Lợi nhuận doanh nghiệp xi măng sa sút vì giá than, khí phi mã

Giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi tiêu thụ lại có xu hướng chững lại khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng sa sút.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2022, xuất khẩu xi măng đạt gần 17 triệu tấn, tương đương 737 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

 

   (Nguồn: BSC) 

Trong báo cáo ngành xi măng, CTCK BIDV (BSC) lý giải sản lượng xuất khẩu giảm mạnh do cú sốc giá dầu làm tăng chi phí vận chuyển và giảm sức cạnh tranh của xi măng xuất khẩu.

Ngoài ra, nhu cầu tại thị trường chủ lực Trung Quốc đi xuống vì theo đuổi chính sách Zero COVID, các thị trường xuất khẩu lớn khác như Philippines và Bangladesh gia tăng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước.

Nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh cùng biến động giá nguyên vật liệu làm tăng chi phí cố định trên một đơn vị sản phẩm, khiến kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp xi măng sa sút so với cùng kỳ năm 2021.

Thực tế, các doanh nghiệp xi măng đã tăng giá bán 10-15% so với đầu năm nhưng do giá than nhập khẩu, chiếm khoảng 30-35% giá thành sản xuất đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm khiến biên lợi nhuận gộp của các hầu hết doanh nghiệp trong ngành suy giảm mạnh.

(Nguồn: BSC) 

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) cho thấy doanh thu thuần tăng 5,5% so với cùng kỳ lên 2.385 tỷ đồng. Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng tới 13,5% lên 2.066 tỷ đồng.

Doanh nghiệp giải trình do giá nguyên nhiên liệu chính cho sản xuất xi măng như than, dầu, thạch cao,... tăng giá mạnh. Kết quả là lãi sau thuế gần 136 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HT1 đạt 4.342 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 161 tỷ, lần lượt tăng 8% và giảm 52% so với cùng kỳ. 

Chỉ riêng có số ít doanh nghiệp xi măng có biên lợi nhuận gộp duy trì cao nhờ hưởng lợi từ nguồn cung than giá thấp như CTCP Xi măng La Hiên VVMI thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam.

BSC dự báo giá than nhập khẩu sẽ tiếp tục ở mức cao đến hết năm 2022 do lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của các nước phương Tây khiến giá than của các nước xuất khẩu khác tăng cao.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đẩy mạnh cấp phép cho các nhà máy nhiệt điện mới để giải quyết tình trạng thiếu điện làm tăng nhu cầu đối với than nhiệt và nguồn cung khí thiên nhiên thiếu hụt khi bước vào mùa đông.

Do 70% nguồn cung than trong ngành xi măng đến từ nhập khẩu, BSC cho rằng chi phí sản xuất sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022. Giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi tiêu thụ lại có xu hướng chững lại khiến các doanh nghiệp xi măng tiếp tục khó khăn trong những tháng cuối năm. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loi-nhuan-doanh-nghiep-xi-mang-sa-sut-vi-gia-than-khi-phi-ma-20228191677109.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/