MBKE: Ngân hàng Nhà nước có thể đang soạn thảo sửa đổi cách tính tỷ lệ LDR của ngân hàng

MBKE cho biết thị trường đang xôn xao trước thông tin Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo sửa đổi Thông tư 22 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với các ngân hàng thương mại, trong đó có cách tính LDR của ngân hàng.

Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng Việt Nam mới đây, Chứng khoán Maybank (MBKE) có đề cập đến thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang soạn thảo sửa đổi Thông tư 22 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với các ngân hàng thương mại, theo chỉ đạo từ NHNN với các NHTM vào đầu tháng 11/2022.

Theo đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) của ngân hàng sẽ có những thay đổi đáng chú ý. Dựa trên những thông tin mà MBKE có được cho đến nay, những thay đổi nổi bật trong cách tính LDR có thể bao gồm: tổng dư nợ cho vay sẽ cộng thêm trái phiếu doanh nghiệp và trừ đi vốn chủ sở hữu. Tổng huy động sẽ trừ các khoản vay liên ngân hàng.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán cũng lưu ý rằng đây chỉ là những điểm thay đổi trọng yếu, LDR sửa đổi còn có thêm những thay đổi khác nhưng nhìn chung không ảnh hưởng lớn đến bức tranh LDR. 

Ngoài ra, giới hạn về tỷ lệ LDR được quy định trong Thông tư 22 sửa đổi có thể được duy trì ở mức 85%, nhưng có thể thực hiện theo từng giai đoạn. Theo những thông tin MBKE nhận biết cho đến nay, giới hạn về LDR sẽ là 90 vào cuối năm 2023, 87% vào cuối năm 2024, và sau đó là 85%.

Nguồn: MBKE.

Đánh giá về những thay đổi trên, nhóm phân tích cho rằng việc gộp trái phiếu doanh nghiệp vào tổng dư nợ cho vay là hợp lý, bởi vì trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản cũng là một khoản vay.

Nhờ việc khấu trừ giá trị "vốn chủ sở hữu" khỏi tổng dư nợ cho vay, điều này sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ LDR so với cách tính toán trước đó, bởi vì số dư trái phiếu doanh nghiệp cho đến nay bé hơn giá trị vốn chủ sở hữu tại hầu hết các ngân hàng.

Dù vậy, nhóm phân tích cũng đặt câu hỏi tại sao các khoản vay dài hạn từ các tổ chức ở nước ngoài (tức là IFC, ADB, các ngân hàng nước ngoài khác) thông qua các khoản vay hợp vốn lại chưa được đưa vào định nghĩa tiền gửi trong Thông tư 22 sửa đổi.

"Chúng tôi cho rằng có thể có phản hồi từ các ngân hàng thương mại (đặc biệt là các ngân hàng khu vực tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài như vậy) về vấn đề này. Nếu khoản này được chấp nhận như một phần của tổng tiền gửi, tỷ lệ LDR sẽ được giảm hơn nữa," báo cáo viết.

Dựa trên dự thảo sửa đổi ban đầu này, nhóm phân tích ước tính tỷ lệ LDR theo quy định của các ngân hàng có thể sẽ gần với theo quy định.

Ngoài ra, việc triển khai theo từng giai đoạn cũng hữu ích cho các ngân hàng trong việc chuẩn bị kế hoạch huy động vốn. Tóm lại, dự thảo này sẽ không gây thêm áp lực lên lãi suất (tức là lãi suất huy động).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mbke-ngan-hang-nha-nuoc-co-the-dang-soan-thao-sua-doi-cach-tinh-ty-le-ldr-cua-ngan-hang-202212118284898.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/