Mỹ vượt Trung Quốc thành trung tâm khai thác bitcoin lớn nhất thế giới

Lệnh cấm tiền ảo và bitcoin ở Trung Quốc đã tạo điều kiện để Mỹ vượt lên, trở thành trung tâm khai thác bitcoin lớn nhất trên toàn cầu, theo Financial Times.

Theo Financial Times, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn khai thác bitcoin lớn nhất thế giới chỉ 2 tháng sau khi Bắc Kinh cấm khai thác tiền điện tử trong năm nay, dữ liệu mới đã được tiết lộ. 

Thị phần của Trung Quốc trong hashrate (tỷ lệ băm - sức mạnh tính toán cần thiết để tạo ra bitcoin) toàn cầu đã giảm từ 44% xuống 0 trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2021. 

Cambridge Centre for Alternative Finance công bố kết quả báo cáo này vào ngày 13/10. Chỉ hai năm trước, Trung Quốc vẫn chiếm tới 3/4 tỷ lệ băm toàn cầu.

Trung Quốc cấm khai thác, giao dịch tiền ảo, thợ đào bitcoin đổ về Mỹ

Thị phần của Mỹ trong hashrate toàn cầu đã tăng từ 17% trong tháng 4 lên 35% vào tháng 8, trong khi Kazakhstan tăng 10% lên 18% trong cùng kỳ.

Trung Quốc đã cấm khai thác và kinh doanh bitcoin, tiền ảo từ tháng 5 với lý do lo ngại về môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính. Quyết định này đã thúc đẩy một cuộc di cư của các thợ đào bitcoin để tìm kiếm nguồn năng lượng giá rẻ và các quốc gia thân thiện với tiền điện tử.

Mỹ vượt Trung Quốc thành trung tâm khai thácbitcoin lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Vô số thợ đào bitcoin đều di cư đến Mỹ sau lệnh cấm của Bắc Kinh. (Nguồn: The News Pig).

Ông Sam Tabar, Giám đốc chiến lược tại Bit Digital - một công ty khai thác bitcoin có trụ sở tại New York, cho biết lệnh cấm khai thác bitcoin của Trung Quốc đã dẫn đến “cuộc di cư khai thác lớn”. Công ty đã đình chỉ mọi hoạt động tại Trung Quốc kể từ tháng 10/2020 ngay sau khi có những thông tin sớm nhất về lệnh cấm.

Ông Michel Rauchs, quản lý tài sản kỹ thuật số tại Cambridge Centre for Alternative Finance, lưu ý rằng “ảnh hưởng của cuộc đàn áp tiền ảo ở Trung Quốc tạo nên sự gia tăng phân phối hashrate theo khu vực địa lý trên toàn thế giới”. Chuyên gia tiền điện tử này cũng nói thêm rằng xu hướng hiện tại có thể được coi là “một sự phát triển tích cực cho an ninh mạng và các nguyên tắc phi tập trung của bitcoin”.

Các công ty khai thác bitcoin, tiền ảo bên ngoài Trung Quốc đã hưởng ứng một làn sóng đào tiền kỹ thuật số trong những tháng sau lệnh cấm, khi các đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc vội vã di dời hoạt động của họ.

Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh đã có những động thái khác như gắn mác bất hợp pháp cho tất cả các hoạt động giao dịch, đầu tư tiền điện tử từ tháng 9/2021 và mở rộng lệnh cấm áp dụng cho cả các nhà khai thác nước ngoài.

Trung Quốc đang nghiên cứu và thử nghiệm tiền tệ kỹ thuật số của riêng mình, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Các nhà chức trách nước này hy vọng sẽ thử nghiệm đồng tiền này tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022.

Ông Fred Thiel, Giám đốc điều hành của Marathon Digital Holdings - một công ty khai thác tiền điện tử có trụ sở tại Las Vegas Mỹ, cho biết: “Việc Trung Quốc đóng cửa là điều tuyệt vời đối với ngành công nghiệp tiền ảo và các thợ đào bitcoin tại Mỹ. Như vậy, có ít người cạnh tranh hơn khi số lượng tiền ảo chỉ là hữu hạn”.

Trung bình, có khoảng 900 bitcoin được khai thác mỗi ngày bởi các cỗ máy đào. Tất cả chúng đều đang chạy đua để giải các bài toán tính toán phức tạp mở khóa các đồng tiền kỹ thuật số mới. 

Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, Marathon Digital Holdings đã sản xuất 1.252,4 đồng tiền đúc, nhiều hơn 91% so với quý trước.

Tuy nhiên, Thiel cũng cho biết sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn khi các thợ đào Trung Quốc đến định cư ở các địa điểm mới, đặc biệt là Kazakhstan.

Không chỉ vậy, thực tế là các công ty khai thác bitcoin rải rác cũng đã phải đối mặt với những rào cản trong chốn dừng chân mới của họ. Nguyên nhân là vì họ phải xác định các thách thức liên quan đến môi trường chính sách, quy định có thể thay đổi bất kỳ lúc nào.

Người đồng sáng lập nền tảng khai thác tiền điện tử Xive có trụ sở tại Almaty là ông Didar Bekbauov nói rằng “ngay sau lệnh cấm, Kazakhstan đã nhận được rất nhiều máy đào bitcoin, chủ yếu là từ thợ đào Trung Quốc. Họ đều muốn khởi động lại hoạt động càng sớm càng tốt”.

Nhiều nhà chức trách đã đổ lỗi cho những kẻ săn tiền điện tử lưu vong vì tình trạng thiếu năng lượng gần đây, yêu cầu thợ đào phải nộp thêm các khoản phụ phí cho việc sử dụng điện. Chính phủ Kazakhstan cũng đã thông qua thuế khai thác tiền ảo dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2022.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-vuot-trung-quoc-thanh-trung-tam-khai-thac-bitcoin-lon-nhat-the-gioi-20211013211131971.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/