Một cổ phiếu tăng trần 10 phiên dù công ty gần như không có doanh thu, lỗ quá nửa vốn điều lệ

Cổ phiếu CTCP PGT Holdings (HNX: PGT) đã liên tục bứt phá và vượt qua đỉnh cũ tháng 3/2021 sau 10 phiên tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu đang đối lập với bức tranh kinh doanh của công ty.

Cổ phiếu tăng trần 10 phiên liên tiếp dù từng có khả năng bị hủy niêm yết vào tháng 4

Một cổ phiếu tăng trần 10 phiên dù công ty gần như không có doanh thu, lỗ quá nửa vốn góp - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu PGT của CTCP PGT Holdings theo tuần. Nguồn: TradingView.

Trên sàn HNX, cổ phiếu PTG của CTCP PGT Holdings gây ấn tượng khi đã liên tục tăng kịch trần từ ngày 26/8 - 10/9. Như vậy chỉ sau 2 tuần giao dịch, thị giá cổ phiếu PGT đã tăng thêm 148%, từ 5.000 đồng/cp lên mức giá 12.400 đồng.

Trước đó, PGT đã từng "dậy sóng" khi tăng hơn 166% chỉ trong hai tháng đầu năm. Tuy vậy, cổ phiếu này nhanh chống lao dốc sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo về khả năng bị hủy bỏ niêm yết do đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến trái ngược với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của công ty.

Giai đoạn sau đó, PGT khá im ắng trên thị trường khi chỉ dao động quanh vùng 4.000 - 5.000 đồng/cp, với khối lượng giao dịch chỉ vài nghìn đơn vị trong phiên.

Đà tăng mạnh mẽ gần đây của PGT xuất hiện sau khi bà Nguyễn Thị Thanh Chi, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng tại PGT không bán ra bất cứ cổ phiếu nào trong số 1.276.201 đơn vị đăng ký trước đó (tỷ lệ 14,41%). Lý do được bà Chi đưa ra là không còn nhu cầu thoái vốn khỏi công ty.

Bên cạnh đó, ông Kakazu Shogo - Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của PGT đã đăng ký mua 100.000 cp từ ngày 12/8 đến ngày 8/9. Nếu giao dịch diễn ra thành công, ông Shogo sẽ trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ 5,92% (trước đó là 4,79%).

Lỗ lũy kế 56 tỷ đồng ăn mòn nguồn vốn, dòng tiền thuần kinh doanh âm

Thông tin về hoạt động kinh doanh, hiện PGT chưa công bố báo cáo tài chính soát xét đến thời điểm 30/6/2021. Căn cứ số liệu từ báo cáo hợp nhất, công ty ghi nhận doanh thu thuần "vỏn vẹn" 1,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, giảm hơn 78% so với năm 2020. Sau khi khấu trừ các chi phí, khoản lãi ròng sau 6 tháng đầu năm là 437 triệu đồng, chỉ bằng 6% so với con số thực hiện cùng kỳ.

Tính riêng kết quả trong quý II, PGT báo lãi ròng 1,3 tỷ, gấp 3 lần so với con số 454 triệu đồng của quý II/2020. Lý do chủ yếu đến từ chi phí tài chính giảm mạnh chỉ còn gần 50% so với trước đó, xuống còn 1,4 tỷ đồng. Theo giải trình, công ty đã thực hiện đánh giá lại các khoản đầu tư nhằm đảm bảo tính khách quan và minh bạch về tài chính.

Tuy vậy, kết quả kinh doanh thua lỗ từ những năm trước khiến PGT lỗ lũy kế hơn 57,2 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý II. Dù đã ghi nhận lãi trong kỳ, tính đến cuối tháng 6, công ty lỗ lũy kế 56,4 tỷ đồng, lớn hơn 50% vốn điều lệ của công ty (92 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, việc dòng tiền thuần từ kinh doanh trong 6 tháng đầu năm là âm 6,2 tỷ cũng cho thấy tín hiệu kém sắc trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

Tham vọng phát triển mảng M&A cùng kế hoạch tăng vốn lên 112 tỷ đồng

Theo tìm hiểu, PGT tiền thân là Công ty TNHH Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex thành lập trên vốn góp của các công ty thành viên thuộc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với số vốn điều lệ ban đầu là 31,8 tỷ đồng. Trải qua 2 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của PGT là hơn 92 tỷ đồng.

Năm 2015, Petrolimex thoái vốn khỏi PGT với sự tham gia của một số nhà đầu tư Nhật Bản. Năm 2016, PGT hoàn thành quá trình chuyển giao, thành lập ban HĐQT mới và chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực M&A.

Một cổ phiếu tăng trần 10 phiên dù công ty gần như không có doanh thu, lỗ quá nửa vốn góp - Ảnh 2.

Các công ty thành viên của PGT Holdings. (Nguồn: PGT Holdings).

Cũng trong năm 2016, PGT đã thành lập 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Vĩnh Đại Phát chuyên kinh doanh lĩnh vực cung ứng nguồn lao động và Công ty TNHH Vina Terrace Hotel chuyên lĩnh vực khách sạn và đầu tư. Nối tiếp, PGT góp vốn vào công ty tại Myanmar là Công ty TNHH BMF Microfinance (BMF) chuyên về lĩnh vực tài chính.

PGT cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực M&A. Bên cạnh đó, công ty cũng lên kế hoạch thực hiện mảng cho vay tài chính thông qua điện thoại thông minh tại Yangon, Myanmar thông qua BMF.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021, PGT dự kiến chào bán 2 triệu cp với giá chào bán dự kiến tối thiểu bằng mệnh giá nhằm bổ sung vốn lưu động cho các công ty con. Tổng giá trị chào bán ước tính là 20 tỷ đồng.

Sổ cổ phần chào bán mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian 1 năm. Nếu thực hiện thành công, PGT sẽ nâng vốn điều lệ từ hơn 92 tỷ đồng lên 112 tỷ đồng.

Ngoài ra, HĐQT cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua việc bổ sung 6 ngành nghề kinh doanh như dịch vụ công nghệ thông tin và máy tính, kinh doanh bất động sản, dịch vụ quản cáo, cung ứng và quản lý người lao động, tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại...

Ngày 4/8, PGT cho biết sẽ bán 384.196 cp quỹ từ ngày 9/8 - 8/9/2021. Mục đích nhằm cơ cấu lại nguồn vốn và thu hút thêm nhà đầu tư.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mot-co-phieu-tang-tran-10-phien-du-cong-ty-gan-nhu-khong-co-doanh-thu-lo-qua-nua-von-dieu-le-20210910231606036.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/