Mục tiêu 1,67 triệu tấn cà phê của Bộ NN&PTNT năm 2019 liệu có đạt được?

Trong năm 2019, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu sản lượng cà phê nhân đạt 1,67 triệu tấn, tăng 52.400 tấn so với năm 2018. Tuy nhiên, Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho rằng sản lượng cà phê năm 2019 có thể giảm 20% do chịu ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và diện tích canh tác giảm.

Mục tiêu tăng sản lượng cà phê năm 2019 tăng 52.400 tấn

Tại Hội nghị tổng kết năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, cho hay năm ngoái diện tích cà phê đạt khoảng 688.400 ha, tăng 10.800 ha so với năm 2017.

Sản lượng cà phê nhân đạt gần 1,62 triệu tấn, tăng 49.000 tấn. Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), đây là mức sản lượng cao nhất từ trước đến nay. VICOFA thông tin thêm vẫn còn 100.000 ha nữa đang cần được tái canh.

Trong năm 2019, Bộ đặt mục tiêu sản lượng cà phê nhân đạt 1,67 triệu tấn, tăng 52.400 tấn so với năm 2018.

muc tieu tang san luong ca phe cua bo nnptnt nam 2019 lieu co dat duoc
Mục tiêu tăng sản lượng cà phê của Bộ NN&PTNT liệu có đạt được?

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phan Xuân Thắng, Phó Chủ tịch VICOFA, sản lượng cà phê năm nay có thể giảm tới 20% xuống còn khoảng 1,2 triệu tấn.

Nguyên nhân là niên vụ 2017 - 2018, sản lượng đã đạt ngưỡng kỉ lục nên niên vụ 2018 - 2019 có thể mất mùa do đặc tính của sinh lí của cây cà phê. Bên cạnh đó, diện tích cây cà phê có thể giảm do nhiều hộ dân chuyển sang các loài cây khác như bơ, sầu riêng với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần.

Mặt khác, trong năm 2018, mưa nhiều và mưa lớn kéo dài, nước đọng, nhiều vườn cà phê quả non rụng quá mức bình thường. Có những vùng ở Gia lai theo các chuyên gia nông nghiệp cho biết mức rụng quả lên đến 20%, các vùng khác trên 10%.

Tia hi vọng giá cà phê tăng

Trong năm 2018, giá cà phê tiếp tục giảm xuống mức thấp kỉ lục 50 năm do chịu áp lực dư cung. Việc sản lượng cà phê giảm được đánh giá sẽ là nhân tố giúp hỗ trợ giá mặt hàng này. Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành cho rằng đẩy mạnh chế biến sâu thay vì xuất khẩu thô cũng là nhân tố giúp hỗ trợ giá cà phê.

Giá cà phê sau khi chế biến sâu trung bình đạt 3.726 - 5.112 USD/tấn, gấn gấp 2 - 3 so với giá cà phê thô xuất khẩu, theo tính toán từ số liệu của VICOFA.

Thêm vào đó, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu tiêu thụ cà phê rang xay tăng trưởng ổn định trung bình 3,6 triệu bao/năm kể từ niên vụ 2014 - 2015. Điều này sẽ tác động tích cực đến giá cà phê thế giới.

Cùng lúc đó, Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO) dự đoán lực dư cung nửa cuối năm 2019 có thể giảm và giá cà phê phục hồi. Nguyên nhân là sản lượng cà phê Việt Nam, Brazil và Ấn Độ dự đoán giảm do ảnh hưởng bởi khí hậu cực đoan.

Theo khảo sát của các chuyên gia phân tích của Bloomberg, giá cà phê thế giới năm 2019 có thể tăng lên mức 1,24 USD/pound, tăng so với mức 1,15 USD/pound năm 2018.

Vẫn chưa có tiêu chuẩn cà phê đặc sản

Chế biến sâu được cho là một trong những "lối ngách" giúp giá cà phê cải thiện. Tuy nhiên, mặc dù tốc độ tăng trưởng của chế biến sâu cà phê tăng trưởng mạnh nhưng vẫn còn chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng sản lượng.

Theo số liệu của VICOFA lượng cà phê chế biến xuất khẩu đã tăng mạnh từ 53.565 tấn (năm 2014) lên 72.293 tấn (năm 2015) và đạt 91.036 tấn (năm 2016) với trị giá lần lượt đạt 273,86 triệu USD, 305,78 triệu USD và 339,26 triệu USD.

VICOFA dự báo trong 5 năm tới lượng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến vẫn sẽ tăng lên đến 200.000 tấn, gấp đôi mức hiện tại.

Một số doanh nghiệp đã bắt đầu phát triển cà phê đặc sản, điển hình là The Maried Beans. Ông Hồ Phạm Minh Duy, người sáng lập The Maried Beans cho biết cà phê đặc sản đang là xu thế mới trên thế giới hay còn gọi là "làn sóng cà phê thứ ba". Tuy nhiên, thị phần cà phê đặc sản trên thế còn giới chiếm con số khiêm tốn 2 - 3%

"Mặc dù thị trường cà phê Việt Nam đã được chia làm nhiều phân khúc từ thấp cấp đến cao cấp, tuy nhiên, cà phê đặc sản vẫn còn khá mới mẻ. Tôi hi vọng trong tương lai thị phần cà phê đặc sản sẽ chiếm 10 - 20%", ông Hồ Phạm Minh Duy cho hay.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư kí VICOFA, cho biết hiện nay chưa tiêu chí và định nghĩa của cà phê đặc sản, mà mới chỉ dừng lại ở ý tưởng.

"Để phát triển cà phê đặc sản trước tiên cần phải xây dựng các tiêu chí sau đó quy hoạch vùng chuyên canh riêng biệt. Hiện nay, người nông dân mới chỉ chú trọng đến về số lượng cà phê mà chưa để ý đến chất lượng. Vì vậy, điều quan trọng là cần thay đổi tư duy này", ông Vinh nhận định.

Xuất khẩu cà năm 2018 tăng mạnh về lượng nhưng giá trị chỉ... nhích nhẹ

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 12 đạt 160.000 tấn, trị giá 287 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 11,5% về trị giá so với tháng 11.

Tháng 12, giá cà phê xuất khẩu trung bình của Việt Nam đạt mức 1.794 USD/tấn, giảm 3,8% so với tháng 11 và giảm 10% so với tháng 12/2017

Tính chung cả năm 2018, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 1,882 triệu tấn, trị giá 3,5 tỉ USD, tăng trên 20% về lượng nhưng chỉ tăng nhẹ 1,2% về trị giá so với năm 2017 do chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng giá.

Theo đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam năm qua đạt 1.883 USD/tấn, giảm 15,7% so với năm 2017.

Mặc dù vậy, cà phê nằm trong danh sách 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỉ USD trong năm 2018.

Cục xuất nhập khẩu dự báo trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá ở thị trường thế giới vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, lượng cà phê xuất khẩu có khả năng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 do sản lượng giảm.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/muc-tieu-167-trieu-tan-ca-phe-cua-bo-nnptnt-nam-2019-lieu-co-dat-duoc-116013.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/