Mảng kinh doanh di động của LG chìm trong thua lỗ trước khi được Vingroup ngỏ ý mua lại

Lợi nhuận liên tục sụt giảm từ quý II/2015, tính đến cuối năm 2020 mảng kinh doanh điện thoại của LG đã lỗ luỹ kế lên tới 5000 tỷ won, tức khoảng 4,5 tỷ USD.

Ngay từ đầu năm nay, các trang công nghệ nước ngoài đã đồng loạt đưa tin về việc LG đang xem xét rút khỏi thị trường smartphone. Sau khoản lỗ luỹ kế lên tới 4,5 tỷ USD trong 5 năm qua, mảng kinh doanh điện thoại thông minh của LG đã gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ.

CEO LG ông Kwon Bong-seok đã thông báo với các nhân viên rằng công ty đang xem xét thực hiện những thay đổi lớn đối với hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của mình. 

Trong khi đó, một lãnh đạo giấu tên của LG đã tiết lộ với tờ The Korea Herald: "LG đang xem xét tất cả các biện pháp có thể, bao gồm bán một phần, toàn bộ hoặc giảm quy mô mảng kinh doanh điện thoại thông minh."

Tuần trước, báo chí Hàn Quốc tiếp tục đưa tin về kế hoạch này của LG và nhấn mạnh rằng Vingroup, một tập đoàn đến từ Việt Nam, đang là đối tác tiềm năng nhất để mua lại toàn bộ mảng kinh doanh điện thoại của LG, bao gồm tất cả các nhà máy ở Việt Nam, Trung Quốc và Brazil.

LG: Từ ông lớn di động đến cái tên không còn ai nhắc tới

Cuối năm 2014, LG đã xuất xưởng được 60 triệu chiếc smartphone và nắm giữ 11% thị phần smartphone trên toàn cầu, đứng thứ 3 sau Apple và Samsung, theo dữ liệu Consumer Intelligence Research Partners. Tuy nhiên, đây cũng là lần cuối cùng người ta nhìn thấy mảng kinh doanh di động của LG có lãi một cách trọn vẹn.

Kể từ quý II/2015, với sự cố lỗi đột tử trên chiếc flagship LG G4 đã kéo lợi nhuận của LG giảm sâu, và liên tục giảm kể từ đó đến nay. Sự cố tồi tệ trên cũng là cột mốc đánh dấu sự kết thúc một kỷ nguyên huy hoàng của ông lớn làng di động.

Danh tiếng điện thoại LG cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố trên, với hàng loạt các vụ kiện tập thể. Thậm chí, có hẳn những meme và một trang Wikipedia chuyên để nói về những lỗi "ngớ ngẩn" xuất hiện trên điện thoại LG.

Mảng kinh doanh di động của LG chìm trong thua lỗ trước khi được Vingroup ngỏ ý mua lại - Ảnh 1.

Trong thế giới smartphone, bất kỳ nhà sản xuất điện thoại nào cũng hiểu rằng phân khúc cao cấp mới chính là mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, kể từ lỗi "chết người" trên chiếc điện thoại đầu bảng năm 2015, LG đã khá loay hoay trong phân khúc này.

Những năm sau đó, chọn cách an toàn, LG dường như đã đi theo một lối mòn: Điện thoại ra mắt năm sau luôn giống những mẫu ra mắt trước đó và doanh số liên tục đi xuống. Các mẫu LG G6, G7 rồi G8 - những chiếc flagship của các năm 2017, 2018 và 2019 - đều có chung một ngôn ngữ thiết kế với những nâng cấp nhỏ giọt qua từng năm.

Ngoài ra, LG cũng luôn phải vật lộn để tạo ra sự khác biệt so với đối thủ tại quê hương Hàn Quốc. LG đã tạo ra những chiếc điện thoại đầu bảng tốt như Samsung, song Samsung lại sở hữu trong tay chuỗi cung ứng tốt hơn và ngân sách marketing lớn hơn rất nhiều.

