Lợi nhuận quý III của nhiều doanh nghiệp than đi lùi do chi phí sản xuất tăng cao

Trong quý III, một số công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ghi nhận lợi nhuận giảm tốc do chi phí sản xuất tăng, giá bán than chưa tương xứng với giá thành sản xuất.

Kết quả kinh doanh quý III của loạt công ty con TKV giảm tốc

Dưới tác động của cơn khát năng lượng trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng cao, trong khi việc khai thác, sản xuất than trong nước không thuận lợi, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của một số thành viên trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Bảng thống kê kết quả kinh doanh quý III của một số thành viên TKV cho thấy 7/9 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm tốc và phần lớn doanh nghiệp lý giải rằng chi phí sản xuất tăng đã tác động đến chỉ số này.

 Hoàng Anh tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp. 

Điển hình như CTCP Than Cọc Sáu – Vinacomin (Mã: TC6), công ty này ghi nhận doanh thu quý III tăng 45% so với cùng kỳ lên 422 tỷ đồng, song lại lỗ sau thuế 350 tỷ đồng, trong khi quý III/2021 lãi 410 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Than Cọc Sáu đạt 2.033 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; công ty lỗ sau thuế 351 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 3,6 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình, công ty cho biết 9 tháng đầu năm nay, thời tiết không thuận lợi, mưa sớm và lớn hơn, ảnh hưởng đến việc khai thác và chất lượng than.

Cụ thể tính đến hết quý III, sản lượng than sản xuất và chế biến đạt hơn 1,4 triệu tấn, giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021 và mới thực hiện được 49% kế hoạch sản xuất năm 2022. Lượng than tiêu thụ cũng mới đạt 1,6 triệu tấn, hoàn thành được 54% kế hoạch.

Cùng với việc khai thác không thuận lợi, giá nhiên liệu tăng cao đội chi phí sản xuất, làm giảm doanh thu, lợi nhuận.

Tương tự, CTCP Than Đèo Nai – Vinacomin (Mã: TDN) công bố doanh thu thuần trong quý III đạt 617 tỷ đồng, giảm 19% so với quý III/2021; lợi nhuận sau thuế đạt gần 3 tỷ, giảm 83%.

Sau ba quý, doanh thu thuần của Than Đèo Nai đạt 2.720 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Song lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 76%, còn 9,3 tỷ đồng.

Công ty lý giải doanh thu thuần quý III năm nay giảm so cùng kỳ do lượng than tiêu thụ giảm 22%, dẫn đến lợi nhuận đi xuống.

Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu của công ty vẫn tăng nhờ lượng tiêu thụ than 6 tháng đầu năm tăng 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá nhiên liệu khai thác tăng tới 54%, tác động đến giá vốn và kéo lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.

Còn, CTCP Kinh doanh Than miền Bắc – Vinacomin (Mã: TMB) ghi nhận doanh thu thuần quý III gấp 3 lần so với cùng kỳ, lên 6.732 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 40%, còn gần 1 tỷ đồng.

Đại diện công ty giải trình rằng trong quý III năm nay lợi nhuận gộp và doanh thu từ hoạt động tài chính đều tăng, song không đủ bù đắp cho chi phí tài chính, quản lý, bán hàng… khiến lợi nhuận sau thuế giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Than miền Bắc đạt 16.183 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 80 tỷ đồng, tăng 85%.

Nói về tình hình ngành than tại triển lãm Minning 2022, ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng giám đốc TKV cho biết việc khai thác, sản xuất than của tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng xuống sâu, cung độ vận tải lớn và thời tiết diễn biến thất thường.

"Chi phí khai thác than ngày càng tăng khi giá than Vinacomin cung cấp cho nhiệt điện vẫn chưa tăng đồng nào. Trong khi đó, than cung cấp cho nhiệt điện chiếm tới 80% tổng lượng than khai thác.

Để đảm bảo an sinh xã hội và nhiệm vụ nhà nước giao, chúng tôi đang chịu phần thiệt khi giá bán than chưa tương xứng với giá thành sản xuất”, ông Cơ nói.

Trước đó hồi tháng 3, TKV từng đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho sản xuất điện, theo báo Chính phủ.

