Nga đang thắng cuộc chiến thông tin ở nhiều mặt trận

Truyền thông phương Tây từng tuyên bố Ukraine đã thắng chiến tranh thông tin với Nga, nhưng dường như những thành công này chỉ gói gọn ở Mỹ và châu Âu khi Moscow đang chiến thắng tại những mặt trận khác.

Nhiều mặt trận

Theo tạp chí TIME, dù có tới 141 thành viên Liên Hợp Quốc bỏ phiếu lên án hành động quân sự của Nga nhưng không có bất cứ quốc gia nào ở châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ tham gia vào các lệnh trừng phạt.

Đầu tháng 5, Tổng thống Joe Biden tổ chức một cuộc hội thảo với 8 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gây sức ép yêu cầu những quốc gia này chỉ trích Nga. Câu trả lời mà Tổng thống Mỹ nhận được chỉ là sự im lặng.

Khi Liên bang Nga công bố danh sách chính thức về các quốc gia “không thân thiện”, không có một nước nào từ châu Phi, châu Á hoặc Nam Mỹ lọt vào danh sách. Đồng thời cả Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới, đều đã khá vui vẻ với Moscow.

Mặc dù đang thua cuộc chiến thông tin tại châu Âu và Mỹ, Nga đã có được thành công ở những khu vực khác. Theo Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) thuộc The Economist, 2/3 dân số thế giới sống tại những quốc gia trung lập hoặc ủng hộ Nga trong cuộc xung đột. 

Những nước không liên kết như Brazil, Nam Phi, Arab Saudi, UAE mặc dù đã bỏ phiếu chống tại Liên Hợp Quốc nhưng từ chối chỉ trích hành động quân sự của Nga.

Một trong những lý do khiến các nước trên thế giới có cái nhìn khác nhau về cuộc xung đột Ukraine là do sự chia cắt về mạng internet của thế giới. Mặc dù là công cụ giúp kết nối mọi người, môi trường internet không hoàn toàn tự do. Cả phương Tây lẫn phần còn lại của thế giới đều có những mức độ kiểm duyệt internet khác nhau.

Những nước lên án Nga chủ yếu thuộc nền văn minh phương Tây.

Tại những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và phần còn lại của thế giới, người dân đa phần tiếp cận thông tin về cuộc xung đột tại Ukraine thông qua các kênh truyền thông nhà nước. Hai hashtag phổ biến nhất tại Ấn Độ là #IStandWithPutin và #IStandWithRussia.

Ngược lại, tại Mỹ và châu Âu, người dân thấy thông điệp ủng hộ Ukraine qua những mạng xã hội như Twitter, Facebook hay kênh thông tin như CNN, BBC… 

Thông điệp

Trong những tuần đầu của cuộc xung đột, truyền thông phương Tây từng nhiều lần tuyên bố Ukraine đã chiến thắng trong cuộc chiến thông tin với Nga.

Khắp các mạng xã hội như Twitter, Instagram hay Facebook lan truyền bài phát biểu vào mỗi tối của Tổng thống Zelensky; hình ảnh xe tăng Nga bị phá hủy; những lời tố cáo cuộc chiến của Nga. 

Ngược lại, những nỗ lực truyền thông của Nga trông có vẻ vụng về và chậm chạp. Thông tin được cập nhật chậm, hình ảnh mờ nhạt, kém sắc nét và thường chỉ thông qua những kênh truyền thống như TASS, RT, Sputnik và các đài truyền hình. 

Hình ảnh "người lịch sự" được lan truyền rộng rãi trên truyền thông Nga vào năm 2014. (Ảnh: TASS).

Moscow kết hợp giữa chiến tranh thông tin và vũ trang. Khi sáp nhập bán đảo Crimea, Nga đã xây dựng hình ảnh “những người lịch sự” hay như cách Ukraine gọi là “những người nhỏ xanh”.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến, Tổng thống Putin cho biết “những người lịch sự” che mặt, trang bị thiện chiến, cư xử hòa nhã và góp phần giải quyết êm thấm việc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga cuối tháng 2/2014.

Vào năm 2014, nội dung trên mạng xã hội chủ yếu ở dạng ký tự còn ngày nay là thời đại của video phát trực tiếp. Trước đây, Ukraine hoàn toàn bị động trước chiến dịch truyền thông của Nga. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu đã hỗ trợ và đào tạo về truyền thông mạng xã hội cho Ukraine.

Hiện tại, Ukraine truyền thông điệp bằng người ảnh hưởng trên mạng xã hội, tạo lập nhiều kênh Telegram để cập nhật liên tục thông tin chiến trường. Kiev thậm chí còn có một đội quân hacker tấn công mạng vào các mục tiêu của Nga.

