Một cổ phiếu công nghệ bật tăng gấp ba lần từ COVID-19 sau nhiều năm 'ngủ quên'

Ngược lại với động thái thoái vốn của các cổ đông lớn, giá cổ phiếu của Elcom đã liên tục leo dốc suốt hơn một năm qua.

Thời gian qua, cổ phiếu ELC của CTCP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử - viễn thông (Elcom) gây chú ý với nhà đầu tư khi đã bật tăng gấp gần ba lần kể từ tháng 4/2020 kèm thanh khoản đột biến. Chốt phiên 21/6, ELC dừng ở mức 15.500 đồng/cp.

Trước đó, giai đoạn năm 2017 - tháng 4/2020, cổ phiếu ELC dường như ngủ quên khi lượng thanh khoản khá ít ỏi, thị giá tụt dốc không phanh từ 26.000 đồng/cp xuống chỉ còn 4.000 đồng/cp.

Một cổ phiếu công nghệ thức giấc sau nhiều năm ngủ quên - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu ELC trong ba năm trở lại đây. (Nguồn: TradingView).

Tuy nhiên, trái với kịch bản cổ đông nội bộ mua gom cổ phiếu như thông thường, trong giai đoạn giá cổ phiếu đi lên, phần lớn các cổ đông của Elcom từ cá nhân đến tổ chức đã lần lượt bán ra cổ phiếu.

Tuần qua, quỹ Samarang Ucits - Samarang Asian Prosperity đã hai lần bán gần 262.00 cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 8,05% xuống 6,83%.

Cũng thời gian qua, cổ đông lớn của công ty là Chứng khoán SSI cũng đã nhiều lần thoái bớt số lượng lớn cổ phiếu ELC. Tính tổng từ đầu năm 2020 đến nay, SSI đã thoái hơn 5,8 triệu đơn vị ELC, giảm tỷ lệ sở hữu từ 17,48% về còn 4,96% và chính thức không còn là cổ đông lớn tại công ty công nghệ này.

Ngoài ra, cổ đông khác cũng như người nhà của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT)  trong khoảng một năm trở lại đây cũng tích cực giảm tỷ lệ sở hữu tại Elcom, bao gồm PYN Elite Fund (Non-Ucits), mẹ ông Phan Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT, mẹ ông Nguyễn Mạnh Hải, Thành viên HĐQT.

Một cổ phiếu công nghệ thức giấc sau nhiều năm ngủ quên - Ảnh 1.

Cơ cấu cổ đông của Elcom tính đến ngày 16/6/2021. (Nguồn: MH tổng hợp).

Chiều ngược lại, theo thông tin công bố, chỉ có ông Phạm Minh Thắng, Tổng Giám đốc là đăng ký mua vào 700.000 đơn vị ELC để tăng tỷ lệ nắm giữ từ 0,43% lên 1,81% theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Giao dịch dự kiến từ ngày 15/6 đến 14/7.

Kế hoạch phục hồi sau giai đoạn suy thoái 

Elcom được thành lập năm 1995 với hoạt động chính là nghiên cứu công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông. 

Với lợi thế tiền thân là nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông và khả năng tự phát triển công nghệ, Elcom được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng mạnh mẽ của ngành viễn thông trong giai đoạn 2007 – 2012 và đợt đầu tư mở rộng ngắn trong giai đoạn 2015 – 2016. 

Tại thời kỳ đỉnh cao, Elcom chiếm 100% thị phần của Vietnam Mobile và Gtel, 90% thị phần của Vinaphone trong việc cung cấp hệ thống IN, chiếm 50% thị phần SMSC tại Vinaphone, Mobiphone và 40% thị phần tại Viettel cũng như cung cấp hàng loạt các giải pháp công nghệ cho nhà mạng do Elcom phát triển.

Một cổ phiếu công nghệ thức giấc sau nhiều năm ngủ quên - Ảnh 3.

Nguồn: Elcom.

Sau thời hoàng kim năm 2016, thị trường viễn thông chững lại và kết quả kinh doanh của Elcom đi xuống. Công ty cho biết, đến năm 2019 và 2020, Elcom đã ổn định và bền vững hơn.

Một cổ phiếu công nghệ thức giấc sau nhiều năm ngủ quên - Ảnh 4.

Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất năm đã kiểm toán của Elcom.

Theo kế hoạch, Elcom sẽ tập trung đưa mức doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2023 với mức tăng trưởng lợi nhuận trên 10%/năm.

Tìm cơ hội khi Chính phủ tăng đầu tư vào giao thông thông minh và khai thác khu đất 18 Nguyễn Chí Thanh

Đánh giá về triển vọng của Elcom mới đây, báo cáo phân tích của Chứng khoán BSC cho rằng Elcom đang đứng thứ hai trong thị trường ngách giao thông thông minh, kỳ vọng hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh trong hai năm tới nhờ Chính phủ tập trung đầu tư giao thông thông minh cho hạ tầng đường bộ.

Thủ tướng vừa qua đã phê duyệt việc đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính với tổng kinh phí là 2.150 tỷ. Đề án sẽ ưu tiên xây dựng hệ thống giám sát tại Hà Nội và TP HCM và dự kiến triển khai từ 2021 đến 2025.

Riêng các tuyến đường thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được đầu tư lắp đặt hệ thống giao thông thông minh. Tổng giá trị đấu thầu công nghệ - tập trung vào các dịch vụ như giao thông thông minh, giám sát điều hành, thu phí tự động có giá trị lên tới 4.000 tỷ đồng. Elcom dự kiến biên lợi nhuận các gói thầu dao động quanh mức 10% - 15%. Thời gian đấu thầu các gói công nghệ dự kiến bắt đầu vào quý III/2021.

BSC cho rằng, Elcom với vị thế doanh nghiệp lâu năm và sở hữu thị phần lớn thứ hai tại lĩnh vực giao thông thông minh sẽ có lợi thế lớn trong việc tham gia các gói thầu trong thời gian tới.

Ngoài ra, Elcom còn đang sở hữu tỷ lệ chi phối với mảnh đất vàng tại 18 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội thông qua một công ty con (cổ đông còn lại là SCIC). 

Theo BSC, hiện tại, mảnh đất này đang được cho Media Mart thuê làm siêu thị. Theo kế hoạch, Elcom đang có kế hoạch thành tổ hợp văn phòng 25 tầng. Lợi nhuận cho thuê dự kiến từ 40 – 50 tỷ/năm. 

BSC nhận định, mảnh đất 18 Nguyễn Chí Thanh là tài sản ngầm có giá trị cao của ELC và kỳ vọng khi công ty triển khai tổ hợp văn phòng cho thuê sẽ tạo ra dòng tiền ổn định trong tương lai.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mot-co-phieu-cong-nghe-bat-tang-gap-ba-lan-tu-covid-19-sau-nhieu-nam-ngu-quen-2021061815235559.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/