Một lĩnh vực cứ đầu năm chậm cuối năm tăng tốc, nhưng vẫn là động lực tăng trưởng chính nửa cuối 2022 và 2023

Chuyên gia cho rằng tình hình đầu tư công từ cuối năm 2022 sẽ cải thiện nhiều nhờ hai yếu tố thuận lợi.

 

Cùng với xuất khẩu, đầu tư công luôn được coi là động lực tăng trưởng kinh tế qua các năm. Điểm sáng đáng chú ý nhất liên quan đến lĩnh vực này phải kể đến năm 2020, khi COVID-19 bùng phát, giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất trong 5 năm. Đầu tư công năm đó được nhắc đến là một yếu tố quan trọng góp phần giúp Việt Nam lọt nhóm tăng trưởng dương bất chấp dịch bệnh.

Năm 2021 cũng là một năm rất đặc biệt khi Việt Nam trải qua giãn cách xã hội kéo dài, đầu tư công đối mặt nhiều khó khăn liên quan đến gián đoạn vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá, phân tán nguồn lực,... Tuy nhiên giải ngân đầu tư công năm 2021 vẫn đạt mức cao hơn so với trước dịch (các năm 2017, 2018, 2019).

Năm 2022, đầu tư công càng được chú ý nhiều hơn khi Chính phủ ban hành gói kích thích kinh tế thực hiện trong năm 2022 và 2023, trong đó có hơn 113.000 tỷ đồng chi cho các dự án cơ sở hạ tầng. 

Giải ngân đầu tư công thường dồn vào cuối năm và đã thành quy luật

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, tỷ lệ ước tính giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm đạt 35,49% kế hoạch và tương đương 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao (ngang ngửa tiến độ cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, vốn trong nước đạt gần 41% và vốn nước ngoài hơn 14%.

Có rất ít bộ ngành, địa phương đạt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt, gồm 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số bộ, địa phương có tiến độ giải ngân cao như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (hơn 73%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (gần 52%), Tiền Giang (gần 64%), Thái Bình (58%), Phú Thọ (57%), Long An (55%).

Khoảng một phần ba địa phương và phần lớn bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 35%, trong đó có 3 địa phương và 27 Bộ giải ngân dưới 20%.  

 

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải là vấn đề mới. Số liệu cho thấy cả tốc độ giải ngân và tốc độ thực hiện vốn đầu tư công thực hiện đều theo quy luật đầu năm chậm, cuối năm tăng tốc.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết có một thực tế là, tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào cuối năm và cuối kỳ kế hoạch. Và điều này đang có xu hướng trở thành quy luật. Vì vậy, theo Bộ trưởng, việc nhận định giải ngân nhanh hay chậm cần xem xét đến yếu tố này.

Trong khi đó, Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương từng lý giải chi đầu tư công là hoạt động có tính chất đặc thù, cần thời gian để tích lũy đủ khối lượng thực hiện và nghiệm thu trước khi thực hiện các thủ tục giải ngân.

"Việc giải ngân đầu tư công thường dồn vào cuối năm khi các dự án đã tích lũy đủ khối lượng để nghiệm thu và giải ngân đã tồn tại từ rất lâu và gần như đã thành quy luật", Thứ trưởng thông tin

 

Có khoảng 21 khó khăn về đầu tư công

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, báo cáo cho biết có khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc về đầu tư công, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành ba nhóm chính: nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách (trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng,  đấu thầu và đầu tư công); nhóm nội dung liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.   

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến mạnh, giải ngân chậm vẫn là căn bệnh kéo dài nhiều năm nay.

Để giải ngân lượng vốn đầu tư công rất lớn năm 2022 (khoảng 542.000 tỷ đồng), gấp hơn, 2,5 lần so với năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này, đề cao hơn nữa trách nhiệm Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. 

Hai thuận lợi cho đầu tư công nửa cuối năm

Dù đầu tư công vẫn tồn tại vấn đề giải ngân chậm, lĩnh vực này vẫn được coi là động lực tăng trưởng năm nay và năm sau. Một trong những lý do là vì gói đầu tư công trong chương trình phục hồi kinh tế hai năm 2022 và 2023.

Trong báo cáo mới nhất, SSI Researh nhấn mạnh đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng chính cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Sau khi được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023, bao gồm hai dự án đường vành đai ở Hà Nội và TP HCM, và một số tuyến đường cao tốc. 

