Mexico phản đối, thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô của OPEC có nguy cơ đổ vỡ

Thỏa thuận giảm sản lượng lịch sử giữa OPEC và các đồng minh (hay OPEC+) đã gặp phải rào cản sau khi có tin Mexico từ chối hạn mức cắt giảm của nước này và đề nghị hạ con số từ 400.000 xuống 100.000 thùng/ngày.

Các thành viên OPEC+, dẫn dầu là Arab Saudi và Nga, vào tối ngày 9/4 (theo giờ Việt Nam) đã nhất trí giảm sản lượng khai thác 10 triệu thùng/ngày trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu dầu thô nghiêm trọng. Cuộc họp trực tuyến bắt đầu vào khoảng 10h30 sáng (theo giờ địa phương) ngày 9/4 và kéo dài hơn 9 giờ đến tối cùng ngày.

Tuy nhiên, sau khi Mexico phản đối hạn mức cắt giảm của nước này, cuộc họp trực tuyến kết thúc mà không có một thỏa thuận dứt khoát. Theo đưa tin từ Bloomberg, liên minh OPEC+ sẽ không giảm sản lượng mà không có sự tham gia của Mexico, đồng thời OPEC+ cũng không có dự định tiếp tục nhóm họp vào hôm nay (10/4).

Cụ thể, sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mexico Rocío Nahle thông báo trong một dòng tweet rằng Mexico sẵn sàng giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày trong hai tháng tới. OPEC+ đã yêu cầu Mexico giảm 400.000 thùng/ngày, theo Reuters.

Mexico phản đối, thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ có nguy đổ vỡ - Ảnh 1.

Dòng tweet của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mexico. (Ảnh chụp màn hình)

Một tuyên bố do OPEC đưa ra sau cuộc họp nêu chi tiết mức giảm sản lượng, tuy nhiên có lưu ý rằng thỏa thuận "đã được nhất trí bởi tất cả thành viên OPEC cũng như các nước đồng minh, ngoại trừ Mexico. Do đó, thỏa thuận đang phụ thuộc vào sự đồng ý của Mexico"

Trước đó, Reuters đưa tin OPEC+ sẽ giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6, sau đó giảm xuống còn 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 trở đi. Bắt đầu từ tháng 1/2021 cho đến ngày 22/4 cùng năm, mức giảm sản lượng sẽ lùi về còn 6 triệu thùng/ngày.

Thỏa thuận này không phụ thuộc vào việc các quốc gia bên ngoài OPEC+ giảm sản lượng, vì một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận có thể là một điều khoản nhằm buộc Arab Saudi và Nga thu hẹp qui mô sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, OPEC+ vẫn kêu gọi các nhà sản xuất khác như Mỹ giảm sản lượng thêm 5 triệu thùng/ngày.

Bất chấp qui mô kỉ lục của thỏa thuận tiềm năng, giá dầu đã giảm trong phiên giao dịch ngày 9/4 khi nhà đầu tư lo ngại mức giảm sản lượng nêu trên không đủ để cân bằng với nguồn cung bị sụt giảm do đại dịch COVID-19.

"Mặc dù mức giảm 10 triệu thùng/ngày sẽ giúp thị trường không bị cạn kho chứa trong thời gian tới, thỏa thuận vẫn là một thông tin gây thất vọng cho nhiều người khi mà họ nhận thấy cung đang vượt cầu đến đâu", ông Bjornar Tonhaugen của công ty Rystad Energy chia sẻ.

Theo CNBC, giá dầu WTI ngọt nhẹ đã giảm 9,29% (tương đương 2,33 USD) xuống còn 22,76 USD/thùng. Giá dầu Brent sụt 4,14% xuống còn 31,48 USD/thùng sau khi tăng lên mức cao 36,4 USD/thùng.

Ngay sau khi Reuters đưa tin OPEC+ đạt được thỏa thuận qui mô lớn có thể lên đến 20 triệu thùng/ngày, giá dầu WTI bật tăng 12% lên mức cao nhất trong phiên là 28,36 USD/thùng.

Mexico phản đối, thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ có nguy đổ vỡ - Ảnh 2.

Tại cuộc họp, Tổng thư kí OPEC Mohammad Barkindo phát biểu: "COVID-19 là một con quái vật, gây ảnh hưởng đến mọi thứ trên đường mà đại dịch quét qua. Đối với thị trường dầu mỏ, đại dịch đã làm đảo lộn hoàn toàn các yếu tố cơ bản về cung - cầu kể từ ngày 6/3".

Bloomberg nhận định, diễn biến bất ngờ sau khi Mexico từ chối hạn mức giảm sản lượng không làm thay đổi nhu cầu cần kíp của OPEC+ về vấn đề giảm nguồn cung.

Đà lao dốc của giá dầu thô trong năm nay đã đe dọa đến tính ổn định của các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ, buộc các công ty lớn như Exxon Mobil phải giảm chi tiêu vốn và gây rủi ro lên khả năng tồn tại của các công ty nhỏ hơn.

"Mexico có thể và nên đồng hành cùng cộng đồng quốc tế ổn định thị trường dầu mỏ", ông Aldo Flores Quiroga - cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mexico và từng tham gia đàm phán thỏa thuận của OPEC+ trong giai đoạn 2016 - 2018, cho hay.

"Giảm sản lượng khai thác là điều cần thiết và có thể làm được. Đây là việc Mexico nên làm trong phạm vi quốc gia và quốc tế", ông Quiroga nói thêm.

Tâm điểm chú ý có lẽ đã chuyển sang cuộc họp bộ trưởng năng lượng của nhóm G20. Nếu đồng thuận giảm sản lượng đến 5 triệu thùng/ngày thì mức đóng góp của các nhà sản xuất lớn như Mỹ và Canada có thể thúc đẩy nỗ lực hồi sinh giá dầu sau khi thỏa thuận ban đầu của OPEC+ không thành, Bloomberg đưa tin.

Các bộ trưởng năng lượng G20 sẽ nhóm họp bất thường vào hôm nay (10/4) với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Brouillette.

Hôm 7/4, Chủ tịch nhóm G20 cho biết cuộc họp được tổ chức nhằm "thúc đẩy đối thoại và hợp tác toàn cầu để đảm bảo tính ổn định cho thị trường năng lượng và duy trì sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu".

Trước đó, ông Trump từng bình luận rằng các yếu tố trên thị trường sẽ tác động đến các công ty năng lượng Mỹ. Hôm 8/4, ông chủ Nhà Trắng cho biết các nhà sản xuất nội địa đã giảm sản lượng. Ông Brouillette cũng lặp lại quan điểm trên vào ngày 9/4, theo đó chia sẻ với CNBC rằng "nhu cầu đi xuống đã buộc các công ty năng lượng Mỹ giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mexico-phan-doi-thoa-thuan-giam-san-luong-dau-tho-cua-opec-co-nguy-co-do-vo-20200410111117759.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/