Muôn vàn lí do khiến hàng trăm triệu cử tri Mỹ không đi bầu tổng thống

Trong 100 năm trở lại đây, số người trưởng thành Mỹ không đi bỏ phiếu luôn lớn hơn số phiếu mà người thắng cử tổng thống giành được. Tại sao người dân của một quốc gia luôn tự hào về các giá trị dân chủ lại tỏ ra thờ ơ với việc lựa chọn lãnh đạo như vậy?

Trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất năm 2016, nước Mỹ có 245,5 triệu người trong độ tuổi bầu cử. Trong số này có 157,6 triệu người là cử tri đã đăng kí và trong thực tế chỉ có 136,8 triệu phiếu bầu.

Nói cách khác, có gần 109 triệu người dân Mỹ trong độ tuổi bầu cử đã không đi bỏ phiếu. Tỉ lệ số người đi bỏ phiếu trên số người trong độ tuổi bầu cử của Mỹ chỉ là 55,7%, thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia tư bản phát triển.

Số người Mỹ trưởng thành không đi bỏ phiếu năm 2016 lớn hơn cả số người bầu cho ứng viên Donald Trump hoặc Hillary Clinton. Nói cách khác, nếu "Không bỏ phiếu" là một ứng viên tổng thống Mỹ thì người này đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Thậm chí, ứng viên "Không bỏ phiếu" này còn giành chiến thắng trong tất cả 25 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong vòng 100 năm trở lại đây.

Muôn vàn lí do khiến hàng trăm triệu cử tri Mỹ không đi bầu tổng thống - Ảnh 1.

Có nhiều lí do gây ra tình trạng cử tri Mỹ không đi bỏ phiếu.

"Lá phiếu đại cử tri mới có ý nghĩa quyết định, lá phiếu của tôi vô giá trị"

Cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống và phó tổng thống Mỹ. Không phải ai được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn sẽ giành chiến thắng. Số phiếu đại cử tri mới là con số mang ý nghĩa quyết định.

Năm nay, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 3/11, sau đó các đại cử tri bỏ phiếu vào ngày 14/12. Kế đến, Quốc hội kiểm phiếu đại cử tri và chính thức công bố kết quả vào ngày 6/1/2021. Cuối cùng, tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Số lượng đại cử tri của mỗi bang bằng với tổng số nghị sĩ quốc hội của bang đó, tuy nhiên đại cử tri không phải là các nghị sĩ. Chẳng hạn năm nay, bà Hillary Clinton không phải là nghị sĩ quốc hội nhưng bà là một trong 29 đại cử tri của bang New York.

Hiện nay 50 bang của Mỹ có tất cả 100 thượng nghị sĩ (mỗi bang hai người) và 435 hạ nghị sĩ (số lượng cụ thể phụ thuộc vào dân số từng bang). Ngoài ra, thủ đô Washington D.C. không có nghị sĩ đại diện trong quốc hội nhưng cũng có ba phiếu đại cử tri. Như vậy Mỹ có tổng cộng 538 đại cử tri.

Số phiếu đại cử tri của mỗi bang thay đổi dựa theo cuộc khảo sát dân số thực hiện 10 năm một lần, nhưng số tổng trên cả nước luôn là 538.

Để thắng cử tổng thống, một ứng viên cần giành được sự ủng hộ của quá nửa số đại cử tri, tức là tối thiểu 270 phiếu.

Tháng 7/2020, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết cho phép các bang bắt buộc các đại cử tri phải bỏ phiếu bầu tổng thống theo đa số phiếu phổ thông trong bang.

Tuy vậy, cơ chế "được ăn cả, ngã về không" về phiếu đại cử tri ở mỗi bang vẫn có thể dẫn tới kịch bản là một ứng giành ít phiếu phổ thông hơn nhưng vẫn trở thành tổng thống vì chiếm đa số phiếu đại cử tri.

Cụ thể, ứng viên nào giành được nhiều phiếu phổ thông hơn sẽ tự động giành hết 100% số phiếu đại cử tri của bang đó.

