Ngân hàng Nhật Bản 'hãm phanh' mở rộng thị phần tại châu Á

Các ngân hàng Nhật Bản đang siết lại việc thúc đẩy đầu tư vào các thị trường châu Á khác trong bối cảnh dấu hiệu suy thoái kinh tế trên toàn khu vực.

ngan hang nhat ban ham phanh mo rong thi phan tai chau a
Máy ATM của Ngân hàng Ayudhya, Thái Lan, nơi MUFG là cổ đông lớn. Nguồn: Reuters.

Ngân hàng Nhật Bản MUFG đang cắt giảm đầu tư vào thị trường châu Á?

Tính đến tháng 12/2018, số dư của các khoản vay ở nước ngoài của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG), ngân hàng lớn nhất quốc gia, đứng ở mức 43,9 nghìn tỉ yen, giảm 2,7% so với 45,1 nghìn tỉ yen một năm trước đó.

Tuy nhiên, lãi biên ròng được cải thiện từ 1,23% lên 1,35% từ mảng hoạt động ở nước ngoài này cho thấy sự tập trung nhiều hơn vào chất lượng so với số lượng khi cho vay của MUFG. Lãi biên ròng ở đây được hiểu là chênh lệch giữa lãi suất trung bình của các khoản vay và chi phí vốn.

"MUFG rõ ràng đang chuẩn bị cho một sự suy thoái có thể xảy ra trong chu kỳ kinh tế", Shinichiro Nakamura, nhà phân tích ngân hàng tại SMBC Nikko Securities nói. "Dường như họ tin rằng đây không phải là thời gian để mở rộng tài sản hoặc cho vay."

Khoảng 40% tổng dư nợ (1 nghìn tỉ USD) của MUFG đã được cho vay ra ở nước ngoài. Trong đó, một phần ba là ở châu Á.

ngan hang nhat ban ham phanh mo rong thi phan tai chau a
Số liệu cho vay ở nước ngoài của các ngân hàng

Trong 9 tháng tính đến tháng 12, lợi nhuận hoạt động cốt lõi của MUFG đã giảm 12%, mặc dù chi phí tín dụng giảm và đóng góp lớn hơn từ chi nhánh Morgan Stanley của ngân hàng đã làm tăng 10% lợi nhuận ròng.

Sumitomo Mitsui Financial Group cho vay ra 82 tỉ USD tại thị trường châu Á

Tại Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG), tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai tại Nhật, các khoản vay ở nước ngoài đã tăng từ 232 tỉ USD lên 242 tỉ USD. Trong đó, các khoản vay tại châu Á vẫn giữ ở mức 82 tỉ USD khi ngân hàng chuyển trọng tâm sang thị trường Mỹ đang bùng nổ.

Trong 9 tháng, chi phí tín dụng của SMFG đã tăng từ 52 tỉ yen một năm trước đó lên 53 tỉ yen. Điều đó dẫn đến lỗ ở các khoản cho vay nước ngoài.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã kéo theo hệ quả tăng trưởng kinh tế chậm chạp tại khu vực châu Á là một thách thức lớn tại thị trường này. Các ngân hàng Nhật Bản phải nhìn vào những yếu tố khác để bù đắp nhu cầu cho vay "chậm chạp" và chênh lệch lãi suất không khả quan.

Mizuho mạo hiểm

Mặc dù cảnh giác với xu hướng giảm của thị trường châu Á, nhưng Mizuho, tập đoàn ngân hàng lớn thứ ba của Nhật Bản, đã chọn mạo hiểm khi các đối thủ của nó kìm hãm.

Mizuho đã tăng số dư của khoản vay ở nước ngoài lên 259,3 tỉ USD vào cuối tháng 12, tăng 19% so với một năm trước đó. Trong đó, thị trường Châu Á chiếm khoảng một nửa mức tăng trưởng.

Tổ chức này dường như đang hi sinh một phần lợi nhuận của mình để tìm kiếm thị phần vì lãi suất cho các khoản vay ở nước ngoài của họ thu hẹp từ khoảng 0,9% xuống còn khoảng 0,8%.

Mizuho đã bắt tay vào chiến dịch "Global 300" của mình, nhằm tăng lượng giao dịch với 300 công ty hàng đầu ở nước ngoài. Thông qua chiến dịch này, ngân hàng này đang chào mời các dịch vụ ngân hàng thương mại tại các nền kinh tế như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Thái Lan.

ngan hang nhat ban ham phanh mo rong thi phan tai chau a
Xu hướng giảm của lợi nhuận thuần tại các ngân hàng

Việc giảm thị phần tại châu Á chỉ là tạm thời?

