Mặt trái ngành cá ngừ tỉ đô của Đông Nam Á

Cá ngừ là loài thủy sản có giá trị cao nhất thế giới với giá trị thương mại toàn cầu khoảng 42 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên đằng sau chuỗi giá trị lớn là vấn đề về đánh bắt trái phép phá hoại hệ sinh thái biển và vi phạm nhân quyền của người lao động

6PM-FRI-06092019-LH

Nguồn: The Asean Post

Indonesia và Philippines là một trong 5 nhà sản xuất cá ngừ hàng đầu trên thế giới. Sản lượng cá ngừ của Indonesia năm 2016 cao nhất thế giới với thị phần chiếm 17,9% trong khi Philippines đứng thứ hai với 6,1%, theo The Asean Post.

Thái Lan là nước xuất khẩu cá ngừ chế biến lớn nhất thế giới, chiếm 29% lượng xuất khẩu của thế giới. 

Philippines, Indonesia và Việt Nam cũng là những quốc gia xuất khẩu cá ngừ chế biến hoặc đóng hộp cho các thương hiệu lớn tại các thị trường trọng điểm. Năm 2017, tổng cộng 7 tỉ USD sản phẩm cá ngừ đóng hộp đã được xuất khẩu.

Ngành công nghiệp cá ngừ sinh lợi cung cấp hàng nghìn việc làm cho người dân trong các lĩnh vực đánh bắt, chế biến và giao dịch trên toàn thế giới.

Truy xuất nguồn gốc, bền vững và an toàn với người lao động

Trong ba năm qua, Greenpeace, một tổ chức môi trường phi chính phủ, đã xếp hạng các thương hiệu cá ngừ ở Philippines, Indonesia và Thái Lan với mục đích cung cấp thông tin và hướng dẫn cho công ty cá ngừ và người tiêu dùng.

Báo cáo của Greenpeace 2018 "Xếp hạng cá ngừ Đông Nam Á" cho thấy các công ty chế biến đã tiến bộ trong nghiên cứu, hướng tới một ngành công nghiệp cá ngừ đóng hộp có thể truy xuất nguồn gốc, bền vững và an toàn với người lao động

"Sau ba năm tham gia tích cực, các thương hiệu và nhà máy trong khu vực giờ đã mở rộng để hợp tác với Greenpeace và người tiêu dùng trong việc thay đổi chuỗi cung ứng của họ. 

Tuy nhiên tốc độ chuyển đổi không đủ nhanh để đáp ứng với tình trạng đáng báo động của các đại dương", theo Ephraim Batungbacal, nhân viên nghiên cứu tại Greenpeace Đông Nam Á.

ca-ngu

(Đồ họa: TV)

Nhiều thách thức tồn tại

Đằng sau chuỗi giá trị khổng lồ, ngành công nghiệp đánh bắt cá toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như vi phạm nhân quyền. 

Chế độ nhân công rẻ mạt trên biển xảy ra tràn lan trong các đội tàu đánh cá xa bờ trên khắp thế giới, các ngư dân phải mạo hiểm mạng sống sau những lời hứa của những người môi giới vô đạo đức đưa ra mức lương hấp dẫn.

Một nghiên cứu của Viện Issara và Phái đoàn Công lí Quốc tế đã mô tả chi tiết vấn đề mà ngư dân Campuchia và Miến Điện làm việc tại Thái Lan từ năm 2011 đến 2016 đang gặp phải. 

Nghiên cứu năm 2017 "Not in the same boat" về tỉ lệ lạm dụng lao động trong ngành đánh bắt cá của Thái Lan cho thấy ngư dân bị dụ dỗ bằng những cơ hội việc làm hợp pháp nhưng sau đó họ không thể rời đi vì mối đe dọa bạo lực đối với bản thân hoặc người thân trong gia đình, bị giam cầm trong và ngoài khơi bởi tiền lương và các khoản nợ.

Báo cáo Greenpeace cũng liệt kê một thách thức khác đối với sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp cá ngừ. 

Hiện nay, cá ngừ được vận chuyển từ tàu này sang tàu đánh cá khác hoặc sang tàu chuyên dùng vận chuyển hàng hóa. Ngăn cấm hành động này là biện pháp chủ yếu để đảm bảo phòng ngừa hoạt động rửa tiền bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU). 

IUU là một qui định của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp làm cạn kiệt nguồn dự trữ, phá hủy môi trường biển và làm suy yếu hệ sinh thái ven biển ở các nước đang phát triển.

Sự suy giảm nguồn cá ngừ là do các hoạt động đánh bắt hủy diệt và quá mức. Hành động này gây ra ô nhiễm dẫn đến tẩy trắng san hô và các tác động khác từ biến đổi khí hậu. 

Indonesia và Philippines tiếp tục đánh bắt cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có độ lớn 20 - 50 cm. Nếu việc đánh bắt cá con không được giải quyết, nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cá ngừ và hệ sinh thái biển.

Báo cáo cũng xem xét các tiêu chuẩn kép của các chiến lược tiếp thị trong đó các thương hiệu thực hiện các qui tắc nghiêm ngặt chỉ để phục vụ thị trường nước ngoài. Khi nói đến thị trường nội địa, có rất ít hoặc không có thông tin nào được đưa ra về nguồn gốc của cá ngừ. 

Tuy nhiên người dân Đông Nam Á bắt đầu ý thức được về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ đại dương và do đó, các tiêu chuẩn và thông tin về nguồn cung ứng phải được cung cấp cho người tiêu dùng trong nước.

"Nhu cầu về thủy sản có nguồn gốc đáng tin cậy đã tăng lên ở các thị trường trên toàn thế giới", theo ông Jeremy Crawford, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức câu cần quốc tế, một tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy nghề cá bền vững.

Greenpeace cho rằng người tiêu dùng trong khu vực phải có lựa chọn bình đẳng như người tiêu dùng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, báo cáo tiết lộ các chính sách tìm nguồn cung ứng của một số công ty có dính líu đến việc mua cá ngừ từ các tàu đánh cá lớn của Đài Loan, nơi một số đội tàu đánh cá tham gia buôn bán người trên biển.

Các công ty được khuyến khích sử dụng các phương pháp đánh bắt có ít tác động đến môi trường. Để bảo vệ nhân quyền người lao động và cả đại dương, điều quan trọng đối với ngành cá ngừ là phải cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc và chuyển sang các hoạt động tìm nguồn cung ứng bền vững và an toàn với người lao động.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mat-trai-nganh-ca-ngu-ti-do-cua-dong-nam-a-20190911010002605.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/