Lí thuyết về lượng cầu tài sản (Asset demand theory) là gì?

Lí thuyết về lượng cầu tài sản (tiếng Anh: Asset demand theory) là lí thuyết cho rằng có 4 yếu tố quyết định đến lượng cầu của một tài sản mà nhà đầu tư muốn nắm giữ.

Tỉ suất lợi nhuận của một khoản đầu tư (3)

Hình minh họa

Lí thuyết về lượng cầu tài sản (Asset demand theory)

Định nghĩa

Lí thuyết về lượng cầu tài sản trong tiếng Anh là Asset demand theoryLí thuyết về lượng cầu tài sản là lí thuyết cho rằng có 4 yếu tố quyết định đến lượng cầu của một tài sản mà nhà đầu tư muốn nắm giữ.

Ý nghĩa

- Lí thuyết về lượng cầu tài sản đưa ra các tiêu chí đơn giản để giải thích quyết định của nhà đầu tư khi mua một loại tài sản nào đó.

- Lí thuyết về lượng cầu tài sản sẽ giúp chúng ta hiểu được các yếu tố tác động tới cung vốn thông qua phân tích nhu cầu nắm giữ trái phiếu.

Nội dung lí thuyết về lượng cầu tài sản

Theo lí thuyết này, có 4 yếu tố tác động tới số lượng tài sản mà nhà đầu tư muốn nắm giữ đó là:

(1) Của cải: tổng giá trị tài sản mà một người sở hữu

+ Khi của cải hoặc thu nhập của một người tăng lên, người đó nhận thấy họ có thể mua được nhiều tài sản hơn. Cổ phiếu, trái phiếu là các tài sản tài chính mà người ta quan tâm muốn nắm giữ khi của cải tăng lên.

+ Thêm nữa, cổ phiếu, trái phiếu hay các tài sản tài chính khác được các nhà kinh tế coi là những hàng hóa cao cấp, do vậy khi của cải tăng lên, nhu cầu nắm giữ tài sản tài chính sẽ tăng lên, lượng cầu tài sản tài chính tăng.

(2) Lợi tức tính từ việc nắm giữ tài sản trong tương lai: lợi tức dự tính này được so sánh với lợi tức dự tính của tài sản thay thế.

+ Khi xem xét lợi tức dự tính của một tài sản tài chính cụ thể nào đó (ví dụ cổ phiếu VNM), nhà đầu tư cũng sẽ so sánh lợi tức dự tính của việc nắm giữ tài sản đó với các tài sản tài chính khác (được gọi là các tài sản thay thế, ví dụ như vàng hoặc trái phiếu chính phủ, hoặc một chứng chỉ quĩ đầu tư).

+ Khi lợi tức dự tính của tài sản đang xem xét cao hơn các tài sản thay thế thì cầu nắm giữ tài sản đang xem xét sẽ tăng lên và ngược lại.

(3) Rủi ro của tài sản: biến động tương đối về giá và thu nhập của tài sản so với tài sản thay thế.

+ Có nhiều loại rủi ro khác nhau liên quan đến nắm giữ một loại tài sản. Rủi ro được đề cập ở đây là rủi ro biến động giá của tài sản tài chính.

+ Một tài sản có biến động giá càng lớn so với mức giá kì vọng trong tương lai thì tài sản đó có rủi ro càng cao.

+ Mối quan hệ giữa rủi ro và lượng cầu tài sản là quan hệ ngược chiều. Khi rủi ro của tài sản đang xem xét cao hơn so với rủi ro của các tài sản thay thế khác, lượng cầu đối với tài sản đó sẽ giảm xuống.

(4) Tính thanh khoản của tài sản so với tài sản thay thế

Khi tính thanh khoản của tài sản đang xem xét cao hơn so với tính thanh khoản của các tài sản thay thế thì lượng cầu nắm giữ tài sản đó sẽ tăng lên và ngược lại.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lí thuyết Tài chính tiền tệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/li-thuyet-ve-luong-cau-tai-san-asset-demand-theory-la-gi-20191002110315573.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/