Mùa đông tiền ảo dường như sẽ còn tệ hơn trong năm mới 2023

Tình trạng sa thải nhân sự tại các công ty tiền ảo, nhiều cơ quan quản lý áp đặt chính sách kiểm soát nghiêm ngặt hơn và loạt công ty lớn cảnh báo về các khoản lỗ, dường như có rất ít dấu hiệu cho thấy mùa đông tiền ảo sắp kết thúc.

Bất chấp nhiều dự đoán về khả năng phục hồi của giá bitcoin và các tài sản tiền mã hoá khác trong năm mới 2023, dường như thực tế thị trường cho thấy xu hướng ngược lại.

Sa thải quy mô lớn tại các công ty tiền điện tử Genesis, Silvergate và Huobi

Công ty cho vay tiền mã hoá Genesis đã cắt giảm 30% nhân viên của mình và đây là đợt cắt giảm việc làm thứ 2 trong những tuần gần đây.

Genesis cũng bị cho là đang xem xét nộp đơn xin phá sản sau khi mất 175 triệu USD bị khóa trong tài khoản giao dịch tại nền tảng giao dịch vừa phá sản FTX. Bên cạnh đó, Genesis còn có khoản nợ 900 triệu USD đối với sàn giao dịch tiền mã hoá Gemini (từng chỉ trích cách Genesis xử lý cuộc khủng hoảng tài chính trước đó).

Lĩnh vực tiền mã hoá tiếp tục đối diện nhiều khó khăn. (Nguồn: Paper Writer) 

Trong khi đó, Silvergate Capital Corp., một ngân hàng tiền mã hoá ở California, đã sa thải 40% nhân viên của mình sau khi các nhà đầu tư “tranh nhau” mua lại 8,1 tỷ USD tài sản tại ngân hàng sau sự sụp đổ của FTX.

Silvergate đã giữ tiền gửi cho các đơn vị FTX và Alameda Research - công ty cũng do Sam Bankman-Fried sáng lập.

Thêm vào đó, sàn giao dịch tiền ảo Trung Quốc Huobi cho biết họ có kế hoạch cắt giảm khoảng 20% nhân viên của mình. “Với tình trạng hiện tại của thị trường gấu, một đội ngũ nhân viên tinh gọn sẽ được duy trì trong tương lai”, Huobi cho biết trong một tuyên bố.

Không chỉ vậy, chịu sự ảnh hưởng từ vụ phá sản của FTX vào cuối năm 2022, Coinbase đã cắt giảm 18% nhân viên, Kraken mất gần 1/3 nhân viên và Crypto.com sa thải 5% nhân viên.

Loạt vấn đề pháp lý, các vụ kiện liên quan đến tiền ảo

Tại New York, Coinbase Global Inc., một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới đã đồng ý trả 100 triệu USD để giải quyết khiếu nại của tiểu bang New York rằng họ không tuân thủ các quy tắc chống rửa tiền.

Trong khi đó, một tòa án Mỹ khác cũng đã phán quyết rằng công ty tiền điện tử hiện đã phá sản Celsius có thể giữ tất cả các khoản tiền gửi bằng tiền điện tử của khách hàng, nghĩa là khách hàng mất trắng tiền của họ giữ trên sàn giao dịch không còn tồn tại.

Phán quyết củng cố một quy tắc cơ bản cho các nhà đầu tư tiền điện tử "nếu bạn không nắm trong tay chìa khóa thì tiền điện tử cũng không phải là của bạn”. Điều này về cơ bản là các nhà đầu tư không thể chắc chắn rằng tài sản nắm giữ của họ được bảo vệ trừ khi họ giữ chúng trong ví tiền điện tử mà bản thân sở hữu và kiểm soát.

Cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried cố gắng nắm giữ 450 triệu USD cổ phần Robinhood

Một vấn đề khác khiến thị trường tiền mã hoá tiếp tục đao đứng chủ yếu bắt nguồn từ câu chuyện về FTX, nơi cựu Giám đốc điều hành Sam Bankman-Fried đã không nhận tội gian lận sau khi công ty SBF sụp đổ vào tháng 11.

Thông tin được tiết lộ từ một hồ sơ trong tuần này cho thấy SBF muốn duy trì quyền kiểm soát 56 triệu cổ phiếu của mình trong ứng dụng giao dịch tiêu dùng Robinhood, trị giá khoảng 450 triệu USD để giúp chi trả cho các chi phí pháp lý tương lai.

Trong hồ sơ xin phá sản được cập nhất vào ngày 22/12, FTX lập luận rằng vì có quá nhiều chủ nợ (các nhà đầu tư gửi tiền điện tử tại FTX) đang tìm kiếm quyền nhận lại cổ phần nên "tài sản nên bị đóng băng cho đến khi tòa án này có thể giải quyết các vấn đề theo cách công bằng cho tất cả chủ nợ của con nợ".

Cơ quan quản lý cảnh báo các ngân hàng về rủi ro tiền mã hoá

Tệ hơn thế, có vẻ như các cơ quan quản lý liên bang của Mỹ gần đây đã buộc phải miễn cưỡng triển khai nhiều giải pháp để giải quyết “mớ hỗn độn tiền mã hoá” và có thể có tác động lâu dài hơn với các chính sách, quy định trong thời gian tới.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ đã cảnh báo các ngân hàng trong một tuyên bố chung trong tuần qua về các rủi ro gắn liền với tài sản tiền ảo, bao gồm cả những bất ổn pháp lý và tiết lộ sai thông tin.

Trong bối cảnh đó, giá tiền mã hoá sẽ không thể nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới. Giá trị của hầu hết các loại tiền mã hoá lớn như bitcoin hay ethereum đều giảm hoặc đi ngang, tăng không đáng kể.

Giá bitcoin hiện tại ở mức hơn 16.900 USD/ đơn bị, thấp hơn gần 75% so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được vào tháng 11/2021 (69.000 USD).

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mua-dong-tien-ao-duong-nhu-se-con-te-hon-trong-nam-moi-2023-202317203618471.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/