Trong những năm qua, LG cũng đã bị o ép khi phải đối mặt với sự "tấn công" ồ ạt từ các hãng smartphone đến từ Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo,… khiến thị phần điện thoại thông minh của hãng bị thu hẹp nhanh chóng.

Tính đến thời điểm hiện tại, từ chỗ có mặt trong top 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới năm 2014, chiếm 11% thị phần toàn cầu, cái tên LG đã không còn được nhắc tới trong bảng xếp hạng các hãng smartphone lớn, thị phần dao động chỉ từ 1% đến 2% mỗi năm.

Mảng kinh doanh di động của LG chìm trong thua lỗ trước khi được Vingroup ngỏ ý mua lại - Ảnh 2.

Doanh số điện thoại LG không còn được thống kê trong bảng các hãng sản xuất smartphone lớn. (Nguồn: Báo cáo IDC).

Trong những năm gần đây, LG đã cố gắng để tạo ra những thay đổi trong lĩnh vực kinh doanh di động như chuyển cơ sở sản xuất smartphone sang Việt Nam, đồng thời mở rộng các hợp đồng gia công.

Để thúc đẩy doanh số bán điện thoại thông minh trong phân khúc cao cấp, năm ngoái LG đã tung ra dự án đầy tham vọng có tên gọi "Explorer Project", nhằm tạo ra danh mục điện thoại với những thiết kế độc lạ.

Qua dự án này, LG đã phát hành mẫu điện thoại Wing - một chiếc smartphone có hai màn hình, trong đó một màn hình có thể xoay ngang. Song đến nay, chiếc điện thoại này không tạo ra được sức ảnh hưởng như những gì nhà sản xuất Hàn Quốc kỳ vọng.

Nhà máy LG có doanh thu chục nghìn tỷ đồng tại Việt Nam

Riêng tại thị trường Việt Nam, LG có mặt từ rất sớm, đầu những năm 1995 với tên gọi LG Sel Electronics. Công ty đã khánh thành nhà máy đầu tiên tại Hưng Yên với vốn đầu tư 13 triệu USD và dây chuyền sản xuất có khả năng sản xuất 550.000 chiếc điện thoại mỗi năm.

Tiếp đến vào tháng 3/2015, LG đã đưa vào hoạt động một nhà máy công nghệ cao để sản xuất các dòng sản phẩm khác tại Tràng Duệ, Hải Phòng với tổng số vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất lớn nhất của LG trong khu vực, với diện diện tích 800.000 m2, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển toàn cầu của "gã khổng lồ" này.

Nhà máy có công suất 16 triệu sản phẩm/năm. Nó sản xuất và lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao như TV, điện thoại di động, máy giặt, máy điều hòa không khí, máy hút bụi và các thiết bị kỹ thuật số cho ô tô…

Theo dữ liệu chúng tôi có được, năm 2019 nhà máy LG tại Hải Phòng đạt doanh thu thuần 64.320 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.732 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của nhà máy này là 74.237 tỷ đồng, tăng 52% so với con số đầu năm.

Trong một lần trao đổi với báo giới năm 2017, ông Kim Young Lak, Tổng Giám đốc Kinh doanh & Marketing, Công ty LG Electronics Việt Nam cho biết LG đang tạo ra khoảng 2.000 việc làm trên khắp cả nước.

Mặc dù đầu tư lớn vào sản xuất tại Việt Nam, nhưng do nhu cầu thị trường yếu và không thể cạnh tranh với cơn bão smartphone giá rẻ đến từ Trung Quốc, đầu năm 2017 trước khi ra mắt mẫu điện thoại LG G6, LG đã quyết định dừng bán smartphone tại thị trường Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mang-kinh-doanh-di-dong-cua-lg-chim-trong-thua-lo-truoc-khi-duoc-vingroup-ngo-y-mua-lai-20210125125620719.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/