Ngành bán lẻ Hong Kong (Trung Quốc) gặp khó khăn nghiêm trọng do dịch bệnh

Làn sóng dịch bệnh thứ 5 đang lây lan khắp nơi với tốc độ chóng mặt buộc chính quyền Hong Kong phải ban hành lệnh thắt chặt hạn chế tụ tập.

Theo Hiệp hội bán lẻ Hong Kong, hiện nay mặc dù không bị bắt buộc ngừng kinh doanh, nhưng nhiều nhà bán lẻ đã ở trong trạng thái chẳng khác gì đóng cửa, đồng thời kêu gọi chính quyền và các bên liên quan có biện pháp hỗ trợ cần thiết, bao gồm việc giảm tiền thuê mặt bằng kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội quản lý bán lẻ Hong Kong Annie Yau Tse cho biết, trong giai đoạn đầu bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ năm, Hiệp hội dự đoán doanh thu bán lẻ nữa đầu năm nay của Hong Kong sẽ duy trì ổn định so với cùng kỳ, tuy nhiên hiện nay do dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, nên dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng âm kỷ lục.

Khi đề cập đến vấn đề liệu làn sóng dịch bệnh mới có dẫn đến tình trạng sa thải nhân viên và đóng cửa hàng loạt hay không, Annie Yau Tse nhấn mạnh hiện nay phần lớn các nhà bán lẻ vẫn đang “cắn răng chịu đựng”, cùng chia sẽ khó khăn với người lao động, duy trì việc làm và lương tối thiểu, nhưng tình hình hình có thể kéo dài bao lâu phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ như thế nào của giới chủ.

Ngành bán lẻ Hong Kong (Trung Quốc) gặp khó khăn nghiêm trọng do dịch bệnh - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang để phòng COVID-19 tại một chợ ở Hong Kong (Ảnh: TTXVN)

Từ ngày 14-16/2/2022, Hiệp hội đã tiến hành khảo sát 22 công ty, liên quan đến 3.900 cửa hàng với 74.000 lao động tuyển dụng. Kết quả cho thấy, so với một tuần trước khi thực hiện các biện pháp giản cách xã hội mới, doanh thu của các nhà bán lẻ ghi nhận mức sụt giảm hai con số, trong đó 70% công ty có hoạt động kinh doanh giảm 20%, đặc biệt một số giảm mạnh lên đến 60%.

Khoảng 30% công ty được khảo sát nhận định, hoạt động kinh doanh sẽ sụt giảm 20-60% trong thời gian từ 17-23/02, đồng thời cho rằng tỷ lệ này sẽ tiếp tục mở rộng sau khi thực hiện “thẻ thông hành vaccine” vào ngày 24/02. 

Khoảng 70% công ty được khảo sát cho rằng, các biện pháp có thể khiến cho lưu lượng người mua sắm và doanh thu của các cửa hàng ở trung tâm thương mại giảm một nữa hoặc nhiều hơn, 80% công ty dự đoán lưu lượng người mua sắm và doanh thu của các cửa hàng đường phố cũng sẽ sụt giảm, nhưng thấp hơn so với các trung tâm thương mại. 

Giám đốc điều hành của chuỗi siêu thị ParknShop Nhậm Lương An cho biết, theo hướng dẫn của chính quyền đối với các nhà bán lẻ, nhiều tình huống và trách nhiệm vẫn chưa rõ ràng, do đó các thương nhân sẽ thương thảo với chính quyền để phối hợp thực hiện.

So với năm 2020, hoạt động bán lẻ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua khá ảm đạm, 80% doanh nghiệp được khảo sát ghi nhận doanh thu sụt giảm, trong đó 40% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giảm 40%. Nếu so với năm 2018, có đến 90% doanh nghiệp được khảo sát ghi nhận doanh thu giảm 80%.

Về phương diện giảm tiền thuê cửa hàng, 70% công ty nhấn mạnh vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chủ mặt bằng, 50% công ty cho biết thái độ của chủ mặt bằng cứng rắn. Theo Annie Yau Tse, mặc dù có việc giảm giá thuê mặt bằng từ 10-40%, nhưng chỉ là thiểu số, ngành bán lẻ đang rơi vào trạng thái tồi tệ nhất từ trước đến nay trong làn sóng dịch bệnh thứ năm.

Mặc dù có dấu hiệu phục hồi vào năm ngoài, nhưng nếu Hong Kong không thông quan, không có khách du lịch tiếp sức, thì ngành bán lẻ Hong Kong không thể nói về sự phục hồi. Trong bối cảnh như vậy, sự hỗ trợ của chính quyền và giới chủ là hết sức cần thiết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nganh-ban-le-hong-kong-trung-quoc-gap-kho-khan-nghiem-trong-do-dich-benh-20220220092836522.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/