Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng bằng lần thậm chí chục lần trong 2021

Trong các doanh nghiệp phi tài chính được SSI Research ước tính lợi nhuận, Đạm Phú Mỹ là doanh nghiệp dẫn đầu với mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 12 lần, bỏ xa doanh nghiệp xếp sau là Hóa chất Đức Giang với 477%.

SSI Research vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý IV/2021 của nhiều công ty đang giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, ban lãnh đạo Viettel Construction (Mã: CTR) ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 472 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Tương ứng, lợi nhuận trước thuế quý IV dự kiến tăng 21% lên 160 tỷ đồng.

Trong quý IV năm ngoái, Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) ước lợi nhuận ròng đạt khoảng 1.403 tỷ đồng, tương ứng tăng 477% so với cùng kỳ nhờ giá phốt pho vàng duy trì ở mức cao.

Đại diện một doanh nghiệp trong ngành phân bón là Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM) ước tính lợi nhuận ròng quý IV có thể đạt 1.446 tỷ đồng, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ nhờ giá urê trên thị trường duy trì ở mức cao. Công ty đầu ngành phân bón này vừa qua cũng đã ghi nhận lợi nhuận cả năm cao kỷ lục với 3.600 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực công nghệ, CTCP FPT (Mã: FPT) ước tính mức tăng trưởng lãi trước thuế quý IV là 20% so với cùng kỳ, có thể được dẫn dắt bởi dịch vụ công nghệ thông tin thuê ngoài. 

Trong tháng 10 và tháng 11/2021, tổng lợi nhuận trước thuế của FPT đã tăng 19% so với cùng kỳ, dẫn đầu là mức tăng 25% của dịch vụ công nghệ thông tin thuê ngoài.

Quán quân tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2021 thuộc về doanh nghiệp nào? - Ảnh 1.

Năm vừa qua chứng kiến nhiều thăng trầm của ngành dầu khí. Trong đó, doanh nghiệp đầu ngành Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas - Mã: GAS) ước đạt doanh thu 80.000 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ và 8.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 7,3%.

SSI Research cho biết, mặc dù sản lượng khí khô giảm mạnh, giá dầu tích cực đã hỗ trợ cho doanh thu và lợi nhuận trong năm qua.

Trong lĩnh vực logistics, vận tải biển, CTCP Gemadept (: GMD) ước tính lãi trước thuế quý IV sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 50% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi tốc độ lấp đầy nhanh chóng của cảng Gemalink và tăng trưởng của khu vực cảng Hải Phòng, do sản lượng cảng Lạch Huyện đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng cạn luồng do sa bồi. Gemadept dự kiến sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 với 700 tỷ đồng.

CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 với lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ đạt 389 tỷ đồng, tăng 181%. 

Tuy nhiên, SSI Research ước tính số liệu thực tế sẽ cao hơn và đạt khoảng 440 tỷ đồng (tăng 218%). Theo đó, lợi nhuận ròng quý IV dự kiến đạt 198 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Công ty duy trì đà tăng trưởng cao nhờ giá cước nội địa tăng và các hợp đồng cho thuê tàu mới ký.

Với ông lớn số 1 ngành thép, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sẽ duy trì ở mức cao khoảng 9.800 tỷ đồng trong quý IV, tăng 110% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ thép tăng 30% so với cùng kỳ và giá thép tăng 40 - 70%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2021 ước tăng 173% đạt 36.900 tỷ đồng.

Masan Group (: MSN) được dự đoán sẽ ghi nhận 1.500 - 1.600 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi cho cổ đông công ty mẹ trong quý IV/2021, so với mức 265 tỷ đồng trong quý IV cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công ty có thể ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn khỏi mảng thức ăn chăn nuôi khoảng 4.800 - 5.000 tỷ đồng trong quý IV. 

Tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi tiếp tục được thúc đẩy nhờ tỷ suất lợi nhuận của WinCommerce và Masan MEATLife được cải thiện, cũng như đà tăng trưởng mạnh mẽ của Masan Consumer và Techcombank.

Hai công ty đại diện trong lĩnh vực bán lẻ cũng được dự báo lợi nhuận quý IV tăng trưởng sau khi dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát trong quý IV vừa qua,

Ông trùm mảng bán lẻ là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (: MWG) được ước tính lợi nhuận ròng quý IV đạt 1.467 tỷ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ) do nhu cầu dồn nén do đại dịch và số lượng cửa hàng cao hơn năm trước.

Quán quân tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2021 thuộc về doanh nghiệp nào? - Ảnh 2.

Lợi nhuận của MWG được ước tính tăng trưởng hơn 50% trong quý IV nhờ nhu cầu phục hồi và số lượng cửa hàng cao hơn năm trước. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Một doanh nghiệp bán lẻ khác là CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (: PNJ) ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.000 tỷ đồng và 435 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng tăng 2% so với cùng kỳ. 

PNJ đã mở toàn bộ mạng lưới bán lẻ kể từ nửa cuối tháng 10 và ghi nhận nhu cầu gia tăng ấn tượng. Lũy kế năm 2021, PNJ ước đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 18.500 tỷ đồng (tăng 5,5% so với cùng kỳ) và 1.000 tỷ đồng (giảm 5,4% so với cùng kỳ), do các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài khiến 80% cửa hàng của công ty đóng cửa trong quý III.

Đại diện một doanh nghiệp dịch vụ hàng không là Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (: SCS) được SSI Research ước tính sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý IV là 20% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng hàng hóa qua cảng tăng mạnh trong những tháng cuối năm (tăng 50% trong tháng 11 và tháng 12).

Cuối cùng, SSI Research cho biết Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (: TNH) ước đạt 122 tỷ đồng doanh thu quý IV (tăng 21%) và và lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng (tăng 52%). 

Báo cáo phân tích cho biết doanh thu tiếp tục tăng trưởng mạnh với tỷ lệ lấp đầy cao hơn tại các bệnh viện mới (bệnh viện Thái Nguyên và Yên Bình), trong khi lợi nhuận có mức tăng đáng kể do hai đợt điều chỉnh giá khám chữa bệnh gần đây vào tháng 3 và tháng 9.

Trong thời gian dịch bệnh, công ty không bị bị ảnh hưởng nhiều do tỉnh Thái Nguyên không áp dụng các lệnh giãn cách nghiêm ngặt, trong khi bệnh viện lại được hưởng lợi thêm từ các hoạt động test COVID-19 thường xuyên cho cán bộ nhân viên của Samsung Electronic Thái Nguyên và các khách hàng khu công nghiệp lân cận.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loi-nhuan-cua-nhieu-doanh-nghiep-tang-truong-bang-lan-tham-chi-chuc-lan-trong-2021-20220112113307583.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/