Hãy thử xét kịch bản sau: Bang California có khoảng 30 triệu phiếu bầu phổ thông và 55 phiếu đại cử tri, các con số của Texas lần lượt là 20 triệu và 38.

Giả sử trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, ông Trump giành 51% (tương đương 15,3 triệu) phiếu phổ thông tại California và 10% (tương đương 2 triệu) phiếu phổ thông ở Texas. Như vậy ông Trump thắng 55 phiếu đại cử tri của California, 0 ở Texas.

Ngược lại, đối thủ Biden giành 49% (tức là 14,7 triệu) phiếu phổ thông ở California và 90% (tương đương 18 triệu) phiếu phổ thông ở Texas. Tức là, ông Biden thắng 38 phiếu đại cử tri ở Texas, 0 ở California.

Tổng cộng trong hai bang trên, ông Biden có 32,7 triệu phiếu phổ thông (=14,7 + 18), nhiều hơn con số 17,3 triệu của ông Trump. Tuy nhiên ông Trump mới là người giành ghế tổng thống vì có nhiều phiếu đại cử tri hơn (55 > 38).

Muôn vàn lí do khiến hàng trăm triệu cử tri Mỹ không đi bầu tổng thống - Ảnh 2.

California (CA) có 55 phiếu đại cử tri; Texas (TX) 38 phiếu, Florida (FL) và New York (NY) đều có 29 phiếu.

Lưu ý rằng để giành chiến thắng ở một bang, một ứng viên không nhất thiết phải giành quá 50% số phiếu, mà chỉ cần có nhiều phiếu hơn các đối thủ, có khi chỉ cần nhiều hơn một phiếu là đủ.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 tại bang Florida, ứng viên George W. Bush (Bush con) giành được 48,847% số phiếu phổ thông, đối thủ Al Gore giành 48,838% (số tổng không bằng 100% vì ngoài George W. Bush và Al Gore vẫn còn một số ứng viên tổng thống khác).

Chênh lệch giữa hai người là gần 0,009%, tương đương chỉ 537 phiếu tại một bang có hơn 8 triệu người trong độ tuổi bầu cử. Nhưng chênh lệch nhỏ đó là đủ để ông Bush giành được toàn bộ 25 phiếu đại cử tri của Florida và thắng luôn cả cuộc đua tổng thống với tỉ lệ sít sao. Tính tổng cả nước Mỹ, ông Bush cũng kém Al Gore về số phiếu phổ thông.

Đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, lịch sử lặp lại. Ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng về số phiếu đại cử tri trước ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và giành chức tổng thống dù ông Trump thua về số phiếu phổ thông.

"Bỏ phiếu ở bang của tôi không có ý nghĩa"

Hệ thống bầu cử thông qua đại cử tri mỗi bang này khiến nhiều cử tri phổ thông chán nản và cảm thấy lá phiếu của mình không có giá trị.

Chẳng hạn, nếu các cuộc khảo sát cho thấy ông Trump chắc chắn sẽ giành chiến thắng ở bang Texas với cách biệt lớn, nhiều cử tri ủng hộ ông Biden ở Texas sẽ không đi bầu cử vì tâm lí "thêm vài lá phiếu phổ thông nữa cũng thay đổi được gì đâu?"

Một vấn đề khác là cử tri tại các bang nhỏ sẽ có cảm giác rằng lá phiếu của mình không có trọng lượng như cử tri tại các bang lớn.

4 bang lớn nhất với nhiều phiếu đại cử tri nhất của Mỹ năm 2020 là California (55 phiếu), Texas (38 phiếu), Florida (29 phiếu) và New York (cũng 29 phiếu). Tổng cộng 4 bang này có 151 đại cử tri.

Trong khi đó, tổng cộng 15 bang nhỏ nhất nước Mỹ chỉ có 56 đại cử tri, tương đương với một mình California.

Một ứng viên chỉ cần giành chiến thắng tại 12 bang đông dân nhất là chắc chắn trở thành tổng thống, kể cả khi không nhận được bất kì phiếu bầu phổ thông nào ở thủ đô Washington D.C. và 38 bang còn lại.

