Malaysia chật vật phong tỏa đất nước để kiểm soát ổ dịch có liên quan đến hai ca nhiễm COVID-19 tại Ninh Thuận

Hơn 50% tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Malaysia có liên quan đến một sự kiện tôn giáo với gần 16.000 người tham dự. Đứng trước khó khăn khi phải kiểm soát dịch bệnh trên qui mô lớn, chính phủ Malaysia đã buộc phải dùng đến biện pháp đóng cửa đất nước.

Theo Bloomberg, hơn một nửa trong tổng số 673 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận tại Malaysia có liên quan đến sự kiện tôn giáo diễn ra trong khoảng thời gian 27/2 - 1/3 với sự tham gia của khoảng 16.000 tín đồ tại một nhà thờ Hồi giáo gần thủ đô Kuala Lumpur.

Các quốc gia láng giềng như Singapore, Việt Nam và Brunei cũng đã báo cáo các trường hợp nhiễm COVID-19 có liên quan đến sự kiện tôn giáo trên.

Trong đó, Việt Nam ghi nhận hai ca số 61 và 67, đều đến từ tỉnh Ninh Thuận. Hai bệnh nhân này đáp chuyến bay đến Malaysia vào ngày 27/2 và về Việt Nam vào ngày 4/3 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã lan rộng trên khắp thế giới, hạn chế tiếp xúc với cộng đồng là biện pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan của dịch. Tuy nhiên, tránh tụ tập đông người là một thách thức lớn đối với các sự kiện tôn giáo và một số quyền tự do khác.

Trong khi Singapore ngay lập tức đóng cửa toàn bộ nhà thờ Hồi giáo để khử trùng, Malaysia lại hành động chậm chạp hơn.

Malaysia chật vật phong tỏa đất nước để kiểm soát ổ dịch  có liên quan đến hai ca nhiễm COVID-19 tại Ninh Thuận - Ảnh 1.

Người dân theo đạo Hồi tại Malaysia vẫn lui tới các buổi cầu nguyện vào ngày 13/3, bất chấp số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến. (Ảnh: AP)

Quốc gia mà phần đông dân số đều theo đạo Hồi này phải nhận được cái gật đầu chấp thuận từ các nhà lãnh đạo Hồi giáo cũng như điều hướng giới chức từ 13 tiểu bang phối hợp hành động.

Quan chức y tế Malaysia cũng phải vật lộn để truy ra các tín đồ đã tham gia sự kiện tôn giáo nêu trên, tương tự như thách thức mà giới chức Hàn Quốc từng gặp phải hồi tháng 2.

Tôn giáo và chủng tộc có mối liên hệ mật thiết tại Malaysia, khi mà người dân phải tuyên bố là người Hồi giáo để được công nhận thuộc nhóm đa số ở đất nước này.

Hai vấn đề đó đóng vai trò trung tâm trong nền chính trị Malaysia. Cuộc đấu tranh giành quyền lực mới nhất đã khiến liên minh đa sắc tộc của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad thất bại trước các đảng của người Hồi giáo - vốn chiếm đa số tại Malaysia và ủng hộ ông Muhyiddin Yassin.

Theo Bloomberg, nỗ lực xử lí dịch COVID-19 của Malaysia trở nên phức tạp hơn do biến động chính trị hồi cuối tháng 2.

Malaysia chật vật phong tỏa đất nước để kiểm soát ổ dịch  có liên quan đến hai ca nhiễm COVID-19 tại Ninh Thuận - Ảnh 3.

Trong khi cựu Thủ tướng Mahathir là một chính trị gia kì cựu với hơn hai thập kỉ làm lãnh đạo đất nước, ông Muhyiddin chỉ vừa tiếp quản vai trò mới trong hai tuần và nhiều bộ trưởng trong nội các hiện tại là các gương mặt mới, kể cả Bộ trưởng Bộ Y tế Dzulkefly Ahmad.

Đại diện văn phòng Thủ tướng và Bộ Y tế Malaysia đều không phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Ông Awang Azman Awang Pawi - phó giáo sư nghiên cứu về văn hóa xã hội tại Đại học Malaya, cho rằng tính nhạy cảm chính trị xoay quanh việc đóng cửa đền thờ Hồi giáo tại Malaysia bắt đầu mờ dần khi dịch COVID-19 trở thành một mối quan ngại toàn cầu.

"Liệu chính phủ mới có thể kiểm soát dịch thành công trong hai tuần tới thông qua các biện pháp hiện nay hay không mới là điều quan trọng hơn", ông Pawi nói. "Nếu thất bại, chính phủ của ông Muhyiddin sẽ nhận chỉ trích vì đưa ra chiến lược dập dịch yếu kém".

Trong khi Singapore ra lệnh đóng cửa toàn bộ nhà thờ Hồi giáo trong nước hôm 12/3, Malaysia lại không yêu cầu hủy bỏ buổi cầu nguyện qui mô lớn vào ngày 13/3.

Thay vào đó, các nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia chỉ được yêu cầu rút ngắn bài giảng và cung cấp khẩu trang y tế cho các tín đồ, trong khi những người có triệu chứng nhiễm COVID-19 chỉ được miễn chứ không bị cấm tham gia lễ cầu nguyện.

Chỉ đến ngày 15/3, sau khi số ca nhiễm mới tăng 80%, chính phủ Malaysia mới tổ chức cuộc họp đặc biệt với các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Hai bên đồng ý ngừng mọi hoạt động tại các nhà thờ Hồi giáo trong 10 ngày, sau đó xin chấp thuận từ nhà vua Malaysia trước khi tuyên bố quyết định này vào ngày hôm sau.

Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức tại lãnh thổ liên bang Malaysia, bao gồm thủ đô Kuala Lumpur và trung tâm tài chính ngoài khơi Labuan, tuy nhiên các nhà lãnh đạo tôn giáo ở 13 tiểu bang vẫn có quyền quyết định thực hiện theo hay không.

Cuối ngày 16/3, ông Muhyiddin mới tuyên bố "nội bất xuất, ngoại bất nhập", cũng như yêu cầu đóng cửa trên diện rộng các cửa hàng, trường học, một số dịch vụ công cộng và đền thờ, ngoại trừ các nhà thờ Hồi giáo và nhà cầu nguyện (surau).

Theo cập nhật từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 12h15 (giờ Việt Nam) ngày 18/3, ngoài Trung Quốc đã có đến 165 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm COVID-19. Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 198.419 và số ca tử vong là 7.987.

Riêng Malaysia - hiện nay là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á, ghi nhận 673 người nhiễm COVID-19 và 7 người tử vong.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/malaysia-chat-vat-phong-toa-dat-nuoc-de-kiem-soat-o-dich-co-lien-quan-den-hai-ca-nhiem-covid-19-tai-ninh-thuan-20200318141137146.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/