Ngân hàng nếm trái đắng với các khoản nợ của doanh nghiệp bất động sản

Nhiều khoản nợ liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản được ngân hàng rao bán trong những tháng cuối năm, có những khoản đã đại hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không giao dịch được.

'Ông lớn' ngân hàng siết nợ tháng cuối năm: Từ doanh nghiệp bất động sản cho tới xăng dầu

Thời điểm cuối năm, các ngân hàng đồng loạt rao bán các khoản nợ có vấn đề liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) liên tiếp rao bán các khoản nợ với tổng trị giá hàng trăm tỷ của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm.

Cụ thể, Agribank thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá 312,4 tỷ đồng của Tập đoàn Xuân Lãm với mức giá khởi điểm đúng bằng giá trị khoản nợ. Khoản nợ này phát sinh theo hai hợp đồng tín dụng giữa công ty này và Agribank Mỹ Đình từ năm 2013.

Mục đích vay vốn của Tập đoàn Xuân Lãm thời điểm đó nhằm đầu tư xây dựng công trình nhà máy gạch, trạm trộn bê tông thương phẩm, bãi đúc cấu kiện bê tông và ép cọc thủy lực (giai đoạn 1) tại thị xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh và mua nguyên vật liệu.

VietinBank cũng cho biết sẽ xử lý khoản nợ hơn 60,1 tỷ đồng của Tập đoàn Xuân Lãm (tính đến ngày 30/11). Trong đó, dư nợ gốc là 20,3 tỷ; dư nợ lãi là 39,7 tỷ đồng, bao gồm 26,7 tỷ đồng lãi cộng dồn và 13 tỷ đồng lãi phạt cộng dồn. Giá rao bán khởi điểm đối với khoản nợ trên là hơn 47,9 tỷ đồng.

Khoản nợ có tài sản đảm bảo (TSĐB) là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với 3 lô đất với tổng diện tích 3.655 m2 tại tỉnh Quảng Ninh do công ty này sở hữu.

Theo tìm hiểu của người viết, Tập đoàn Xuân Lãm hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Quảng Ninh. Theo Báo Quảng Ninh, Công ty Xuân Lãm từng được giao làm chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư, dịch vụ thương mại và các dự án khu đô thị

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, công ty không đủ năng lực tài chính nên việc đầu tư thực hiện dự án kéo dài và đã dừng triển khai. Sự việc này đã khiến khách hàng tham gia dự án vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi không thể giao dịch hay chuyển nhượng vì chưa có “sổ đỏ”.

VietinBank mới đây cũng thông báo xử lý một loạt TSĐB của Công ty TNHH Mỹ Hưng thuộc sở hữu của "đại gia xăng dầu" Trịnh Sướng (Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty) và bà Trương Bích Đào để thu hồi nợ.

TSĐB bao gồm quyền sử dụng đất có diện tích hơn 3.993,2 m2 (trong đó có 3.230,7 m2 đất ở đô thị; 762,5 m2 đất trồng cây lâu năm) tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Giá rao bán khởi điểm của lô đất này là 40 tỷ đồng.

Ngoài còn có 5 lô đất với tổng diện tích hơn 4.020 m2 và tài sản gắn liền gồm cửa hàng xăng dầu, nhà bán hàng, trụ bơm, bồn chứa, và các công trình phụ khác tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Giá khởi điểm là 20 tỷ đồng.

Ngân hàng nếm trái đắng với các khoản nợ của doanh nghiệp bất động sản - Ảnh 1.

Quảng Ninh yêu cầu Công ty TNHH Quan Minh dừng giao dịch dự án Ocean Park Vân Đồn. (Ảnh: Thanh niên).

Ngân hàng Quân đội (MB) mới đây cũng phải xử lý thu hồi khoản nợ của Công ty TNHH Quan Minh (Quảng Ninh), doanh nghiệp này là chủ đầu tư Dự án Khu dân cư đô thị Ocean Park Vân Đồn và nhiều dự án bất động sản khác tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Tài sản được đưa ra xử lý là tổng phần vốn góp trị giá 250 tỷ đồng tại Công ty Quan Minh, trong đó bao gồm 225 tỷ đồng, tương đương 90% vốn điều lệ công ty của ông Hoàng Văn Cường và 25 tỷ đồng, tương đương 10% vốn của ông Hoàng Bá Dũng.