Đó là lí do vì sao các ứng viên luôn giành sự quan tâm đặc biệt với các bang như California, Texas, Florida, New York, Pennsylvania, Illinois, Ohio, Michigan, Georgia, North Carolina, New Jersey và Virginia. Chỉ khi nào cảm thấy không thể giành phiếu bầu tại các bang lớn này, ứng viên mới hướng sự chú ý tới các bang nhỏ hơn.

"Hệ thống mục ruỗng, bỏ phiếu cũng không cứu được"

Theo một khảo sát do Đại học Suffolk thực hiện năm 2018, trong số người Mỹ trưởng thành không đi bỏ phiếu, khoảng 68% cho biết họ cảm thấy hệ thống chính trị quá mục nát và đầy rẫy nạn tham nhũng nên có đi bầu cử cũng chẳng để làm gì. Tỉ lệ này tăng lên đáng kể so với con số 54% vào tháng 8/2012.

Chỉ khoảng 22% số người không bỏ phiếu cảm thấy hài lòng với hệ thống chính trị gồm hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đại diện cho ý chí người dân Mỹ, giảm so với tỉ lệ 32% vào năm 2012. Đa phần muốn cuộc bầu cử có ba hoặc nhiều đảng phái hơn nữa.

Tình trạng cử tri không đi bỏ phiếu này gây ra một vòng lặp luẩn quẩn. Người dân không đi bỏ phiếu tức là không tham gia lựa chọn người đại diện cho mình trong hệ thống chính trị, càng ngày càng cảm thấy ý chí và nguyện vọng của mình không được coi trọng, càng không đi bỏ phiếu, …

Quyền bỏ phiếu bị cản trở

Mỗi bang của Mỹ lại tổ chức bầu cử tổng thống theo những hình thức và thủ tục khác nhau, gần như không có một qui định thống nhất nào.

Theo thống kê của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), 34 bang của Mỹ yêu cầu cử tri phải xuất trình giấy tờ tùy thân tại điểm bỏ phiếu, 7 bang có qui định nghiêm ngặt về việc giấy tờ phải có ảnh và loại giấy tờ nào được chấp thuận. Cử tri phải xuất trình được một trong số ít các loại giấy tờ do chính phủ cấp để được phép vào bỏ phiếu.

Qui định này khiến cho nhiều cử tri nghèo, da màu, dân tộc thiểu số ... không thể tham gia bầu cử. 

Theo ACLU, khoảng 25% công dân Mỹ gốc Phi không có giấy tờ tùy thân có ảnh do chính phủ cấp, trong khi tỉ lệ này đối với công dân Mỹ da trắng chỉ là 8%.

Bản thân việc cấp nhiều loại giấy tờ tùy thân có thể không mất phí nhưng quá trình xin cấp vẫn phát sinh nhiều khoản chi phí mà nhiều người không đáp ứng được. 

Chẳng hạn: Những người ở vùng sâu, vùng xa có thể phải đi hàng trăm km mới đến được văn phòng công quyền làm giấy tờ; để có bằng lái và giấy đăng kí xe, một người sẽ phải có ít nhất vài nghìn USD để mua được xe ô tô, ...

Qui định về giấy tờ tùy thân của nhiều bang mang tính phân biệt hết sức rõ ràng. Chẳng hạn, bang Texas chấp nhận giấy phép mang vũ khí nhưng không chấp nhận thẻ sinh viên, qua đó khiến cho nhiều người trẻ tuổi khó khăn trong bầu cử.

Bang North Carolina trước đây từng không chấp nhận thẻ hỗ trợ nhà nước và thẻ nhân viên bang - những loại thẻ mà rất nhiều cử tri da đen nắm giữ. Bang Wisconsin từng chấp nhận thẻ quân nhân tại ngũ nhưng không chấp nhận thẻ cựu chiến binh khi bầu cử.

Một nghiên cứu năm 2014 của Văn phòng Trách nhiệm giải trình Mỹ (GAO) cho biết các qui định khắt khe và mang tính phân biệt về giấy tờ tùy thân làm giảm mạnh tỉ lệ cử tri da màu đi bỏ phiếu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/muon-van-li-do-khien-hang-tram-trieu-cu-tri-my-khong-di-bau-tong-thong-20201029172313499.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/