Sumitomo Mitsui cho biết việc giảm dần tăng trưởng cho vay ở châu Á là tạm thời. "Mục tiêu của chúng tôi vẫn giữ nguyên: trở thành một ngân hàng trung tâm châu Á", đại diện của SMFG cho biết.

Kaori Nishizawa, nhà phân tích ngân hàng tại Fitch Ratins cho biết: "Chúng tôi hi vọng các ngân hàng lớn sẽ tiếp tục tìm kiếm tăng trưởng ở nước ngoài vì tăng trưởng ở thị trường Nhật Bản rất yếu - với thanh khoản doanh nghiệp dồi dào và cơ hội đầu tư hạn chế". "Chúng tôi thấy rằng sự tăng trưởng sẽ chủ yếu ở các thị trường mới nổi ở châu Á, Mỹ và Châu Âu, nơi họ đã bắt đầu các hoạt động."

Gần đây, các ngân hàng Nhật Bản đã tích cực xây dựng sự hiện diện của họ ở châu Á.

Cụ thể, năm 2013, MUFG đã tiếp quản Ngân hàng Ayudhya tại Thái Lan. Năm 2016, nó đã mua lại 20% Security Bank của Philippines. Năm ngoái, nó đã tăng gấp đôi cổ phần của mình tại Ngân hàng Danamonto của Indonesia lên 40%.

Trong khi đó, SMFG nắm sở hữu Ngân hàng Tabungan Pensiunan Nasional, một ngân hàng hạng trung ở Indonesia và Mizuho đã hợp tác với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan.

Các thị trường tương đối nhỏ của Đông Nam Á được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển hơn Nhật Bản, nơi dân số đang suy giảm và nhu cầu vay vốn yếu. Chính sách đưa lãi suất trái phiếu chính phủ của BoJ về 0 cũng đã tước đi cơ hội kiếm tiền từ các ngân hàng đầu tư vào kênh đầu tư này.

Do nhu cầu yếu, MUFG, SMFG và Mizuho chỉ sử dụng khoảng 60% tiền gửi của họ cho các khoản vay. Phần còn lại đi vào các chứng khoán, trái phiếu chính phủ nước ngoài với lợi suất cao hơn.

ngan hang nhat ban ham phanh mo rong thi phan tai chau a
Lợi nhuận biên của các ngân hàng giảm dần.

Nhưng ngay cả trong đầu tư chứng khoán, các ngân hàng Nhật Bản đã cảm thấy khó khăn kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất ngắn hạn. Điều này làm tăng chi phí vay USD, khiến các khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ ít sinh lãi hơn.

Cùng với đó, sự hỗn loạn trong thị trường trái phiếu đã làm tổn thương các tổ chức có hoạt động thị trường lớn như Mizuho và Nomura Holdings.

Đặc biệt, Nomura lỗ ròng 101 tỉ yen trong 9 tháng (tính đến tháng 12). Tổ chức này dự kiến ​​sẽ công bố các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" bao gồm cắt giảm 60 tỉ yen chi phí cố định trong 4 năm tới.

Cắt giảm chi phí đã trở thành một khẩu hiệu dài hạn tại các ngân hàng. Mizuho cho biết vào năm 2017 rằng họ sẽ loại bỏ 19.000 vị trí và 100 chi nhánh trong 10 năm sau đó.

SMFG cũng dự kiến cắt giảm hoạt động ngân hàng bán lẻ của mình. Trong khoảng thời gian 2017 - 2019, ngân hàng này đã dự kiến cắt giảm 50 tỉ yen chi phí và bỏ 4.000 vị trí. Còn MUFG sẽ tự động hóa 30% hoạt động của mình vào năm 2024. Họ hi vọng phần mềm và trí tuệ nhân tạo sẽ thực hiện các thủ tục giấy tờ đòi hỏi phải có 9.500 nhân viên để xử lí.

"Tất cả các ngân hàng Nhật Bản đều nhận ra tầm quan trọng của công nghệ, bao gồm tự động hóa và tăng cường khả năng trực tuyến để giúp cải thiện hoạt động mạng lưới chi nhánh của họ", Nishizawa của Fitch nói.

Một đại diện của Mizuho cho biết sẽ mất nhiều năm, có thể là một thập kỉ, trước khi tự động hóa và hợp nhất chi nhánh bắt đầu tạo ra một khoản chi phí hoạt động trị giá 1 nghìn tỉ yen.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ngan-hang-nhat-ban-ham-phanh-mo-rong-thi-phan-tai-chau-a-121595.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/