Một con số cho thấy cổ đông BĐS kiếm đậm nhất thị trường chứng khoán 2021, vượt xa cổ đông bank

Vốn hóa cổ phiếu bất động sản (BĐS) tăng gần 27 tỷ USD trong khoảng một năm vừa qua, cao hơn nhiều giá trị tăng thêm của các cổ phiếu ngân hàng.

Tính đến hết phiên 27/12/2021, cổ phiếu ngân hàng vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn hóa gần 1,85 triệu tỷ đồng. Theo sát phía sau là nhóm bất động sản với hơn 1,71 triệu tỷ.

Nếu chỉ tính lượng vốn hóa tăng thêm trong gần một năm qua, nhóm bất động sản đang là quán quân với 613.000 tỷ đồng, còn cổ phiếu ngân hàng chỉ tăng khoảng 567.000 tỷ.

Vì vậy, khoảng cách giữa giá trị lưu hành của cổ phiếu ngân hàng và bất động sản rút ngắn từ khoảng 177.000 tỷ đồng tại ngày 31/12/2020 xuống còn 131.000 tỷ đồng tại ngày 27/12/2021.

Một con số cho thấy cổ đông BĐS kiếm đậm nhất thị trường chứng khoán 2021, vượt xa cổ đông bank - Ảnh 1.

Vốn hóa cổ phiếu bất động sản tăng mạnh hơn nhiều so với cổ phiếu ngân hàng, xét theo cả giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ phần trăm. Cổ phiếu dịch vụ tài chính (chủ yếu gồm các công ty chứng khoán) đứng thứ 3 với mức tăng 194.000 tỷ đồng, cổ phiếu tài nguyên cơ bản (bao gồm thép) tăng 153.000 tỷ.

Nếu không kể các doanh nghiệp mới lên sàn trong năm 2021, giá trị cổ phiếu bất động sản tăng thêm khoảng 546.000 tỷ đồng, vẫn cao hơn nhiều so với con số 459.000 tỷ đồng tương ứng của nhóm ngân hàng.

Những so sánh trên cho thấy trong năm 2021, cổ đông bất động sản giàu lên nhanh hơn đáng kể so với cổ đông ngân hàng cũng như các ngành khác. Tất nhiên thống kê này bao hàm cả những cổ đông nhỏ lẻ trên các diễn đàn chứng khoán lẫn các nhà sáng lập, chủ tịch, cổ đông lớn "cá mập".

Xét theo từng cổ phiếu riêng lẻ, NVL của đại gia bất động sản Novaland ghi nhận giá trị niêm yết tăng thêm gần 107.000 tỷ đồng trong năm qua, dẫn đầu toàn thị trường. Cuối năm ngoái, Novaland chỉ đứng thứ 21 về vốn hóa thì nay đã lọt vào top 10.

Tổng cộng có 27 cổ phiếu với vốn hóa tăng trên 1 tỷ USD trong năm vừa qua, bao gồm 7 cổ phiếu bất động sản và 9 đại diện đến từ ngành ngân hàng. Cổ phiếu SSB của SeABank lên sàn ngày 24/3 cũng ghi nhận giá trị niêm yết tăng gần 45.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều mã cùng ngành như MBB, TPB, VIB, ACB, ...

Một con số cho thấy cổ đông BĐS kiếm đậm nhất thị trường chứng khoán 2021, vượt xa cổ đông bank - Ảnh 3.

Thống kê vốn hóa tăng thêm giữa ngày 27/12/2021 với 31/12/2020, ngoại trừ SSB (SeABank) là so với ngày lên sàn 24/3/2021.

MSN của Masan - chủ sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ có một năm thuận lợi khi nhu cầu hàng tiêu dùng tăng mạnh trong thời kỳ giãn cách xã hội, vốn hóa tập đoàn thêm hơn 95.000 tỷ đồng.

Nhóm công ty chứng khoán có hai đại diện là VND và SSI. Giá cổ phiếu ngành chứng khoán tăng mạnh trong năm qua giữa bối cảnh số tài khoản mở mới cao kỷ lục, thanh khoản thị trường liên tiếp lập đỉnh mới. Các công ty chứng khoán từ lớn đến nhỏ đều tích cực phát hành tăng vốn để mở rộng hoạt động cho vay margin và các nghiệp vụ khác.

Một con số cho thấy cổ đông BĐS kiếm đậm nhất thị trường chứng khoán 2021, vượt xa cổ đông bank - Ảnh 4.

Số tài khoản chứng khoán mở mới trong riêng tháng 11/2021 đã lớn hơn tổng 12 tháng của năm 2019.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mot-con-so-cho-thay-co-dong-bds-kiem-dam-nhat-thi-truong-chung-khoan-2021-vuot-xa-co-dong-bank-20211228181121146.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/