Doanh nghiệp này đưa ra cơ sở cho việc tăng giá than là giá thành khai thác than ngày càng tăng do các mỏ than sâu, điều kiện địa chất phức tạp, khác so với tài liệu thiết kế ban đầu, mức độ rủi ro cao... trong khi việc nhập khẩu cũng khó khăn sau cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

TKV thông tin giai đoạn 2019 – 2021, giá bán than trong nước cho sản xuất điện không tăng nên lợi nhuận từ sản xuất than ngày càng giảm, việc triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhiều dự án đầu tư, phát triển mỏ than theo quy hoạch không cân đối được hiệu quả kinh tế để triển khai thực hiện.

Do vậy, TKV cho rằng việc tăng giá bán than trong nước sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh và tiến độ các dự án khai thác, đầu tư.

Hoàng Anh tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp.  

Ở chiều ngược lại, CTCP Xuất nhập khẩu than - Vinacomin (Coalimex, Mã: CLM) là số ít trong các doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần quý III của Coalimex đạt 3.048 tỷ đồng, giảm 50% so với quý II nhưng vẫn gấp 4,8 lần cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 9 tỷ đồng, tăng 22% so với quý III/2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 10.027 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 293 tỷ, gấp 14,7 lần.

Công ty cho biết sản lượng nhập khẩu và pha trộn than tăng cao dẫn đến lợi nhuận tăng tương ứng. Đặc biệt, công ty đã thực hiện thành công một số gói chào thầu quốc tế cung cấp than cho nhà máy luyện thép trong nước với tỷ lệ lợi nhuận cao.

Ngoài ra, một số lĩnh vực kinh doanh như cho thuê văn phòng, xuất khẩu lao động... bắt đầu khởi sắc sau thời kỳ kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 so với năm 2021.

TKV đã hoàn thành 80% kế hoạch lợi nhuận

Kết quả kinh doanh của một số công ty than thành viên phân hóa mạnh, song tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận TKV vẫn tăng trưởng dương và sắp hoàn thành kế hoạch năm.

Cụ thể, TKV cho biết 9 tháng đầu năm, tập đoàn đã khai thác được 30,5 triệu tấn than, đạt 78% kế hoạch năm (kế hoạch năm gần 39 triệu tấn) và tăng 3% so với cùng kỳ 2021.

Ngoài ra, tập đoàn cũng nhập khẩu khoảng 3,14 triệu tấn để về trộn với than sản xuất trong nước, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Dự kiến, những tháng cuối năm nay, TKV sẽ nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn than.

Lượng tiêu thụ than đạt 35,8 triệu tấn, đạt hơn 83% kế hoạch năm (kế hoạch năm 43 triệu tấn) và tăng 7% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của TKV đạt 122.000 tỷ đồng, tăng gần 23% tương ứng tăng gần 28.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Đây là doanh thu cao nhất từ trước đến nay của tập đoàn. Lợi nhuận toàn tập đoàn đạt 3.000 tỷ đồng.

Với kế hoạch toàn tập đoàn năm 2022 với doanh thu mục tiêu là 131.600 tỷ đồng và lợi nhuận 3.500 tỷ đồng, TKV lần lượt đạt gần 73% kế hoạch doanh thu năm và 85% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Trong quý IV, TKV đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn than, tổng cả năm đạt 40,5 triệu tấn và sản lượng tiêu thụ hơn 11 triệu tấn than, tổng cả năm đạt 47 triệu tấn. Nguồn than khai thác được cân đối gần 90% cho các ngành như nhiệt điện, sắt thép, xi măng, phân bón và phục vụ dân dụng; còn lại hơn 10% cho xuất khẩu.

Về tình hình cung cấp than cho điện năm 2022, TKV đã đáp ứng than cho nhu cầu sản xuất điện tăng của EVN ngay từ đầu năm bằng nguồn than sản xuất trong nước và than pha trộn nhập khẩu. Than cung cấp cho điện năm 2022 dự kiến khoảng 35,5 triệu tấn, bằng 101% kế hoạch và tăng 4% so với thực hiện năm 2021.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV khẳng định TKV sẽ đảm bảo cung cấp đủ than cho điện theo hợp đồng đã ký, không để thiếu than cho sản xuất điện.

Tập đoàn dự báo năm 2023 nhu cầu than vẫn tăng cao, việc đáp ứng than cho điện sẽ khó khăn. Do vậy, TKV tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng và làm việc với các nhà cung cấp than trên thế giới để nhập khẩu than, chế biến pha trộn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loi-nhuan-quy-iii-cua-nhieu-doanh-nghiep-than-di-lui-do-chi-phi-san-xuat-tang-cao-2022112218231598.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/