Mô hình đăng ký khám bệnh từ xa: Hữu ích với xã hội, nhưng không đủ hấp dẫn với 'cá mập'

Đánh giá mô hình kinh đăng ký khám bệnh từ xa hữu ích nhưng không hiệu quả, 5 nhà đầu tư không rót vốn trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 10/10.
 

Khởi nghiệp để rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh

Tuấn Anh là người tạo ra mô hình kinh doanh viễn thông y tế Lucky Tel. Lên sóng Shark Tank Việt Nam vào tối 11/10, anh muốn kêu gọi thành công 2,5 tỷ đồng đổi lấy 12,5% cổ phần công ty.

cac ca map lac dau truoc mo hinh dang ky kham benh tu xa trong shark tank viet nam
Tuấn Anh - người sáng lập Lucky Tel (bên trái) và người bạn đồng hành Kiều Loan trong Shark Tank Việt Nam vào tối 10/10.

Kiều Loan – người khởi nghiệp cùng Tuấn Anh - nói rằng khoảng 2.000 người khám bệnh mỗi ngày ở Việt Nam. Do số lượng cơ sở y tế chưa thể đáp ứng nhu cầu khám của người dân, nên mỗi người phải chờ 70 phút/lượt khám. Lucky Tel ra đời nhằm giảm lượng thời gian chờ xuống còn 5 phút/lượt bằng phương thức đăng ký khám bệnh thông minh qua điện thoại, trang web.

Hiện tại, công ty áp dụng thành công tại bốn bệnh viện ở địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - gồm Hòa Hảo, Ung Bướu, Gò Vấp, Phú Nhuận - với mức phí 500 triệu đồng. Bệnh nhân có thể theo dõi lịch khám từ xa bằng ứng dụng trên điện thoại di động, website. Nhà sáng lập dự kiến doanh thu tương lai chủ yếu đến từ việc xây dựng 150 màn hình LCD quảng cáo. Doanh số mục tiêu khoảng 7 tỷ đồng và công ty sẽ chia một phần cho bệnh viện.

Chia sẻ của Tuấn Anh lập tức khiến hội đồng đầu tư thắc mắc, bởi bệnh nhân sẽ không nhìn màn hình vì đã theo dõi số thứ tự từ xa. Hơn nữa, con số 2.000 lượt nhìn/ngày quá khiêm tốn so với quảng cáo ngoài trời. Thị trường digital (kỹ thuật số) ở Việt Nam vốn rất bé, lại bị Google, Facebook chiếm lĩnh, nên độ lớn thị trường của Lucky Tel không đáng kể dù phủ LCD.

CEO Lucky Tel thuyết phục nhà đầu tư rằng, màn hình của công ty hướng đối tượng hơn so với màn hình quảng cáo thông thường. Ngoài ra, giá bán chỉ bằng 25% giá của nhà bán lẻ. Đặc biệt, khách hàng sử dụng LCD không cần trả tiền cho bệnh viện hay phải mua phần cứng riêng. “Mục đích cao cả của mô hình là hướng tới cộng đồng”, anh nhấn mạnh.

Cả năm nhà đầu tư "lắc đầu"

Vốn hoạt động trong lĩnh vực y tế, vừa cho ra mắt hệ thống phòng khám đa khoa DHA, “shark” Đặng Hồng Anh nhận định, thay đổi thói quen bệnh nhân là vấn đề rất nan giải. Tình trạng quá tải trong bệnh viện phần lớn do người khám từ dưới tỉnh lên. Đây là nhóm đối tưởng khó tiếp cận công nghệ.

“Muốn giúp xã hội, đầu tiên công ty phải tồn tại được. Lucky Tel đang triển khai song song hai mô hình kinh doanh không hiệu quả nên tôi không đầu tư”, Hồng Anh nói.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Dũng “lắc đầu” vì cho rằng công ty nên nhắm vào đối tượng trân quý thời gian. Nhà sáng lập giúp bệnh viện hoạt động hiệu quả hơn nhưng phải nhờ đến quảng cáo màn hình LCD để thu doanh số. Cách triển khai này sẽ dẫn đến tình trạng "càng làm càng lỗ".

Đưa ra quyết định tương tự, ông Phạm Thanh Hưng phân tích startup hướng tới đối tượng bệnh nhân, nhưng bên trả tiền lại là bệnh viện khi họ không hưởng lợi ích kinh tế nào. Doanh thu quảng cáo LCD thấp, lại phải chia sẻ nên ông rút lui khỏi thương vụ.

Đồng quan điểm đánh giá Lucky Tel có ích cho xã hội nhưng chưa phải là mô hình kinh doanh khả quan, nữ doanh nhân Thái Vân Linh và “vua chảo Sunhouse” Nguyễn Xuân Phú lần lượt từ chối rót vốn.

Tuấn Anh ra về tay trắng nhưng ông chủ trẻ nhìn nhận lời khuyên của nhà đầu tư giúp anh xem xét lại mô hình kinh doanh và triển khai theo cách mới phù hợp hơn.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mo-hinh-dang-ky-kham-benh-tu-xa-huu-ich-voi-xa-hoi-nhung-khong-du-hap-dan-voi-ca-map-97044.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/