 Nguồn: Quốc hội, SSI Research.

SSI cho rằng việc giải ngân vốn sẽ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công đang được ưu tiên. Trên thực tế, thông qua các văn bản pháp luật được công bố trong thời gian gần đây, Chính phủ đang đặt mục tiêu sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp cho các dự án nêu trên trước quý II/2023, phần còn lại bàn giao vào quý IV/2023.

Hơn nữa, để thúc đẩy tốc độ giải ngân, Chính phủ cũng sẽ áp dụng cơ chế thưởng vượt tiến độ cho các nhà thầu, cũng như thành lập ban chỉ đạo quốc gia về các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, và những điều này thể hiện một quyết tâm chính trị rất lớn. 

Trong khi đó các chuyên gia của VNDirect nhận định đầu tư công đang bắt đầu tăng tốc. Khối phân tích giữ nguyên dự báo vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 tăng 20-30% so với thực tế thực hiện trong năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng cao so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Trước đó, đầu tư công tăng trưởng âm trong sáu tháng cuối năm 2021 do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, giãn cách xã hội trên diện rộng và giá vật liệu xây dựng tăng.

CTCP Chứng khoán Everest (EVS) cũng dự báo tương tự, với vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 có thể đạt mức tăng trưởng 20-25%.

 

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính lạc quan cho rằng tình hình đầu tư công từ cuối năm nay sẽ cải thiện nhiều.

Ông cho biết một trong những khó khăn thời gian qua là do bất ngờ xảy ra căng thẳng Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng càng thêm đứt gãy, nguyên vật liệu tăng giá mạnh, chủ đầu tư không dám thi công vì sợ lỗ. Việc này dẫn đến phải chờ duyệt chinh sửa dự toán, tuy nhiên việc này cũng không thể làm nhanh được, vì thế dẫn đến triển khai chậm các dự án đầu tư công.

Theo chuyên gia, đầu tư công năm nay bổ sung thêm khoảng 100.000 tỷ từ gói kích thích, vì thế khi tính tổng số giải ngân trên vốn đầu tư thì thấp hơn so với mọi năm là điều dễ hiểu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh những tháng cuối năm, vốn thực hiện sẽ tốt hơn kéo theo tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn nhờ hai yếu tố thuận lợi là quyết tâm của Chính phủ thể hiện rất rõ ràng cùng với giá của nguyên vật liệu đang giảm.

Trong khi đó, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu ra ba cơ sở để kỳ vọng việc giải ngân vốn đầu tư công tích cực hơn trong thời gian tới.

Theo VDSC, thông thường, vốn đầu tư công thường được giải ngân mạnh hơn trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý cuối cùng của năm.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư thuộc gói hỗ trợ kích thích và phục hồi kinh tế đã được phân bổ và phê duyệt, chờ giải ngân trong năm sau.

Ngoài ra, những thách thức chưa giải quyết trong ngắn hạn sẽ khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu giai đoạn 2021-2025 lỡ hẹn so với kỳ vọng, sự tăng tốc nhanh có thể rơi vào nửa sau (2023-2025).  

Các chuyên gia tại đây cũng chỉ ra một số nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn đầu tư công gồm các vướng mắc trong chuẩn bị dự án, thủ tục đầu tư; đền bù, giải phóng mặt bằng; năng lực của các bên tham gia. Ngoài ra nguyên nhân còn liên quan đến thời điểm giao thoa trong kế hoạch vốn khi năm 2022 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nguyên nhân cuối cùng là tác động của giá vật liệu xây dựng. 

Khối phân tích nhận định ba nguyên nhân đầu tiên sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể thay đổi.

Hai nguyên nhân liên quan đến thời điểm giao thoa kế hoạch vốn và tác động của giá vật liệu xây dựng có thể tháo gỡ trong ngắn hạn. 

VDSC cho rằng thông thường, cần từ 6-8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Đồng thời, việc sớm có chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng cho phù hợp diễn biến thị trường cũng sẽ giúp đẩy tiến độ đầu tư. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mot-linh-vuc-cu-dau-nam-cham-cuoi-nam-tang-toc-nhung-van-la-dong-luc-tang-truong-chinh-nua-cuoi-2022-va-nam-2023-2022823153516853.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/