Đối tượng khác nhau

Mặc dù thông điệp của Nga có vẻ vụng về và cổ lỗ, đối tượng mà Moscow hướng đến không phải là phương Tây. Tổng thống Putin có nhiều khán giả, quan trọng nhất chính là người dân Nga. Theo tổ chức Miburo, 85% người dân Nga có được thông tin từ các cơ quan truyền thông nhà nước.

Các kênh truyền thông của Nga tố cáo chủ nghĩa Phát xít tại Ukraine, khẳng định Ukraine không phải là một quốc gia thật sự, lo ngại Ukraine đang tiến hành diệt chủng người dân Nga, ca ngợi sự chuyên nghiệp và hào phóng của quân đội Moscow.

Người lính thuộc Trung đoàn Azov bị Nga tố cáo theo chủ nghĩa Phát xít. (Ảnh: Getty Images).

Theo Trung tâm Levada, một đơn vị khảo sát độc lập, hơn một nửa người dân Nga coi NATO và Mỹ là nguyên nhân của cuộc xung đột, chỉ có khoảng 7% đổ lỗi cho Điện Kremlin.

Nga cũng tạo ra những tổ chức và chương trình “kiểm tra sự thật” tương tự như phương Tây. Kênh truyền hình lớn nhất của Nga, Channel One đã tạo ra một chương trình có tên gọi “AntiFake”, nhằm phản bác lại những gì mà Moscow cho là sai sự thật.

Hàng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đều đăng những video ngắn nhằm vạch trần những tuyên bố của phương Tây về cuộc xung đột tại Ukraine. Phía Nga còn lập ra một kênh Telegram có tên gọi “War on Fakes” với mục tiêu vạch trần “cuộc chiến thông tin chống lại Nga”.

Ẩn số Telegram

75% người dùng Telegram là để cập nhật thông tin.

Ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram đã trở thành một trong những chiến trường thông tin quan trọng nhất với xung đột Ukraine. Những kênh tin tức về chiến trường được cả hai phe sử dụng.

Tổng thống Zelensky có một kênh Telegram dùng để nói chuyện trực tiếp với người dân nước Nga. Trong khi đó, Moscow đã tạo ra hàng chục những kênh khác nhau, từ của các lãnh đạo cao cấp cho tới cập nhật tin tức.

Một trong những lý do khiến cuộc chiến thông tin ngày nay trở nên thầm lặng hơn là bởi "chiến trường" là những nền tảng mã hóa, bảo mật chứ không truyền phát thông tin rộng rãi như Twitter hay Facebook. 

Mặt khác, những nền tảng phương Tây như Facebook, YouTube, Twitter hay Google đã từ bỏ sự trung lập để chọn phe. YouTube chặn toàn bộ những kênh truyền thông nhà nước Nga, xóa hàng nghìn kênh và hàng chục nghìn video.

Facebook hạn chế truy cập những trang thông tin như Russia Today (RT)Sputnik tại khu vực EU. Netflix ngừng dịch vụ tại Nga. Đáp lại, tòa án Nga đã tuyên bố Facebook là một tổ chức cực đoan.

Sai lầm chiến thuật

Mặc dù trên TikTok hay Twitter, Tổng thống Zelensky có thể được ví như anh hùng của nền dân chủ Ukraine, thì tại quê nhà ông đã có những hành động không được dân chủ.

Vào tháng 3, Tổng thống Zelensky đã cấm 11 đảng phái chính trị và chấm dứt phát sóng truyền hình độc lập tại Ukraine. Động thái này không được đưa tin nhiều ở châu Âu, nhưng lại được bàn luận sôi nổi tại Nga và Trung Quốc.

Cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã giễu cợt trên Telegram: “Tổng thống dân chủ nhất của Ukraine đã tiến thêm một bước đến ý tưởng về dân chủ của phương Tây… Ông đã cấm hoàn toàn hoạt động của tất cả đảng đối lập tại Ukraine”.

Với những khán giả toàn cầu, Mỹ và EU đã mắc phải một sai lầm chiến thuật trong việc mô tả xung đột như cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga hay giữa dân chủ và chuyên chế. Hình ảnh này hiệu quả tại Mỹ và châu Âu, nhưng phản tác với các quốc gia đang phát triển hoặc không liên kết.

Nhiều nước trên thế giới nhận được sự hỗ trợ của Nga trong cuộc chiến giải phóng dân tộc còn Mỹ và châu Âu đã từng là kẻ thù chính. Tại châu Phi, phần lớn của Châu Á và Trung Đông, phương Tây được xem như kẻ thực dân, không cho phép sự dân chủ tại thuộc địa khi thống trị.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nga-dang-thua-trong-cuoc-chien-thong-tin-o-phuong-tay-nhung-thang-voi-phan-con-lai-cua-the-gioi--2022525152633547.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/