Dự án Ocean Park Vân Đồn nằm trên khu đất rộng 41,8 ha, riêng đầu tư hạ tầng lên tới 391 tỷ đồng; được phê duyệt từ đầu năm 2011 nhưng hiện nay bị chậm tiến độ.

Tại Sacombank, ngân hàng cũng đang phải xoay sở với loạt khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến các công ty BĐS. Có thể kể đến như khoản nợ 2.402 tỷ đồng của Công ty Bất động sản Quang Vinh; khoản nợ 1.217 tỷ của Công ty CP Tư vấn Đầu tư Bất động sản Minh Dương hay khoản nợ 596 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát,...

Rao bán nhiều lần, đại hạ giá vẫn ế ẩm

"Ông lớn" BIDV đã phải rao bán 7 lần đối với khoản nợ gần 500 tỷ của Công ty TNHH XD và KD Nhà Bách Giang và Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên  được đảm bảo bởi dự án KDC tại TP Thủ Đức.

Tại lần rao bán gần đây nhất, giá khởi điểm của khoản nợ là gần 253 tỷ đồng, giảm 50% so với giá trị khoản nợ tính đến 30/9 là 497,7 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo khoản nợ là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đầu tư trên đất thuộc Dự án KDC khu phố 4, Phường Phước Long A, Quận 9 (nay là TP Thủ Đức). Theo tìm hiểu, từ năm 2004, UBND TP HCM đã có quyết định giao dự án tại quận 9 cho Công ty Bách Giang. Tuy nhiên, tính đến năm 2018, dự án kéo dài đã 14 năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa làm xong cơ sở hạ tầng.

Trước đó, BIDV cũng phát ra thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Tập Đoàn Khải Vy  lần thứ 9 với giá khởi điểm trong lần đấu giá này là 602 tỷ đồng, giảm 433 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên (1.035 tỷ đồng).

Ngân hàng nếm trái đắng với các khoản nợ của doanh nghiệp bất động sản - Ảnh 2.

Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại đường Nguyễn Lương Bằng là một trong 9 tài sản đảm bảo của khoản nợ đang được BIDV rao bán. (Ảnh: VTC).

Không chỉ khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ từ các công ty lĩnh vực BĐS, BIDV cũng không may mắn trong việc xử lý nhiều khoản nợ trong các mảng khác. Ngân hàng từng hạ giá 50% khoản nợ xấu gần 2.540 tỷ đồng của một 'đại gia' khoáng sản Công ty TNHH Ngọc Linh nhưng vẫn không thực hiện được.

BIDV hiện là ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến cuối quý III với 21.433 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của BIDV chiếm tới 65% tổng số nợ xấu với 13.880 tỷ đồng.

Ngân hàng nếm trái đắng với các khoản nợ của doanh nghiệp bất động sản - Ảnh 3.

Cơ cấu nợ xấu của BIDV. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý III BIDV).

Chia sẻ tại hội thảo về xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách cho biết việc thu hồi nợ nội bảng  qua các biện pháp thu nợ dưới hình thức phát mại xử lý tài sản 9 tháng đạt thấp hơn thời gian trước do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bên cạnh đó theo ông Phương, các TCTD gặp khó khăn trong việc nhận gán nợ tài sản bảo đảm là BĐS xử lý tài sản bảo đảm là BĐS,... vướng mắc khi áp dụng Nghị quyết 42 về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm.

Do đó, nhiều chuyên gia và đại diện từ ngân hàng cùng đề xuất việc kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 hoặc xây dựng luật xử lý nợ xấu mới trên cơ sở kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ngan-hang-nem-trai-dang-voi-cac-khoan-no-cua-doanh-nghiep-bat-dong-san-20211220103301556.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/