Lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo tiếp tục phân hoá trong quý III

Một số doanh nghiệp ngành gạo quý III ghi nhận tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận song một số doanh nghiệp báo lãi giảm sâu thậm chí thua lỗ.

Hai mảng sáng - tối trong bức tranh lợi nhuận ngành gạo

Kết thúc quý III/2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gạo tiếp diễn sự phân hóa của quý trước đó. Một số doanh nghiệp lãi đậm như Tập đoàn Lộc Trời, Nông sản thực phẩm An Giang nhưng một số đơn vị khác lại ghi nhận khoản lợi nhuận khiêm tốn, thậm chí đến thua lỗ.

Ở nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế gần 64 tỷ đồng, gấp đôi quý III năm ngoái. 

Sau 9 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 8.629 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lương thực chiếm đa số với 57%, tương đương 5.025 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời vẫn ghi nhận mức sụt giảm 23% so với 9 tháng đầu năm ngoái, đạt 203 tỷ đồng. 

Năm 2022, Lộc Trời đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Tập đoàn thực hiện được gần 51% kế hoạch lợi nhuận năm.  

Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận tín hiệu kinh doanh khả quan trong quý III là Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Mã: AFX). Doanh thu hợp nhất của công ty đạt 366 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt hơn 9 tỷ đồng, gấp 12 lần so với quý III/2021 (750 triệu đồng).

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Nông sản Thực phẩm An Giang tăng 91% lên 989 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 27 tỷ đồng, gấp gần 6,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ban lãnh đạo công ty cho biết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ đang trong đà khôi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 qua hai năm 2020 và 2021. Lợi nhuận gộp về bán hàng tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời công ty đã cơ cấu các khoản đầu tư tài chính mang lại hiệu quả kinh doanh cho công ty. 

  Như Huỳnh tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp.   

Trái ngược với mảng sáng trong bức tranh kinh doanh quý III của ngành gạo, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 500 tỷ đồng, giảm 31%, lợi nhuận sau thuế đạt 2 tỷ đồng, giảm gần 95% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Trung An ghi nhận doanh thu đạt 2.222 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế hơn 52 tỷ đồng, giảm 9%. 

Năm 2022, công ty đặt mục tiêu với doanh thu thuần 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng. Kết thúc ba quý, Trung An mới thực hiện được hơn 63% mục tiêu doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Với công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, Mã: NSC), doanh thu thuần trong quý III là 307 tỷ đồng, giảm 24% so với quý III/2021. Sau khi trừ các chi phí, Vinaseed báo lãi 28 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.   

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty thu về 1.202 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021.

9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và 58% lợi nhuận trước thuế của cả năm.  

Trong khi đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Mã: AGM) đã rơi vào cảnh thua lỗ khi doanh thu thuần quý III đạt 710 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ và doanh nghiệp lỗ gần 29 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu tăng 33% lên 3.092 tỷ đồng nhưng lỗ 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 18 tỷ đồng.

Năm 2022, Xuất nhập khẩu An Giang đặt mục tiêu doanh thu 3.929 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 25 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, công ty thực hiện 79% doanh thu nhưng còn cách xa mục tiêu có lãi.

Riêng với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Mã: VSF), doanh nghiệp này đã có lãi 265 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái lỗ 97 tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 3.652 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam là 10.830 tỷ đồng,  giảm 13%. Tổng công ty lãi sau thuế hơn 5,1 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 248 tỷ đồng.

Kết thúc ba quý, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam thực hiện gần 70% mục tiêu doanh thu nhưng chưa đến 1/5 kế hoạch lãi trước thuế khi đạt 19,5 tỷ đồng. 

 Như Huỳnh tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp.   

Doanh nghiệp ngành gạo sẽ được hưởng lợi nhờ giá gạo tăng? 

Một sự kiện nổi bật trong quý III vừa qua của ngành gạo là việc Ấn Độ, quốc gia chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và đang cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar, đã cấm xuất khẩu gạo tấm, đồng thời đánh thuế 20% đối với các giống gạo khác (trừ gạo Basmati và gạo đồ) từ ngày 8/9.

Ngay sau thông tin này, nhiều dự báo cho rằng giá gạo sẽ tăng cao và một số doanh nghiệp xuất gạo của Việt nam sẽ được hưởng lợi lớn. 

Chứng khoán VNDirect cho rằng, Lộc Trời và Trung An với tỷ trọng xuất khẩu gạo lớn sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ xu hướng tăng của giá gạo, giúp gia tăng biên lợi nhuận của các công ty này.

Theo phân tích của VNDirect, Lộc Trời là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là châu Âu và Trung Quốc. Việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán cũng sẽ mang lại lợi ích cho Lộc Trời.

Đồng thời, bối cảnh này cũng là cơ hội cho cả Trung An. Bởi kinh doanh gạo là lĩnh vực chủ yếu của Trung An với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu, trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên đến 27% doanh thu xuất khẩu.

Vì vậy, VNDirect kỳ vọng Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam sẽ là động lực giúp Trung An tăng sản lượng xuất khẩu. 

 VNDirect dự báo ba "ông lớn" gồm Lộc Trời, Trung An sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng tăng giá gạo. (Ảnh: Lộc Trời)

Như vậy, đến nay, lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã thực thi được hơn một tháng, các dự báo về việc hưởng lợi của doanh nghiệp vẫn chưa rõ nét nhưng kỳ vọng giá gạo tăng cao đã được ghi nhận trong tháng 10 vừa qua.

Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan 18 - 23 USD/tấn.

Chia sẻ với người viết, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, cho biết giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao, hiện gạo 5% tấm đang ở mức 440 - 450 USD/tấn. Nguyên nhân tăng giá là nhu cầu nhập khẩu quốc tế những tháng cuối năm tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế bởi thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa.  

Còn theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, việc giá gạo Việt cao hơn so với gạo của Thái Lan không phải là lần đầu tiên xảy ra. 

"Những năm gần đây, đã có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Việc gạo Việt Nam bán cao hơn gạo Thái là chuyện đã dần trở nên bình thường. Gạo Việt đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất. Đồng thời, độ tươi mới của gạo Việt cao hơn gạo Thái cùng chủng loại nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng", ông Bình nói. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loi-nhuan-doanh-nghiep-nganh-gao-tiep-tuc-phan-hoa-trong-quy-iii-2022119143858166.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/