất cả đều được phản ánh trong doanh thu của công ty".

Nikkei cho biết, hãng phụ tùng trên tiêu thụ một lượng lớn đồng, nhôm và thiếc để sản xuất các bộ phận cơ khí cho thiết bị giảm nhiệt trong điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy chủ,…

Ngay cả khi không có yếu tố chính trị, sự ra đời của ngày càng nhiều sản phẩm và công nghệ mới như phương tiện thông minh và 5G cũng có thể khiến giá đất hiếm và một số vật liệu thô khác tăng nóng.

Nhà phân tích Hou Jinchen của Shanghai Metals Market nhấn mạnh: "Thị trường đất hiếm sẽ có biến động, nhưng nhìn chung giá của các nguyên liệu quan trọng này vẫn sẽ cao hơn và trở thành một điều bình thường mới trong tương lai".

Chủ tịch Steve Lin của Auras Technology - nhà cung ứng giải pháp nhiệt hàng đầu cho Apple, Dell, Facebook và Amazon, cho biết giá các nguyên liệu thô như đồng đã đẩy biên lợi nhuận của công ty tụt xuống còn 18% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn mức trung bình 20%.

"Chúng tôi đang cố gắng đàm phán với khách hàng, một số đã đồng ý cùng chúng tôi hấp thụ một phần chi phí vật liệu thô. Auras Technology hy vọng biên lợi nhuận có thể phục hồi về 20% trong nửa cuối năm nay", ông Lin chia sẻ.

Tương tự, Synergy ScienTech, một nhà sản xuất pin có trụ sở tại thành phố Tân Trúc và là đối tác của Apple, Logitech và Sennheiser, cũng bày tỏ sự quan ngại. Công ty này sử dụng cobalt và lithium để chế tạo pin.

Sau các nhà cung ứng linh kiện, những ông lớn như Apple, Google, Amazon,…cũng sẽ chịu tác động. Ngay cả những thiết bị đời mới như iPhone 13 cũng có thể không nằm ngoài vòng xoáy chung.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nganh-cong-nghe-toat-mo-hoi-hot-vi-gia-dat-hiem-nhay-mua-den-iphone-13-cung-co-the-chiu-anh-huong-20210915005151584.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/