Mỹ: Tình trạng lạm phát tác động đến chi tiêu của người dân trong dịp 'Lễ Tạ ơn'

Lạm phát cao đang tác động tới chi tiêu của người dân Mỹ trong kỳ mua sắm dịp nghỉ Lễ Tạ ơn (Thanksgiving).

Theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Bộ Lao động Mỹ, giá thực phẩm đã tăng gần 11% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 10/2022, trong khi hàng tạp hóa, không bao gồm các mặt hàng phục vụ trong nhà hàng, đắt hơn 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng chủ lực trong dịp Lễ Tạ ơn tại Mỹ thậm chí còn đắt hơn do những điều chỉnh về giá cả trong dây truyền sản xuất sản phẩm nông sản giữa người nông dân và nhà chế biến thực phẩm.

Theo Bộ Lao động Mỹ, giá gia cầm đã tăng gần 15% hàng năm trong tháng 10/2022, một phần do đợt bùng phát dịch cúm gia cầm gần đây. Các món nướng làm sẵn, hỗn hợp nướng và món tráng miệng đông lạnh cũng đắt hơn ít nhất 15% trong tháng trước so với một năm trước.

Theo bà Laura Strange, Phó Chủ tịch cấp cao của Hiệp hội những người bán hàng tạp hóa quốc gia, một nhóm thương mại cho các cửa hàng tạp hóa độc lập, cho rằng người tiêu dùng Mỹ đang phải chịu mức giá cao hơn do nhiều yếu tố.

Bà Strange giải thích rằng tình trạng thiếu lao động, chi phí nhiên liệu và tiền lương cao hơn, và chuỗi cung ứng gặp khó khăn là một trong những áp lực lớn nhất về giá cả. Giá thực phẩm bắt đầu tăng vào năm ngoái khi nhiều hoạt động dần trở lại bình thường với việc các biện pháp kích thích và chủng ngừa COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu dùng.

Giá nhiên liệu cao hơn khiến việc chế biến và vận chuyển thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn, trong khi thị trường lao động mạnh mẽ cũng khiến các doanh nghiệp khó giữ chân công nhân và duy trì sản xuất ổn định hơn.

Ngay khi lạm phát dường như giảm bớt vào đầu năm nay, xung đột ở Ukraine cũng trở thành một nguyên nhân thúc đẩy tình trạng lạm phát tăng trở lại, khi làm đứt gãy các chuyến hàng lúa mì quan trọng, khiến giá cả trên khắp thế giới tăng cao.

Các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng khiến giá dầu, xăng và phân bón tăng mạnh, khiến việc chăn nuôi và chế biến cây trồng, vật nuôi trở nên đắt đỏ hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, chuyên gia Beth Breeding, Phó Chủ tịch cấp cao của Liên đoàn Gà tây quốc gia, một nhóm thương mại dành cho những người chăn nuôi gà tây, cho biết giá thực phẩm trong siêu thị tăng và gà tây cũng bị ảnh hưởng bởi điều đó.

Trong khi đó, giá ngô và đậu tương tăng mạnh - một vấn đề khác do xung đột ở Ukraine gây ra - đã khiến thức ăn cho gà tây trở nên đắt đỏ hơn nhiều, đồng thời giá xăng dầu và năng lượng cao cũng làm tăng chi phí chế biến và vận chuyển.

Đáng chú ý, chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, thức ăn là chi phí lớn nhất trong việc nuôi một con gà, đồng thời khẳng định khi tất cả những yếu tố đầu vào đó đều tăng lên sẽ ảnh hưởng đến chi phí cần thiết để nuôi gà tây.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, giá trung bình của một con gà tây tươi tại cửa hàng tạp hóa vào tuần trước là 2,23 USD/pound (1 pound tương đương 0,45 kg), tăng từ 1,83 USD trong cùng kỳ năm ngoái.

USDA giải thích rằng: “Có nhiều biến thể về giá ở hầu hết các khu vực. Giá gà tây nguyên con trung bình tươi và đông lạnh tăng so với chu kỳ quảng cáo trước đó”. Nhưng giá của một con gà tây đông lạnh trung bình khoảng 1 USD/pound, chỉ cao hơn 7 xu so với cùng kỳ năm 2021.

Giá thực phẩm rất khác nhau tùy theo khu vực và có thể phụ thuộc một phần vào mức độ thiệt hại của một bang nhất định đối với dịch cúm gia cầm, thời tiết khắc nghiệt hoặc các trở ngại nông nghiệp khác.

Chuyên gia Roger Cryan, nhà kinh tế trưởng của Liên đoàn Văn phòng Trang trại Mỹ (AFBF), cho biết một số người mua hàng có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu gà tây “tạm thời, theo khu vực” có thể khiến việc mua một con gà trở nên khó khăn hoặc tốn kém hơn, nhưng nguồn cung tổng thể “phải đủ”.

AFBF ước tính rằng bữa tối Lễ Tạ ơn trung bình sẽ đắt hơn 16% so với năm 2021 — hơn $10 một chút về chi phí bổ sung — lên tổng cộng là 64,05 USD dựa trên dữ liệu giá tháng Mười. Chỉ có quả việt quất tươi là rẻ hơn vào tháng trước so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia Cryan cho rằng lạm phát chung làm giảm sức mua của người tiêu dùng là một yếu tố quan trọng góp phần làm tăng chi phí trung bình cho bữa tối Lễ Tạ Ơn năm nay. Mặc dù vậy, có thể có một số dấu hiệu cứu trợ cho người mua sắm khi họ thực hiện lần mua hàng cuối cùng.

Trong khi giá gia cầm vẫn cao hơn nhiều so với một năm trước vào tháng 10/2022, theo CPI, giá giảm nhẹ trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2022. Tốc độ tăng giá thực phẩm cũng chậm lại một chút trong tháng 10/2022 so với tháng trước, đây có thể là một xu hướng đầy hy vọng cho những người mua thiếu tiền mặt.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-tinh-trang-lam-phat-tac-dong-den-chi-tieu-cua-nguoi-dan-trong-dip-le-ta-on-20221123203652159.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/