MB được lợi gì khi nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng?

Mặc dù nhận chuyển giao bắt buộc nhưng MB và TCTD bị chuyển giao vẫn sẽ là hai pháp nhân độc lập, hạch toán riêng và không ảnh hưởng tới chính sách cổ tức của ngân hàng.

Trong tài liệu đại hội cổ đông mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) cho biết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương tham gia cơ cấu lại một tổ chức tín dụng (TCTD) theo hình thức chuyển giao bắt buộc trong năm 2022.

Vẫn là hai pháp nhân độc lập, hạch toán riêng và không ảnh hưởng tới chính sách cổ tức

Thông tin từ ngân hàng cho biết, sau khi MB nhận chuyển giao bắt buộc TCTD thì MB trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của TCTD được chuyển giao bắt buộc; TCTD được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với MB.

TCTD được chuyển giao sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH một thành viên do MB là chủ sở hữu. ĐHĐCĐ sẽ được trình phê duyệt chủ trương việc MB thực hiện góp vốn điều lệ, với mức không quá 5.000 tỷ đồng vào TCTD được chuyển giao bắt buộc theo lộ trình góp vốn phù hợp. 

MB được áp dụng một số quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật như: MB không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của TCTD được chuyển giao bắt buộc; MB được loại trừ TCTD được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản góp vốn vào TCTD được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của MB.

MB sẽ tham gia hỗ trợ TCTD được chuyển giao bắt buộc về quản trị, điều hành, đào tạo, triển khai hạ tầng công nghệ và các biện pháp hỗ trợ khác phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

Các quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của khách hàng đối với TCTD được chuyển giao bắt buộc được kế thừa sau khi chuyển giao bắt buộc.   

Ngân hàng cũng khẳng định chính sách cổ tức, chính sách phân phối lợi nhuận và các quỹ của MB không phụ thuộc hoặc ảnh hưởng bởi phương án chuyển giao bắt buộc này và độc lập với kết quả kinh doanh của TCTD được chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện 3 phương án chuyển giao.

Trừ trường hợp MB quyết định hợp nhất báo cáo tài chính và tỷ lệ an toàn vốn của TCTD được chuyển giao bắt buộc theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền. 

MB sẽ được lợi gì?

Có mặt tại tổng kết hoạt động Ngân hàng TNHH Một Thành viên OceanBank với tư cách khách mời, Tổng Giám đốc MB ông Lưu Trung Thái cho biết việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB.   

Nhận định về lợi ích mà phương án này mang lại cho mình, MB cho rằng việc này sẽ giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5~ 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.

MB sẽ tiếp nhận khoảng 401 điểm giao dịch sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư và tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số.

Trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, MB được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, qua đó MB có cơ hội tạo giá trị thặng dư vốn và/ hoặc tăng quy mô cho MB. 

Việc tham gia tái cơ cấu TCTD cũng là một trong các điều kiện để MB được ưu ái hơn trong quá trình xin nới room tín dụng và một số ưu đãi riêng theo quy định của NHNN. 

Bên cạnh đó, MB cho rằng việc tiếp nhận chuyển giao bắt buộc sẽ góp phần lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng, tránh rủi ro mất an toàn hệ thống, từng bước giải quyết được các khoản lỗ phát sinh từ TCTD được chuyển giao bắt buộc, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. 

Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng cũng có những rủi ro, thách thức nhất định cho MB khi tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.Trước đó, OceanBank cũng đã từng được ngân hàng nhà nước là VietinBank tham gia hỗ trợ tái cơ cấu nhưng dường như kết quả chưa đạt như mong đợi. 

Ngân hàng xác định triển khai phương án chuyển giao bắt buộc và tái cơ cấu thành công một TCTD là nhiệm vụ khó khăn lâu dài, đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực, công sức, trí tuệ,... nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh chịu nhiều tác động vềdịch bệnh, môi trường pháp lý, xung đột quốc tế.

Năm 2021, OceanBank ghi nhận mức lỗ thấp nhất trong thời gian từ 2016 đến nay và trong 4 năm trở lại đây đã liên tục giảm lỗ lũy kế. Tổng tài sản tăng 2% trong đó tín dụng tăng 9,5%, trong đó dư nợ bán lẻ tăng 13%; dư nợ KHDN tăng 9%. Huy động vốn thị trường 1 tăng 3,5%, trong đó huy động bán lẻ tăng 5%; huy động KH doanh nghiệp tăng 2%.

Ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 400 khách hàng; tổng dư nợ được cơ cấu lại khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng; miễn giảm lãi cho nhiêu khách hàng. Công tác thu hồi xử lý nợ xấu/nợ có vấn đề đạt 95% kế hoạch. Chi phí hoạt động thấp hơn kế hoạch 179 tỷ đồng. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mb-duoc-loi-gi-khi-nhan-chuyen-giao-bat-buoc-mot-to-chuc-tin-dung-20224784031357.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/